Trong bếp mỗi nhà thời xưa thường treo sẵn chùm bồ kết để có thể dùng bất cứ khi nào cần. Ngoài công dụng cho gội đầu dưỡng tóc, bồ kết còn giúp trị nghẹt mũi, trừ tà. Nghiên cứu khoa học hiện đại cho thấy tính năng diệt vi khuẩn, vi-rút tuyệt vời của nó, khẳng định thêm kinh nghiệm dân gian xưa…

Tại sao đốt bồ kết có thể trừ tà?

Bồ kết đã được sử dụng từ ngàn xưa và đi vào thơ ca (Ảnh: boket.vn)

Mái tóc đen dài là điều nhiều phụ nữ ao ước. Thời xưa, thường không có nhiều sự lựa chọn cho việc chăm sóc tóc, phụ nữ hay dùng bồ kết, vỏ cam, vỏ bưởi, sả để nấu nước gội đầu. Trong đó bồ kết là hay được dùng nhất, nếu vào mùa hè nắng to thì chỉ cần phơi chậu nước có ngâm bồ kết đến chiều tối là có nước dùng.

Gội đầu với bồ kết giúp các cô gái có một mái tóc dài đen mượt, óng ả và còn tỏa hương thơm xao xuyến lòng người. Thế là bồ kết đi vào ca dao Việt Nam một cách nhẹ nhàng, mộc mạc, thân thương.

Ðắng thì bồ kết bồ hòn,

Ðể ta tắm gội cho trơn mái đầu…”

Đốt bồ kết xông phòng là cách làm được lưu truyền trong dân gian từ nhiều năm nay (Ảnh: kienthuc.net.vn)

Không chỉ dưỡng tóc, gội đầu, bồ kết còn có nhiều công dụng khác, nhất là đốt xông nhà mới, hoặc khi thời tiết nồm ẩm để trừ tà.

Nồm ẩm những ngày tháng 3 – 4 là điều kiện tốt nhất để vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi nẩy nở. Chúng để lại những vết ố mốc trên tường, phát tán vào không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu… từ đó khiến người và vật nuôi dễ bị bệnh, dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp.

Vì vậy dân gian xưa đã có mẹo giúp rất đơn giản mà tiết kiệm là đốt bồ kết để giải quyết vấn đề này. Đây là phương pháp mà dân gian gọi là “trừ tà”.

Theo góc nhìn khoa học hiện đại, thì việc “trừ tà”, hay đuổi tà khí chính là diệt sạch vi trùng trong không gian sống.

Người nông dân xưa cũng thường dùng bồ kết chữa bệnh cho vật nuôi. Khi trâu, bò, gà, lợn chết hàng loạt, bà con đã xông khói bồ kết liên tục nhiều ngày đêm, bằng cách đốt các đống trấu lớn, thỉnh thoảng ném vài quả bồ kết vào, bồ kết cháy âm ỉ, khói tỏa ra, bay vào chuồng nuôi, gia cầm gia súc hít thở khói đó sẽ phòng được bệnh dịch.

Hiện nay phương pháp này không mấy ai dùng. Cây bồ kết cũng vắng bóng tại các vùng quê bởi sự thay thế của các loại hóa chất diệt khuẩn.

Bồ kết trong y học dân gian và hiện đại

Cây bồ kết có gai lớn cũng dùng làm thuốc (Ảnh: ydvn.net)

Bồ kết, hay còn gọi là chùm kết, có tên khoa học là Fructus Gleditschiae, thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae).

Bộ phận dùng làm thuốc:

  • Quả bồ kết gọi là tạo giác.
  • Gai bồ kết gọi là tạo giác thích.
  • Hạt bồ kết gọi là tạo giác tử.

Theo Đông y, quả bồ kết vị cay, mặn, tính ôn, hơi có độc, có tác dụng thông khiếu, khử đờm, tiêu thũng, gây hắt hơi; dùng làm thuốc tiêu đờm, gây nôn và thông đại tiện, sát trùng. Chủ yếu nó được dùng điều trị trúng phong, cấm khẩu, tiêu thực, hạ suyễn, sáng mắt. Liều dùng 0,5-1 g/ngày dưới dạng thuốc bột, hoặc đốt thành than để dùng, hoặc thuốc sắc.

Hạt có vị cay, tính ôn, có tác dụng thông đại tiện, điều trị mụn nhọt. Liều dùng 5-10 g/ngày, dưới dạng thuốc sắc.

Gai có vị cay, tính ôn, có tác dụng tiêu thũng, sát trùng, giảm sưng vú, làm xuống sữa. Liều dùng 5-10 g/ngày dưới dạng thuốc sắc.

Chất saponin trong vỏ quả bồ kết cũng có tác dụng long đờm, trị ho…

Nghiên cứu hiện đại cho thấy: Các hoạt chất trong bồ kết có tác dụng chống vi khuẩn, virus ngay trên cửa ngõ xâm nhập vào đường hô hấp. Phương pháp xông đốt bồ kết âm ỉ giúp saponin và các hợp chất khác thăng hoa, lẫn trong khói, lan tỏa vào đường hô hấp, bám đọng vào niêm mạc và phát huy tác dụng chống mầm bệnh.

Khói bồ kết giúp chống suy giảm hô hấp, thở khó, đây là dấu hiệu bệnh lý trầm trọng nhất của căn bệnh viêm phổi cấp tính do virus. Các nhóm flavonozid có trong bồ kết tham gia bảo vệ thành mao mạch, duy trì sự bền vững của mao mạch, hạn chế xuất huyết…

Một số bài thuốc dân gian với bồ kết

Bồ kết chữa trúng phong, cấm khẩu, hôn mê, bất tỉnh (Ảnh minh hoạ: askcamilla.net)

Trúng phong, cấm khẩu, hôn mê, bất tỉnh: Dùng quả bồ kết (cả hạt) đốt cháy, tán bột (có thể phối hợp với bạc hà), lấy một ít thổi vào lỗ mũi cho hắt hơi và xát một ít vào chân răng sẽ tỉnh.

Co giật, kinh giản, đờm ngược lên nghẹt cổ, miệng sùi đờm rãi, hoặc hen suyễn, đờm kéo lên khò khè khó thở: Dùng bột bồ kết đốt tồn tính và phèn phi lượng bằng nhau, trộn đều, hòa vào nước cho uống mỗi lần 0,5 g, ngày uống 3-6 g cho đến khi nôn đờm ra hoặc hạ đờm xuống được thì thôi.

Mụn nhọt bọc không vỡ mủ: Gai bồ kết 5-10 g nấu nước uống. Có thể phối hợp gai bồ kết với kim ngân hoa, cam thảo, mỗi vị 2-8 g, sắc nước uống.

Lở ngứa do nấm, trẻ em chốc đầu: Ngâm bồ kết vào nước nóng rửa sạch chỗ tổn thương. Sau đó lấy bột bồ kết đã đốt tồn tính tán bột rắc vào.

Sâu răng, nhức răng: Quả tán nhỏ, đắp vào chân răng, nếu chảy nước dãi thì nhổ đi; hoặc dùng bột bồ kết đốt tồn tính xỉa vào chân răng.

Giun kim: Làm như trên vào buổi tối, liên tiếp 3 ngày, mỗi ngày một lần.

Bồ kết giúp thông tiện (Ảnh minh hoạ: Daitrang.net)

Lỵ lâu ngày: Hạt bồ kết sao vàng tán nhỏ, dùng bột nếp nấu thành hồ, viên lại bằng hạt ngô. Dùng 10-20 viên/ngày, uống với nước chè đặc (nên uống vào sáng sớm tránh mất ngủ).

Bí đại tiện, tắc ruột hoặc bụng trướng sau mổ không trung tiện được, hoặc phù ứ nước: Dùng bồ kết đốt tồn tính tán bột, trộn với dầu lạc hoặc dầu vừng tẩm vào bông để vào trong hậu môn, làm vài lần sẽ trung tiện được và thông đại tiện.

Trị ho: Bồ kết 1 g, quế chi 1 g, đại táo 4 g, cam thảo 2 g, sinh khương 2 g, thêm nước khoảng 600 ml, sắc còn 200 ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Dân gian còn có kinh nghiệm dùng gai bồ kết và quả bồ hòn đốt thành than, tán bột mịn, trộn với bồ hóng bếp và nhựa thông làm cao dán nhọt cho rút mủ rất tốt.

Chú ý: Người suy nhược, phụ nữ có thai không nên dùng bồ kết để uống.

Hoàng Kỳ tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.