Bệnh nhi T.H.M (12 tuổi, Hà Giang) nhập viện Đa khoa Hùng Vương trong tình trạng đau bụng âm ỉ, đau ngực từng cơn, toàn thân mọc nhiều mụn mủ đa kích thước chảy dịch lẫn máu…

Trao đổi với VTC, bà nội bệnh nhi cho biết, cháu M. điều trị bệnh thủy đậu 7 ngày tại bệnh viện tuyến huyện, sau đó, gia đình thấy đỡ nên xin về nhà.

Tuy nhiên, sau khi về nhà, cháu sốt li bì, trên 40 độ, ăn uống kém, kèm theo mụn nước nổi nhiều, chảy mủ. Gia đình lại phải đưa cháu đến bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khám và điều trị.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị thủy đậu bội nhiễm, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng. Sau 3 ngày điều trị tích cực, hiện bệnh nhi đã hết sốt, sức khỏe tiến triển tốt.

Mắc thủy đậu bội nhiễm, bé gái 12 tuổi ở Hà Giang toàn thân mọc đầy mụn mủ
Nhiều nốt mụn đa kích thước mọc ở lưng bệnh nhi. (Ảnh: VTC)

Theo bác sĩ, trường hợp của bệnh nhi M. bệnh thủy đậu diễn biến bệnh phức tạp do điều trị không dứt điểm và chưa được tiêm phòng vắc-xin thủy đậu.

Các bác sĩ cảnh báo, khi trẻ có dấu hiệu bệnh. cần đến bệnh viện điều trị ngay và thực hiện theo đúng lời khuyên và phác đồ điều trị của bác sĩ.

Thủy đậu bội nhiễm là hiện tượng những nốt thủy đậu bị mưng thành mủ, để lại sẹo và có thể nhiễm khuẩn do vi khuẩn trên da nhiễm khuẩn vào máu. Biến chứng nhiễm khuẩn gây ra tổn thườn ở cơ quan phủ tạng và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Một số điểm cần lưu ý khi điều trị thủy đậu bội nhiễm:

– Cần kết hợp uống thuốc kháng sinh toàn thân và kết hợp bôi sát khuẩn ở những nơi bị vỡ.

– Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm bằng nước ấm mỗi ngày, tránh động vào những mụn thủy đậu.

– Mặc quần áo rộng, thoải mái để tránh cọ vào mụn dễ gây vỡ.

Lan Phương