Kinh tế ngày càng khá lên, nhưng hàng triệu trẻ em ở Đông Nam Á vẫn bị suy dinh dưỡng do ăn nhiều mì ăn liền và thiếu nhiều dưỡng chất cơ bản.
VnExpress đăng tải, một nửa trong số 700 triệu trẻ nhỏ chịu cảnh đói ẩn – thiếu chất dinh dưỡng do ăn thực phẩm rẻ tiền, gây no mà ít chất.
Hệ quả là một phần ba số trẻ nhỏ, từ 0 đến 5 tuổi, bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân. Trong số suy dinh dưỡng, có 149 triệu em ở thể thấp còi.
Giá thành thấp, dễ làm no bụng, ngon miệng, tiện lợi, các thực phẩm siêu chế biến, trong đó có mỳ ăn liền, trở thành món ăn tiện dụng của hàng triệu người trên thế giới, trong đó có trẻ em.
Theo báo cáo thường niên của The State of the World’s Chilren, bản 2019 do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố, hàng triệu trẻ em trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, do thói quen ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn.
Báo cáo cho hay, nhiều trẻ em nghèo thành thị hoặc sống trong “sa mạc thực phẩm” – tức không có thực phẩm lành mạnh để ăn; hoặc sống trong “đầm lầy đồ ăn” – tình trạng có quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều năng lượng và ít dưỡng chất.
Gần 45% trẻ em trên thế giới từ 6 tháng đến 2 tuổi không được ăn rau quả, gần 60% không được ăn trứng, cá, thịt, các sản phẩm từ sữa. Việc người dân từ các vùng nông thôn đổ vào thành phố để tìm việc làm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Theo PLO, trung bình 40% trẻ em từ năm tuổi trở xuống bị suy dinh dưỡng cao hơn mức trung bình toàn cầu là khoảng 33%. Cụ thể, quy mô của tình trạng thiếu dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi ở Indonesia là 24,4 triệu trẻ, Philippines là 11 triệu trẻ và Malaysia là 2,6 triệu trẻ vào năm 2018.
Theo báo cáo của mới nhất của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), Indonesia là nước tiêu thụ mì ăn liền lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, với 12,5 tỷ khẩu phần trong năm 2018. Con số này nhiều hơn tổng số tiêu thụ của Ấn Độ và Nhật Bản cộng lại.
Trả lời AFP, Hasbullah Thabrany, chuyên gia sức khỏe cộng đồng ở Indonesia cho biết: “Một số phụ huynh tin rằng chỉ cần cho con ăn no là đủ. Họ không thực sự nghĩ phải bổ sung đầy đủ protein, canxi hoặc chất xơ”.
UNICEF cho biết, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em vừa cho thấy sự thiếu thốn trong quá khứ, vừa là yếu tố dự báo về nghèo đói trong tương lai. Thiếu sắt làm giảm khả năng học hỏi của trẻ và làm tăng nguy cơ tử vong của phụ nữ trong hoặc ngay sau khi sinh con.
Tờ Straits times dẫn lời Bà Mueni Mutunga, chuyên gia về dinh dưỡng của UNICEF châu Á rằng, các gia đình ở Đông Nam Á đã chuyển đổi từ bữa ăn truyền thống sang các bữa ăn hợp túi tiền, dễ chuẩn bị và tiện lợi kiểu hiện đại. Đứng đầu là mì ăn liền bởi mì “rất rẻ, tiện, nhanh và dễ thay thế cho các bữa ăn cân bằng dinh dưỡng”.
“Ở Manila (thủ đô của Philippines), một gói mì giá rẻ khoảng 6.000 đồng, chúng rất ít chất dinh dưỡng và vi chất thiết yếu như sắt, protein trong khi đó chúng lại chứa hàm lượng chất béo và muối cao” – bà Mutunga nói thêm.
UNICEF cũng cho hay, những thực phẩm giàu dinh dưỡng như trái cây, rau, trứng, sữa, cá và thịt giàu chất dinh dưỡng đang dần bị thay thế trong bữa ăn của người dân từ nông thôn lên TP kiếm việc làm.
T Jayabalan, một chuyên gia y tế công cộng ở Malaysia cho rằng: “Để đẩy lùi sự phụ thuộc vào mì ăn liền trong cuộc sống hằng ngày và sức khỏe của người dân ở Đông Nam Á có thể cần sự can thiệp của Chính phủ. Các chương trình quảng cáo và khuyến mãi của mì ăn liền cực kỳ lôi cuốn, kênh phân phối đến khắp mọi nơi, ngay cả ở những nơi xa xôi nhất”.
Mặc dù không bị UNICEF cảnh báo về tình trạng lạm dụng mì gói, nhưng trong báo cáo của WINA năm 2018, Việt Nam đã tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì, tăng 2,8% so với năm 2017. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ năm thế giới về lượng tiêu thụ, sau Trung Quốc (40,25 tỷ gói), Indonesia ( 12,540 tỷ gói), Ấn Độ (6,06 tỷ gói) Nhật Bản (5,780 tỷ gói).
Zing thông tin, thương hiệu Acecook Việt Nam vẫn luôn dẫn đầu thị phần, chiếm khoảng 50% ở thành thị và 43% trên cả nước. Trong khi các sản phẩm của Acecook Việt Nam chiếm lĩnh thị trường đô thị, sản phẩm của Masan và Asia Food lại dẫn đầu ở khu vực nông thôn, với tổng thị phần là 60%.