Thoái hoá khớp là bệnh rất phổ biến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người có tuổi. Hiện nay đa số quan niệm rằng glucosamin như dược phẩm ưu tiên hàng đầu, vì nghĩ đây là thuốc bổ và vô hại nên xảy ra tình trạng sử dụng không đúng cách.

Ở dạng dược phẩm, glucosamin được dùng để trị viêm khớp gối mạn, giúp giảm triệu chứng của thoái hóa khớp nhẹ và trung bình. Trong khi các lợi ích của glucosamin vẫn còn đang được bàn cãi thì thuốc lại được nhiều người sử dụng khá bừa bãi, mang đến những kết quả không mong muốn.

Glucosamin dùng trong bệnh thoái hóa khớp

Thuốc dùng cho thoái hóa khớp gồm các thuốc kháng viêm, giảm đau, corticoid tiêm khớp trong giai đoạn cấp. Ngoài ra, người ta còn dùng các thuốc có tính hỗ trợ (không giúp giảm viêm giảm đau), trong đó có glucosamin sulfate, diacerein, chondroitin, sụn cá mập, UC2, MSM…

Glucosamin có trong sụn khớp (Ảnh minh hoạ)

Glucosamin là một chất tự nhiên được tìm thấy trong các sụn khớp khỏe mạnh của cơ thể người, cấu thành chất nền (matrix) của sụn, bên cạnh các chất tự nhiên khác. Khi sụn khớp bị thoái hóa, các thành phần như glucosamine sulfat, collagen typ 2, acid hyaluronic, chondroitin,… cũng trở nên thiếu hụt. Việc bổ sung các thành phần này giúp cho tế bào sụn có đủ nguyên vật liệu để sản xuất sụn mới bù đắp vào phần sụn đã bị thoái hóa và hư hỏng.

Trên thực tế, bệnh lý thoái hóa khớp được chứng minh có sự lão hóa của tế bào sụn cùng với sự gia tăng phá hủy sụn của các men thoái giáng và nhiều yếu tố khác nữa. Bổ sung các chất chỉ giúp ích được phần nhỏ. Vì vậy, glucosamin sulfate và một số sản phẩm bổ sung không được coi như thuốc điều trị bệnh thoái hóa khớp.

Dùng glucosamin không lành như bạn tưởng

Hình ảnh quảng cáo sản phẩm (Ảnh minh hoạ)

Ở Mỹ, glucosamin chưa được công nhận là thuốc, chỉ được công nhận là thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp. Nhưng trên thế giới, hiện nay có khoảng 70 quốc gia công nhận glucosamin là thuốc điều trị thoái hóa khớp.

Trên trang tìm kiếm google, chỉ cần gõ từ khóa glucosamin, trong vòng 0,47 giây đã cho khoảng 10.700.000 kết quả. Phần lớn kết quả này đều từ các trang rao bán thực phẩm chức năng xách tay từ nước ngoài về, không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, bán với giá cao.

Hơn nữa, các trang rao bán sản phẩm glucosamin thường kèm theo lời quảng bá “glucosamin rất an toàn, hoàn toàn không có tác dụng phụ”. Vì vậy phần lớn những người trên 60 tuổi có những dấu hiệu đau khớp, đến các chị U45-50 cũng rủ nhau uống để phòng chống dấu hiệu mau “xuống cấp” ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh.

Những sản phẩm chứa glucosamin được cho là hàng xách tay… được đóng gói trong hộp to, có tới 200 – 365 viên, hàm lượng 1.500mg. Vì dùng thuốc theo truyền miệng nên không ít trường hợp đã phải gặp bác sĩ.

Người già là đối tượng bị thoái hoá khớp nhiều nhất

Ông Đ.N. (65 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) bị đau khớp gối đã 2 năm nay. Ông ngại đi khám bệnh. Vả lại cái khớp có lúc đau nhiều có lúc lại không đau như giả vờ, ông cũng cố tập thể dục, hy vọng hết đau mà không phải dùng thuốc. Gần nửa năm nay, có người bạn mách ông uống glucosamin sẽ hết đau chân và đã tặng ông 1 hộp. Ông uống được 3 tháng nhưng càng ngày càng thấy ăn uống chểnh mảng, đầy bụng, người gầy đi. Ông đi khám bệnh và được bác sĩ khai thác tiền sử và bảo: hiện tượng tiêu hóa trên của ông là do tác dụng phụ của glucosamin.

Bà B.H. (43 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) bị đau khớp chân khớp tay. Con bà đã mua cho bà hộp thuốc glucosamin 1.500mg. Ngày nào bà cũng uống 1 viên và thấy đỡ đau hẳn. Hai tuần nay, bà thấy có chút hồi hộp, đo huyết áp 125/90mmHg và nhịp tim có lúc đến 95 lần/1 phút. Bà đi khám, bác sĩ nghi ngờ bà có nhịp tim nhanh do tác dụng phụ của glucosamin và đề nghị bà tạm dừng thuốc một thời gian.

Glucosamin – không phải ai cũng dùng được và những lưu ý để tránh các tác dụng phụ không mong muốn

Uống theo liều chỉ định của bác sĩ để không gặp phải tác dụng không mong muốn (Ảnh minh hoạ)

Vì nghĩ rằng là thuốc bổ nên mọi người thường truyền miệng “loại thuốc này chống thoái hóa khớp, giảm đau xương khớp” hoặc “thực phẩm chức năng ý mà, cứ uống đi, kiểu gì cũng bổ…”. Các nhà sản xuất cũng chạy theo thị hiếu mà sản xuất viên có hàm lượng cao để ‘câu khách’ nhưng thực tế nhiều công ty không làm đủ hàm lượng in trên bao bì.

Nhưng dù đúng là thuốc bổ thì cũng cần có liều lượng cụ thể phù hợp với thể trạng và mức độ thoái hoá khớp, nên bạn không nên bỏ qua việc tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn.

Một điều nữa cần lưu ý, glucosamin là thuốc điều trị nguyên nhân gây thoái hoá, gây đau khớp, không phải là thuốc giảm đau nên không thể có tác dụng tức thời, cần phải dùng trong thời gian nhất định. Cần phối hợp các loại thuốc chống viêm, giảm đau cùng với glucosamin đến khi hết đau. Nếu thuốc chống viêm giảm đau thuộc loại NSAID như celecoxib, diclofenac… thì phải dùng kèm với thuốc chống loét dạ dày.

Trong sò có nhiều glucosamin (Ảnh minh hoạ)

Người có dị ứng với tôm cua, sò, ốc, hến và hải sản không nên dùng glucosamin. Cần thận trọng khi sử dụng glucosamin cho những người cảm cúm, bệnh nhiễm khuẩn tai – mũi – họng.

Glucosamin là một đường amino nên bệnh nhân đái tháo đường hay người bị hạ đường huyết cần thận trọng khi sử dụng glucosamin và phải theo dõi đường huyết thường xuyên. Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ đang nghiên cứu việc dùng glucosamin cho người béo mập vì nhóm người này có thể rất nhạy cảm với bất cứ tác dụng nào của glucosamin về đề kháng insulin.

Glucosamin có thể tăng nguy cơ chảy máu ở một số bệnh nhân. Những bệnh nhân rối loạn chảy máu, người đang uống thuốc gây loãng máu, người đang uống aspirin hằng ngày, nếu dùng glucosamin nên kiểm tra thời gian đông máu thường xuyên để kiểm soát tình hình.

Những tác dụng phụ thông thường liên quan đến glucosamin: đầy hơi, đi ngoài phân mềm, khó chịu đường tiêu hóa, buồn ngủ, mất ngủ, đau đầu, dị ứng da, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, móng trở nên cứng… Glucosamin cũng có thể gây tăng huyết áp tạm thời và tăng nhịp tim, nhịp mạch.

Glucosamin cũng không dùng cho trẻ dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.