Hội chứng ruột kích thích còn gọi là bệnh viêm đại tràng co thắt, chiếm tỷ lệ 10% dân số. Đây là căn bệnh thuộc hệ thống đường tiêu hóa, nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và gây rắc rối trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Để hiểu rõ về căn bệnh này xin chia sẻ với bạn đọc một số thông tin trong bài viết dưới đây.

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là bệnh thường gặp trong các bệnh lý tiêu hóa. Khi mắc HCRKT, người bệnh bị hành hạ bằng những cơn đau bụng bất thường, phân táo bón hoặc tiêu chảy, hoặc có thể vừa táo bón vừa tiêu chảy.

Nguyên nhân gây nên hội chứng ruột kích thích

Nguyên nhân chính xác gây ra HCRKT vẫn chưa được xác định rõ, nhưng các chuyên gia sức khỏe cho rằng, có sự tương tác sai lệch giữa não và đường tiêu hóa gây ra triệu chứng co cơ bất thường dẫn tới tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, nhiều người mắc hội chứng này do có ruột non nhạy cảm một cách bất thường.

  • Tác dụng phụ từ thuốc kháng sinh: Trong thời gian điều trị bệnh nào đó mà phải sử dụng kháng sinh dài ngày hoặc sử dụng kháng sinh không có kê đơn của bác sĩ đó là nguy cơ dẫn tới bệnh HCRKT.
  • Di truyền: Trong gia đình khi thế hệ trước mắc căn bệnh này thì nguy cơ thế hệ sau có thể cũng mắc bệnh.
  • Thực phẩm: Một số loại thực phẩm như: Sữa, socola, thực phẩm chứa chất bảo quản, hóa chất và rượu, bia có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy. Đồ uống có ga và một số loại trái cây và rau quả có thể dẫn đến đầy hơi và khó chịu ở một số người.
  • Căng thẳng: Hầu hết những người bị HCRKT có thể thấy các dấu hiệu và triệu chứng nặng hơn hoặc thường xuyên hơn trong các sự kiện căng thẳng.
  • Kích thích tố: Theo nhiều nghiên cứu cho biết phụ nữ bị bệnh gấp đôi nam giới. Nhiều phụ nữ thấy các dấu hiệu và triệu chứng tồi tệ hơn trong hoặc xung quanh thời kỳ kinh nguyệt, do thay đổi hormone.
  • Các bệnh viêm dạ dày, viêm ruột, do nhiễm khuẩn như salmonella có thể gây ra hội chứng ruột kích thích.

Triệu chứng thường thấy của hội chứng ruột kích thích

1. Đau bụng: Đây là triệu chứng phổ biến nhất và là yếu tố chính trong việc chẩn đoán hội chứng ruột kích thích. Thông thường, ruột và não làm việc cùng nhau để kiểm soát tiêu hóa. Điều này xảy ra thông qua các hormone, dây thần kinh và các tín hiệu của vi khuẩn sống trong ruột của bạn phát ra. Khi mắc hội chứng ruột kích thích, những dấu hiệu này có thể khiến cho các cơ trong đường tiêu hóa bị căng và đau. Những cơn đau này thường xảy ra ở bụng dưới hoặc toàn bộ vùng bụng, ít có khả năng đau ở vùng bụng trên.

Đau bụng là triệu chứng hay gặp của hội chứng ruột kích thích. (Ảnh: AUTOIMUNCARE)

2. Tiêu chảy: Ở bệnh nhân mắc HCRKT, việc vận chuyển thức ăn qua ruột diễn ra nhanh hơn, nhu động ruột diễn ra bất thường. Điều này dẫn đến bệnh nhân có thể bị tiêu chảy đột ngột.

3. Táo bón và tiêu chảy: Vừa tiêu chảy vừa táo bón chiếm khoảng 20% ​​bệnh nhân bị HCRKT. Các dấu hiệu này liên quan đến chứng đau bụng kinh niên, tái phát thường xuyên. Loại triệu chứng này có khuynh hướng nghiêm trọng hơn những loại khác..

4. Chướng hơi: Trong một nghiên cứu gần đây, 83% bệnh nhân bị đầy hơi và đau bụng. Cả hai triệu chứng này đều phổ biến ở phụ nữ. Nếu bị đầy hơi do hội chứng ruột kích thích, bạn nên tránh sử dụng thực phẩm chứa lactose để giảm bớt cảm giác khó chịu.

5. Rối loạn nhu động ruột: Tình trạng phân di chuyển chậm trong ruột thường khiến phân bị khô cứng lại do ruột đã hấp thụ một phần nước, làm trầm trọng thêm các triệu chứng táo bón. Ngược lại, sự di chuyển nhanh của phân qua ruột sẽ khiến ruột ít hấp thụ nước và dẫn đến tình trạng phân lỏng, gây nên tiêu chảy.

6. Trầm cảm và lo lắng: Trong một nghiên cứu lớn trên 94.000 người, có đến 50% những người mắc bệnh có nguy cơ rối loạn lo âu và trên 70% có nguy cơ rối loạn tâm trạng, như trầm cảm. Các dấu hiệu HCRKT xuất hiện khá rõ ràng. Căn bệnh này là nỗi ám ảnh đối với nhiều người, do đó bạn nên cẩn trọng và đi khám bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu trên.

7. Mệt và mất ngủ: Do quá trình nhu động ruột bị thay đổi, như chướng hơi, tiêu chảy, đau bụng, nên làm cho bệnh nhân cảm giác mệt mỏi, với những bệnh nhân nặng còn xuất hiện tình trạng mất ngủ bởi các dấu hiệu luôn thường xuyên xuất hiện.

Các dấu hiệu HCRKT xuất hiện khá rõ ràng. Căn bệnh này là nỗi ám ảnh đối với nhiều người, do đó bạn nên cẩn trọng và đi khám bác sĩ nếu có các dấu hiệu trên.

Những nguy cơ mắc bệnh hội chứng ruột kích thích

Không nên ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn. (Ảnh: pxhere)
  • Thực phẩm: Bạn nên hạn chế không nên sử dụng nhiều sữa, socola, thực phẩm chiên nướng, chua cay, thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn và tránh được các loại rau chứa thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản được thì rất tốt…
  • Giới tính: Nữ giới thường mắc bệnh nhiều hơn nam giới do thay đổi nội tiết tố
  • Tuổi tác: Thường căn bệnh xuất hiện với tuổi dưới 45 nhiều hơn so với tuổi cao
  • Trầm cảm: Những người luôn trầm cảm và lo lắng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn so với người bình thường
  • Di truyền: Những gia đình có bệnh từ cha mẹ thì con cái sau này có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn

Phương pháp phòng bệnh hội chứng ruột kích thích

  • Sử dụng thực phẩm an toàn, giàu chất xơ và ăn nhiều rau xanh, tránh ăn rau sống, tiết canh, nem, gỏi và tránh các loại thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ
  • Hạn chế dùng chè, cà phê, và các nước uống có ga…
  • Uống nhiều nước hàng ngày để tránh thiếu nước cho hệ thống tiêu hóa
  • Tuân thủ việc sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ, không tự ý sử dụng và thay đổi thuốc
  • Luôn vui vẻ, tránh căng thẳng gây stress cho cơ thể.
  • Khám sức khỏe định kỳ để có chế độ dinh dưỡng phù hợp với cơ thể
  • Không sử dụng rượu bia và các chất kích thích, cay nóng, chua
  • Không hút thuốc lá
  • Vận động hàng ngày cho phù hợp như đi bộ, đạp xe, giúp tăng cường sức khỏe nâng cao sức đề kháng

Điều trị bệnh hội chứng ruột kích thích

  • Trước hết, cần thực hiện lối sống lành mạnh, sử dụng nhiều thực phẩm giàu chất xơ, uống đủ nước…
  • Bác sĩ sẽ có thể kê đơn cho bạn sử dụng thuốc chống tiêu chảy hoặc thuốc bổ xung chất xơ nếu bạn mắc chứng tiêu chảy hoặc táo bón. Thuốc kháng sinh hay thuốc chống co thắt trong các trường hợp bệnh cụ thể.
  • Bạn cũng có thể tham khảo cách điều trị của Y học cổ truyền khá hiệu quả.

Các bệnh lý của đường tiêu hóa thường do chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày gây nên. Nếu được phát hiện sớm thì việc chữa trị sẽ dễ dàng hơn và không để lại các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, việc nhận thức về bệnh tật để từ đó có lối sống và chế độ sinh hoạt hợp lý là điều quan trọng đối với mỗi người.

Thái Sơn