Có người nói sự phiền toái của đốm đen trên da còn khủng khiếp hơn cả lão hóa tuổi già. Ngoài việc ảnh hưởng tới vẻ bề ngoài, chúng thực sự có liên quan tới tình trạng sức khỏe. Vậy Đông y loại bỏ chúng bằng cách nào?
Theo bác sỹ Đông y Thẩm Uẩn của bệnh viện Quốc Huy Tân Trúc, sắc diện của người tốt hay xấu có quan hệ mật thiết với tạng Tâm. Tâm chủ huyết quản, thúc đẩy huyết dịch nuôi dưỡng toàn thân, tâm khí vượng thịnh, khí huyết và tân dịch dồi dào, chức năng tạng phủ bình thường, sắc diện ắt sẽ hồng nhuận mà sáng bóng. Do đó, trị bệnh và thẩm mỹ, dưỡng sinh và dưỡng nhan có quan hệ mật thiết không thể phân khai. Chỉ có điều chỉnh chức năng nội tạng hoạt động bình thường, mới có thể thực sự giúp dung nhan thực sự rạng rỡ. Vậy những nguyên nhân nào gây nên đốm đen trên da?
Nguyên nhân hình thành đốm đen theo Đông y
Theo y học cổ truyền, những người có da mặt sạm, nám đen thường mệt mỏi, uể oải, đầu nặng, buồn ngủ, lưng đau, mạch trầm. Nguyên nhân do thận âm hư rồi dẫn đến thận dương cũng hư. Thận thủy bị tướng hỏa phản khắc, ức chế, dần dần gây đốm đen trên da.
Theo Đông y, “Tà” thâm nhập vào da gây ra mất cân bằng khí huyết, can uất khí trệ, khí trệ huyết ứ gây nên các đốm đen. Nguyên nhân gây bệnh cụ thể bao gồm:
1.Tỳ vị hư nhược: Do chế độ ăn uống không hợp lý, ví dụ ăn quá nhiều thực phẩm sống lạnh, gây hư nhược cho Tỳ vị, sinh ra thiếu khí huyết, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho da mặt từ đó dễ dẫn tới đốm đen.
2.Can khí uất kết: Áp lực trong thời gian dài, cảm xúc không ổn định, dễ cáu giận… đều dẫn tới can khí uất kết, khí huyết đờm ứ tắc dưới da đều hình thành đốm đen.
3.Thận hư: Thường do tuổi cao, bệnh lâu ngày dẫn tới thân thể suy nhược, hoặc chuyện phòng the quá độ đều là nguyên nhân. Thận hư làm kinh huyết không đủ, không cung cấp đủ dinh dưỡng lên mặt, cũng dễ dẫn tới đốm da. Loại nguyên nhân này thường hình thành ở hốc mắt hoặc ở cằm, màu sắc cũng dần tối màu hơn, đồng thời làm da mặt xám xịt.
Nguyên nhân hình thành đốm đen theo Tây y
Theo Tây y, nguyên nhân hình thành bao gồm:
1. Di truyền: Nhân tố này chiếm khoảng từ 30 đến 50%
2. Tia cực tím: Chỉ cần chống nắng tốt có thể tránh những tác hại của tia cực tím
3. Ảnh hưởng của nội tiết tố estrogen: Kinh nguyệt không đều, mang thai, sử dụng nhiều thuốc tránh thai… sẽ ảnh hưởng đến nội tiết tố estrogen dẫn đến những đốm đen.
4. Do sinh hoạt và làm việc: Thường xuyên chịu áp lực, thức đêm, mất ngủ… ảnh hưởng tới nội tiết, làm chậm sự bài tiết, hắc sắc tố không bài tiết hết ra ngoài gây đốm đen.
5. Sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng: Sử dụng mỹ phẩm chứa thủy ngân có thể gây ra những đốm đen dài trên da. Trang điểm sai cách, tẩy da chết quá nhiều… đều gây tổn hại tới da từ đó dễ hình thành các đốm đen.
6. Mắc các loại bệnh mãn tính như bệnh về gan, tuyến thượng thận, khối u, lao… hoặc suy dinh dưỡng đều ảnh hưởng tới tốc độ bài tiết từ đó thúc đẩy sự kích hoạt tyrosinase. Đây là một enzyme quan trọng hình thành hắc sắc tố và nếu được kích hoạt, sẽ làm cơ thể tạo ra nhiều hơn.
7. Chế độ ăn uống và thuốc men: Sử dụng các loại thực phẩm và thuốc nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và không làm tốt công tác bảo vệ đều có thể xuất hiện các đốm đen.
8. Môi trường ô nhiễm, bức xạ, khói bụi và nhiệt độ cao có thể đẩy nhanh hoạt động của tyrosinase hoặc làm chậm sự trao đổi chất, dẫn đến các đốm đen.
9. Lão hóa: Chu kỳ tăng trưởng của da khoảng từ 21 đến 28 ngày, nếu chu kỳ này chậm, da bị lão hóa, hắc sắc tố sẽ không kịp thời được thải ra, gây nên sạm da từ đó cũng dễ xuất hiện đốm đen.
Các loại đốm đen thường gặp
Tàn nhang: Là những đốm lấm tấm màu đen hoặc nâu nhạt kích thước như hạt vừng, thường xuất hiện ở mũi và hai gò má. Những người có làn da trắng, da mỏng, mịn, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời (tính chất công việc, ra ngoài trời không phòng vệ…) đều dễ xuất hiện tàn nhang.
Đốm đồi mồi: Đốm đồi mồi, đốm gan hay sạm nắng là những vệt phẳng màu nâu, xám hoặc đen trên da. Chúng xuất hiện trên vùng da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng như mặt, tay, vai, cánh tay, và ít khi liên quan đến ung thư. Những người trên 50 tuổi và người trẻ tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời đều dễ xuất hiện đốm đồi mồi.
Dày sừng tiết bã: Là sự tăng sinh da không phải do ung thư, đây là một trong những bệnh phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Chúng thường xuất hiện dưới dạng vết tăng sinh da có màu nâu, đen hay màu sáng trên mặt, ngực, vai hoặc lưng, có dạng hình sáp, sẹo, hơi tăng sinh.
Trà và món ăn giúp làm mờ đốm da
1. Trà hoa dưỡng nhan
Nguyên liệu: Trân châu mẫu 20g, hoa hồng 5 bông, hoa cúc trắng 10 bông, bạch phục linh 20g, ti qua lạc 10g, táo đỏ 10 quả.
Cách làm: Cho các nguyên liệu vào sắc nước uống hằng ngày và bôi lên mặt. Bã thuốc có thể đắp lên mặt khoảng 10 phút.
Công dụng: Kiện Tỳ thông can khí, hóa ứ loại bỏ đốm đen, sử dụng hằng ngày còn hỗ trợ giúp trắng da và giảm cân.
2.Cháo Lượng bạch tứ thần
Nguyên liệu: Đậu đỏ 10g, táo t 10 quả, hạt sen 15g, gạo tẻ 100g, củ mài 50g, Sinh Khiếm thực 15g, Bạch Phục linh 15g, Ý Dĩ nhân 15g, đậu ván trắng 10g.
Cách làm: Cho các vị thuốc bắc vào đun 40 phút sau đó cho gạo tẻ vào đun nhỏ lửa thành cháo.
Công dụng: Kiện Tỳ, lợi ẩm, loai bỏ mỡ thừa và tiêu trừ đốm đen. Trong bữa ăn hằng ngày sử dụng cũng có thể dưỡng nhan, trắng da, giảm cân hiệu quả.
3.Bấm và massage huyệt vị
Ngoài dùng châm cứu và thuốc sắc để trị đốm đen, y học cổ truyền còn kết hợp sử dụng phương pháp bấm huyệt ở tai. Tai và chân là hai bộ phận chứa trung khu phản xạ của cơ thể như nhau. Khi bấm vào những vùng đặc biệt này, đều có thể hỗ trợ giúp việc trị liệu các loại bệnh tật một cách hiệu quả.
Huyệt vị chủ yếu được lựa chọn để loại bỏ đốm đen bao gồm ở bốn khu vực ở gò má, tử cung, bài tiết và dưới da. Các bác sỹ Đông y sẽ dùng phương pháp nhĩ châm (tức dùng một loại miếng dán có hạt dán là hạt gạo, hạt gỗ, hạt áp lực, hạt của vương bất lưu hành) dán vào huyệt vị ở tai bệnh nhân sau đó để họ về nhà thường xuyên massage vào đó mà tăng cường hiệu quả trị liệu. Ngoài ra thường xuyên ấn vào bốn huyệt vị dưới đây đều hỗ trợ dưỡng nhan hiệu quả:
Huyệt Tứ Bạch
Từ mắt thẳng xuống, trong chỗ lõm dưới khung xương má. Từ giữa mắt xuống phía dưới một tấc. Ấn và day nhẹ, giúp da mặt sáng bóng.
Huyệt Quyền Liêu
Huyệt này nằm chính giữa và sát phía dưới góc lồi lên của xương gò má. Kéo thẳng từ đuôi mắt xuống phía dưới, cách đường thẳng chạy ngang qua chóp mũi. Ấn và day tròn, giúp sắc mặt hồng hào.
Huyệt Ế Phong
Huyệt nằm sau dái tai, sát bờ trước ức đòn chũm, chỗ lõm sau dái tai. Ấn và day, giúp da mặt phẳng và có độ ẩm
Huyệt Địa Thương
Nằm ở điểm gặp nhau giữa rãnh mũi, mép và đường ngang qua hai mép (từ khóe mép ngang ra 0,4 tấc). Ấn và day tròn, giúp xóa nếp nhăn xung quanh miệng
Ngoài ra việc bấm vào Kinh Bàng quang từ trên xuống dưới cũng hỗ trợ giúp làm mờ đốm đen hiệu quả, khi bấm qua các huyệt vị Can Du, Tỳ Du, Vị Du, Thận Du ngừng lại bấm nhiều hơn một chút.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiên Định