Trương Trọng Cảnh là danh y thời Đông Hán. Ông một đời vì dân chữa bệnh, luôn thương yêu mọi người. Ông không những có y thuật cao minh mà còn có y đức cao thượng, với người cùng nghề chữa bệnh ông luôn giữ thái độ khiêm tốn, không bao giờ bỏ lỡ thời cơ học tập kinh nghiệm chữa bệnh từ những thầy thuốc khác.

Thời đó đa số các thầy thuốc chỉ truyền y thuật cho con cháu mình, họ không muốn mang “bí kíp” truyền ra ngoài.

Ở Nam Dương có vị danh y tên Thẩm Hòe, dù hơn 70 tuổi nhưng vẫn không có con cái, vì thế ngày ngày phiền muộn lo không có người nối dõi y nghiệp. Do quá phiền não, ăn không ngon ngủ không yên nên thành sinh bệnh.

Nhiều thầy thuốc bản xứ thăm bệnh cho Thẩm Hòe nhưng đều thất bại, bệnh tình của Thẩm Hòe ngày càng nặng hơn. Trương Trọng Cảnh vừa biết liền chạy đến nhà Thẩm Hòe. Sau khi xem bệnh của Thẩm Hòe, Trương Trọng Cảnh hiểu ngay bệnh là do sầu não mà ra. Trương Trọng Cảnh liền kê một đơn thuốc, dùng ngũ cốc các loại vê thành hình trứng, bên ngoài quét màu chu sa, rồi dặn người bệnh dùng trong mỗi bữa ăn.

Thẩm Hòe xem đơn thuốc mà trong lòng không thể không buồn cười, ông lệnh cho gia nhân mang những viên thuốc to làm bằng các loại ngũ cốc treo ở dưới mái hiên, mỗi khi có người đến liền chỉ vào viên thuốc, mục đích để chế giễu Trương Trọng Cảnh.

Khi có người bà con tới thăm, ông cười nhạo nói: “Xem này! Đây là phương thuốc Trương Trọng Cảnh kê cho tôi, có ai thấy các loại ngũ cốc chữa được bệnh không? Đúng là trò hề! Trò hề!” Khi có bạn đến thăm, Thẩm Hòe lại vừa cười vừa nói: “Xem này! Đây là phương thuốc Trương Trọng Cảnh kê cho tôi, ai có thể mỗi bữa ăn thứ này khỏi bệnh không? Thật hài hước! Quá hài hước!” Khi có người cùng nghề thuốc đến thăm, ông lại vừa cười vừa nói: “Xem này! Đây là phương thuốc Trương Trọng Cảnh kê cho tôi. Tôi chữa bệnh mấy chục năm qua chưa bao giờ nghe nói ở đâu có loại thuốc kỳ lạ thế này. Hihi! Hihi!”

Cứ thế mỗi lần Thẩm Hòe nghĩ đến chuyện này là lòng không thể không buồn cười, dần dần bao nhiêu sầu não tự nhiên biết mất, bệnh cũng vô tình mà khỏi.

Lúc này Trương Trọng Cảnh mới đến thăm, vui vẻ nói: “Chúc mừng tiên sinh đã khỏi bệnh! Học trò đã to gan bày trò cười!” Thẩm Hòe vừa nghe lập tức tỉnh ngộ, lòng vừa khâm phục vừa xấu hổ.

Trương Trọng Cảnh lại thưa: “Thưa tiên sinh, chúng ta làm nghề thuốc để chữa bệnh tạo phúc cho mọi người, tiên sinh chữa bệnh nhiều năm nhưng bản thân lại không có con cái, những người trẻ như chúng cháu đây chẳng phải chính là con cháu của thầy sao? Có gì phải lo lắng chuyện không có người nối dõi?”

Lời nói có lý mà chân thành của Trương Trọng Cảnh khiến Thẩm Hòe lòng đầy cảm kích. Từ đó Thẩm Hòe không ngần ngại mang toàn bộ y thuật của mình truyền cho Trương Trọng Cảnh cùng nhiều người trẻ khác để kế tục.

ZhangDong-1

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm: