Ngày 21/6, bệnh nhi Đ.Q.M (3 tuổi, Phú Thọ) đến bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khám trong tình trạng đi ngoài ra máu kéo dài suốt 20 ngày. Sau khi nội soi, các bác sĩ phát hiện một polyp có kích thước 1 cm bị xước bề mặt, đang chảy máu trên niêm mạc trực tràng của bệnh nhi.
Theo Gia Đình Mới, lúc đầu bé M. đi ngoài ra máu tươi, bố mẹ nghi ngờ bị giun kim làm ổ trong ruột. Vài ngày sau, bé đi ngoài có máu nhưng số lượng ít nên gia đình chủ quan không đưa đi khám.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền cho biết, thời gian gần đây, rất nhiều bệnh nhi đến khám do gặp vấn đề về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tiêu chảy cấp… Trường hợp của bệnh nhi M., mới 3 tuổi đã xuất hiện polyp tại niêm mạc trực tràng.
Polyp đại trực tràng ở trẻ em nếu không điều trị kịp thời sẽ phát triển và diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp polyp to có thể tự đứt gây chảy máu cấp tính nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân có polyp đại trực tràng thường không rõ ràng, nên mọi người thường chủ quan.
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo cơ thể có polyp đại tràng:
– Đi ngoài phân có máu: Đây là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh.
– Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 7 ngày: Đối với những polyp nằm ở đoạn trực tràng thấp gần hậu môn, khi polyp to hoặc polyp bị loét có thể gây ra những triệu chứng ruột bị kích thích như đi ngoài nhiều lần, đau quặn, mót rặn nên có thể chẩn đoán nhầm với hội chứng lỵ.
– Đau bụng: Dấu hiệu thường gặp trong polyp đại trực tràng. Trong tường hợp polyp đại tràng to có thể gây ra tắc ruột.
Khi trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể.
Để phòng ngừa polyp đại trực tràng, mọi người cần lưu ý:
– Tăng cường ăn rau, hoa quả, lúa mạch, bổ sung thức ăn giàu vitamin D và canxi.
– Hạn chế thuốc lá, rượu bia.
– Duy trì chế độ tập luyện thể dục thường xuyên.
– Giảm chất béo, thịt đỏ và các thức ăn chế biến sẵn…
Lan Phương