Trước ý kiến đề xuất loại bỏ sưa trắng trên đường phố Hà Nội vì lo ngại có độc, một số nhà khoa học đã lên tiếng phản bác cho rằng nhiều loại cây còn độc hơn, việc này hoàn toàn không thiết thực.
Đề xuất chặt bỏ sưa trắng vì có độc
Đề xuất chặt hạ, kiểm soát cây sưa trắng không nên trồng ở trường học hoặc công viên được một số nhà khoa học, chuyên gia lâm nghiệp đưa ra tại hội thảo thân thiện với môi trường Thủ đô tổ chức ngày 9/5 mới đây. Được biết, GS. Vũ Văn Dũng – Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp là một trong số người đề xuất chặt sưa trắng vì lo ngại cây có độc.
Theo ông Dũng, bên cạnh sưa đỏ có giá trị, trên đường phố và công viên Hà Nội còn xuất hiện sưa trắng trồng làm cây bóng mát. Sưa trắng còn được gọi là cây thàn mát, có tên khoa học Millettia ichtyochtona Drake, thường mọc ven suối vùng Đông và Tây Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo hạt và vỏ cây có chứa chất độc. Trước đây ở vùng cao, người dân sử dụng hạt cây giã nhỏ, rải trên sông suối làm cá say thuốc rồi bắt. Nhựa cây nếu không may dính vào mắt có thể gây mù.
“Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS. TS Đỗ Tất Lợi, trong hạt của thàn mát có chứa 38-40% dầu. Ngoài ra hạt còn chứa các chất độc với cá như rotenon, sapotoxin… Cá rất nhạy cảm với rotenon nên chỉ dung dịch 75 mg trong 100 lít nước ở nhiệt độ 23 độ C đủ giết cá vàng trong 2 giờ.
Đối với người, rotenon uống vào không gây triệu chứng ngộ độc, nhưng với người tán bột thuốc có thể gây chảy máu, hắt hơi và buồn nôn. Năm 1960, Học viện Nông Lâm đã thí nghiệm giã nhỏ hạt thàn mát rồi ngâm với nước lã trong thời gian 4-12 tiếng, sau đó pha loãng với nồng độ khác nhau, phun lên cây. Kết quả, hạt cây có thể dùng làm thuốc trừ sâu hại ngô, sâu keo”, một số tờ báo dẫn lời ông Dũng cho biết.
Không chỉ sưa trắng, các chuyên gia còn kiến nghị loại bỏ một số cây độc khác đang được trồng ở Hà Nội như trúc đào, thông thiên, huỳnh anh.
Nhiều ý kiến trái chiều, nhiều chuyên gia không đồng tình
Ngay khi đề xuất chặt hạ sưa trắng trên đường phố Hà Nội xuất hiện đã thu hút sự chú ý của dư luận và nhiều nhà khoa học với các ý kiến trái chiều. TS. Dược học Phan Quốc Kinh – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Hóa dược, trường ĐH Dược – người được mệnh danh là “vua dược” Việt Nam với hàng loạt nghiên cứu, chiết xuất các loại thuốc bào chế từ cây cỏ, bày tỏ quan điểm không ủng hộ.
TS Phan Quốc Kinh cho biết, ở Việt Nam và trên thế giới có rất ít tài liệu nói đến độc dược của cây sưa trắng. Duy chỉ có một tài liệu của PGS. TS. Nông Văn Hải nói rằng cây sưa trắng có độc tính.
Tuy nhiên, theo TS. Phan Quốc Kinh, dựa trên tài liệu này thì độc tố của sưa trắng chưa đến mức phải loại bỏ và so với 1 số loại cây được trồng trên đường phố có thể còn không độc bằng.
“Tôi thấy, nếu phải chặt hạ 1 loại cây có độc thì cây đáng chặt bỏ nhất là trúc đào chứ không phải sưa trắng. Cây trúc đào có độc tố đối với tim mạch, chỉ cần nhai 2, 3 lá là tim ngừng đập. Trong khi đó, nó được trồng rất nhiều trên đường phố”, TS Phan Quốc Kinh nhấn mạnh.
Cùng trao đổi với PV, TS. Nguyễn Tiến Hiệp – Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam cho biết, ông cũng nắm được thông tin về đề xuất chặt sưa trắng trên đường phố Hà Nội vì có độc.
Theo TS. Hiệp, sưa trắng còn được gọi là thàn mát có hoa rất đẹp, mọc nhiều trên rừng. “Theo dân gian, đúng là cây có chất độc nhưng biết đâu ở Hà Nội nó không có chất độc”, ông Hiệp nói.
Về đề xuất chặt sưa vì lo ngại có độc, TS. Hiệp cho rằng chưa thỏa đáng. “Sưa trắng được người Pháp trồng rất nhiều ở Hà Nội. Nhiều năm nay sưa trắng vẫn mọc và đâu có ảnh hưởng. Nếu quản lý tốt thì sao phải chặt để tốn kém, phát sinh chi phí? Tôi ví dụ, cây trúc đào cũng được trồng rất nhiều ở các dải phân cách nhưng đã làm sao, có thể ở đó chỉ loài cây ấy mới sinh trưởng được, giúp cân bằng hệ sinh thái”, ông Hiệp nói thêm.
Cũng nhận định về đề xuất này, một số chuyên gia về cây xanh khác bày tỏ rằng, đề xuất chặt sưa trắng trên đường phố Hà Nội là không thiết thực. “Tại sao lại phải loại bỏ trong khi nhiều năm trước cây vẫn sống vẫn phát triển bình thường? Nếu nói cây có độc thì trên đường phố hiện nay hầu hết loại cây nào cũng có độc… nếu chặt hạ thì chặt cả à?”, một chuyên gia về cây xanh bày tỏ khi nói về đề xuất “lạ lùng” này.
Theo Nguoiduatin
Hoàng Kỳ
Xem thêm:
- Nghệ An: thêm 37 học sinh ngộ độc do ăn quả ngô đồng
- Hàng loạt sai phạm trong dự án chặt cây xanh Hà Nội được công bố
- Chặt bỏ hơn 3.000 cây hoa sữa vì mùi hương nồng nặc
- Bị thế giới lên án, Trung Quốc vẫn coi mổ cướp nội tạng là tin vịt
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.