Cây dâu gắn liền với nghề nuôi tằm của người Việt Nam ta từ thời xa xưa. Ngoài sử dụng lá để nuôi tằm, cây dâu còn có nhiều công dụng khác. Quả dâu chín, không chỉ là một loại thức ăn thơm ngon, mà còn là một loại thuốc bổ tuyệt diệu. Ngoài quả ra, tất cả các bộ phận khác của cây dâu, như lá dâu, cành dâu, vỏ rễ cây dâu… đều có thể sử dụng làm thuốc. Cây dâu lại rất dễ trồng, chỉ cần cắt đoạn cành bánh tẻ, cắm xuống đất, tưới giữ ẩm khoảng 1 tuần, sau vài tháng là đã có sẵn một tủ thuốc xanh ngay trong vườn nhà.

Những trái dâu chín đen, lẫn với những quả mới chín còn đỏ tươi, được bán với giá rất bình dân, trong các chợ hoặc trên đường phố, cũng như các bộ phận khác của cây dâu tằm, đều là những “vị thuốc – mỹ phẩm” sẵn có, rẻ tiền, có thể nói là “trời cho”, vô cùng quý giá, mà chúng ta cần tận dụng và biết cách sử dụng một cách hợp lý.

Theo Đông y: Tang thầm có vị ngọt, tính hàn, vô độc; vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng tư âm dưỡng huyết, tức phong (trừ gió độc), an thần ích trí, sinh tân chỉ khát, nhuận tràng thông tiện, minh nhĩ mục (thính tai sáng mắt) và ô tu phát (làm đen râu tóc). Có thể sử dụng để chữa trị rất nhiều chứng bệnh, như hoa mắt chóng mặt do âm huyết hư suy, người mệt mỏi, ngực bồn chồn, tim đập dồn loạn nhịp, mất ngủ, hay quên, bí đại tiện, da khô nhiều nếp nhăn, râu tóc sớm bạc, …

Lá dâu (tang diệp – Folium Mori); vỏ rễ cây dâu (tang bạch bì – Cortex Mori radicis); cây mọc ký sinh trên cây dâu (tang ký sinh – Ramulus Loranthi); tổ con bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu tiêu – Ootheca Mantidis); sâu dâu (con sâu nằm trong thân cây dâu, vốn là ấu trùng của một loại xén tóc), … đều có thể sử dụng làm thuốc, cũng như mỹ phẩm.

Trên thực tế, ứng dụng của cây dâu tằm trong dược phẩm và mỹ phẩm hết sức phong phú và đa dạng. Trong phạm vi bài viết này, “Thuốc vườn nhà” xin phép chỉ giới thiệu một số cách sử dụng tương đối đơn giản, từng được ghi chép trong y thư cổ kim.

1. Cháo trái dâu

Thành phần: Quả dâu tươi 30g, gạo nếp 50-60g, đường phèn nhiều ít tùy theo khẩu vị.

Cách chế biến và sử dụng: Gạo nếp và quả dâu vo rửa sạch, thêm nước vào nấu thành cháo, khi cháo chín thêm chút đường phèn cho đủ ngọt; dùng làm món điểm tâm buổi sáng.

Tác dụng: Rất có ích đối với những người có thể tạng “Âm hư Hỏa vượng” – hay bị bốc hỏa, bồn chồn, khó ngủ, da khô xạm đen, thị lực giảm và tóc sớm bạc (Tứ quý thực liệu).

2. Trái dâu chế với mật ong

Tang mật hoàn: Quả dâu chín phơi hoặc sấy khô, nghiền thành bột mịn, trộn với mật ong hoàn thành viên to cỡ hạt ngô; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 15-20g (Tuân sinh bát tiên).

Tang mật cao: Quả dâu chín 1000g, mật ong 300g; quả dâu sắc với nước 2 lần (sau mỗi lần chắt lấy nước cốt), hợp hai nước lại, cô nhỏ lửa cho tới khi đặc quánh, thêm mật ong vào đun sôi lại là được; chờ nguội cho vào lọ nút kín dùng dần; mỗi ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 20g, hòa vào nước ấm uống (Trung Quốc dược thiện đại quan).

Tác dụng: Quả dâu và mật ong đều là những thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng và hoạt chất sinh học quý, ngoài tác dụng bồi bổ sức khỏe, cổ nhân còn phát hiện tác dụng làm đẹp. Hai loại thuốc trên đều là những phương thuốc mỹ dung (đẹp dung nhan) kinh điển, đã được lưu truyền từ rất lâu đời.

3. Rượu dâu

Thành phần: Trái dâu chín và rượu trắng trên 40 độ, lượng thích hợp.

Cách chế biến và sử dụng: Ngâm quả dâu tươi với rượu trắng theo tỷ lệ khoảng 1/3 (1kg dâu ngâm trong 3 lít rượu), sau nửa tháng có thể sử dụng; có thể dùng khai vị trước bữa ăn hoặc uống vào buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần 1 chén con.

Tác dụng: Rượu này không những có tác dụng bổ “Âm Huyết”, giúp ngủ ngon, đẹp dung nhan, mà còn chữa được hai chân bị phù (Trung Quốc dược thiện đại quan).

4. Khảm Ly hoàn

Đây là một phương thuốc mỹ dung rất cổ, được ghi chép trong “Niên Hy Nghiêu tập nghiệm lương phương”. Phương thuốc mang tên 2 quẻ “Khảm” và “Ly” trong Kinh Dịch, nghe có vẻ thần bí, nhưng thực ra cực kỳ đơn giản.

Thành phần: Trái dâu chín 5kg, đỗ đen 2kg, hồng táo (táo tầu) 2kg.

Cách chế biến và sử dụng: Đỗ đen rửa sạch, cho vào nồi, nấu kỹ với nước ép quả dâu cho chín, vớt ra phơi khô – nấu và phơi như vậy 5 lần (ngũ chưng ngũ sái) rồi nghiền thành bột mịn; hồng táo hấp chín, bỏ hạt, giã nhuyễn, trộn với bột đậu đen hoàn thành viên, to bằng đốt ngón tay; mỗi ăn ngày vài lần, nhâm nhi thuốc này như ăn kẹo.

Tác dụng: Đậu đen bổ Thận ích Tinh – tạng Thận ứng với quẻ “Khảm”; hồng táo bổ khí huyết, kết hợp với trái dâu có tác dụng bồi bổ Tâm Huyết càng mạnh – tạng Tâm ứng với quẻ “Ly”, nên thuốc có tên là “Khảm Ly hoàn”. Dùng lâu ngày da dẻ mịn màng, tóc khô vàng trở nên bóng mượt.

5. Phù tang hoàn

Thành phần: Lá dâu non 500g, hắc chi ma (vừng đen) 145g, mật ong loại tốt 500g.

Cách chế biến và sử dụng: Lá dâu phơi hoặc sấy khô tán thành bột mịn, vừng đem hấp chín rồi giã nhuyễn; hai thứ trộn đều với mật ong, làm thành viên to cỡ hạt đậu xanh; ngày uống 2 lần (sáng sớm và buổi tối), mỗi lần 20g, sáng chiêu thuốc bằng nước muối loãng, tối chiêu thuốc bằng rượu.

Tác dụng: Bổ Can ích Thận, dưỡng nhan, chống nếp nhăn, kéo dài tuổi thọ. Bài thuốc này được ghi lại trong nhiều y thư cổ của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, chứng tỏ hiệu quả đã được chứng thực trên thực tế.

6. Mỹ phẩm mịn da, trừ vết thâm

Thành phần: Cành dâu 5000g, ích mẫu thảo 1500g.

Cách chế biến và sử dụng: Hai vị thuốc rửa sạch, thái nhỏ, nấu với 10 lít nước; sau khi nước sôi, đun nhỏ lửa cho đến khi còn khoảng 1 lít, bỏ bã, lấy nước cốt cô đặc thành cao mềm; hàng ngày, trước khi đi ngủ uống 1 thìa, hòa cao vào một chén rượu ấm.

Tác dụng: Có tác dụng làm cho da mịn màng, lại có thể chữa khỏi chứng “tử điến phong” tức “ban xuất huyết” (purpura), tạo nên những vết tím đen trên da (Thái bình thánh huệ phương).

7. Nước gội đầu tốt tóc

Thành phần: Lá dâu tằm 2 nắm (khoảng 40-50g), lá vừng 1 nắm (khoảng 20-25g); đun lấy nước gội đầu.

Tác dụng: Tán phong, thanh nhiệt, giúp cho tóc mọc tốt và tránh được gầu.

Y thư cổ viết về tác dụng của loại nước gội đầu này như sau: “Đun nước gội đầu 7 lần, tóc có thể mọc thêm vài tấc”. Cổ thư thường diễn đạt theo kiểu quá phóng đại như vậy. Tuy nhiên, chúng ta nên mạnh dạn dùng thử, vì loại thuốc – mỹ phẩm này dễ kiếm, không mất tiền mua, lại an toàn không có tác dụng phụ có hại (Mỹ dung tiên phổ tinh tuyển).

8. Nước tắm mịn da

Thành phần: Lá dâu 45g, cành dâu tằm 36g, cỏ dùi trống (cốc tinh thảo) 36g, nhân trần 36g, hạt muồng 36g, hoa cúc trắng 36g, thanh bì (có thể thay bằng vỏ quả chanh) 45g.

Cách chế biến và sử dụng: Dùng các vị thuốc trên nấu lấy nước để tắm gội.

Tác dụng: Ngoài tác dụng giải trừ mệt mỏi, thứ nước tắm này còn có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh ngoài da và làm da hồng mịn. Đây là một thứ nước tắm thời xưa Từ Hy Thái Hậu thường dùng (Thanh cung mỹ dung phương).

Theo thuocvuonnha.com

Xem thêm: