Sau 11 năm không xuất hiện, bạch hầu đang bùng phát trở lại ở tỉnh Kon Tum và đã có 2 trường hợp tử vong. Để phòng những biến chứng gây nguy hiểm tới tính mạng, cần có kiến thức về nó và lưu ý chăm sóc khi không may bị lây nhiễm.

Hai tuần qua, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận 5 bệnh nhân có biểu hiện đau họng, ho khan, sốt nhẹ, họng có giả mạc… Kết quả xét nghiệm của Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xác định, có 2 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu, gồm 1 bệnh nhân nữ (26 tuổi) và 1 bệnh nhân nam (14 tuổi)

Đây là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Để phòng những biến chứng gây nguy hiểm tới tính mạng, cần có kiến thức đầy đủ và lưu ý chăm sóc khi không may bị lây nhiễm. Bạch hầu là gì và có những nguyên nhân gây bệnh nào, sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu (tiếng Anh: diphtheria) là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu, tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae. Bạch hầu trong tiếng Anh diphtheria có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là diphtherà có nghĩa là “miếng da động vật” do bệnh thường đặc trưng bằng một lớp màng giả (pseudomembrane) trong họng hầu hay trong mũi, trên da.

Nguyên nhân gây bệnh

  1. Khi người bình thường tiếp xúc với người bị bạch hầu, có thể hít phải vi khuẩn gây bệnh. Chủ yếu lây nhiễm nhiều qua đường hô hấp đặc biệt là ở những đám đông
  2. Vi khuẩn bạch hầu thường xuất hiện nhiều nhất ở mũi và họng. Khi bị nhiễm khuẩn, chúng sẽ xâm nhập vào máu, gây nên các mảng dày ở mũi, họng, lưỡi
  3. Do tiếp xúc gián tiếp với vật dụng cá nhân người bệnh đã dùng như khăn mặt, ly nước
  4. Trong một số trường hợp, bệnh xuất hiện khi chưa được tiêm vắc xin
Bạch hầu là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, biểu hiện chính là viêm họng, thanh quản và có thể có biến chứng nặng do ngoại độc tố. (Ảnh: news-today.space)

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh

Khi mắc bạch hầu, bệnh nhân thường sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng giống như viêm amidan, dẫn tới khó thở, đau họng dẫn tới chán ăn. Ho, giọng nói khàn, sổ mũi, hơi thở hôi. Da trở nên sạm đen, hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực. Sau khi xuất hiện triệu chứng khoảng 2-5 ngày, ở trong họng, thanh quản, mũi xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Màng này dai, dính và khi bóc màng giả sẽ gây chảy máu, có thể có màu xám hoặc đen. Tuỳ từng vị trí vi khuẩn phát sinh mà có những biểu hiện lâm sàng khác nhau:

Bạch hầu mũi: Như là một trường hợp viêm đường hô hấp, đặc biệt có chảy mũi nước và triệu chứng toàn thân nghèo nàn, dần dần chất dịch mũi trở nên nhầy quánh và đôi khi có máu và làm tổn thương bờ môi trên, hơi thở hôi. Thăm khám sẽ thấy một màng trắng trong hốc mũi. Bệnh thường gặp ở trẻ còn đang bú mẹ.

Sau khi xuất hiện triệu chứng khoảng 2-5 ngày, ở trong họng, thanh quản, mũi xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Màng giả bạch hầu này dai, dính và khi bóc màng giả sẽ gây chảy máu. (Ảnh: healthcautions.com)

Bạch hầu họng – Amiđan: Thường gặp hơn cả, chiếm khoảng 1/2 đến 2/3 trường hợp. Người bệnh chán ăn, bất an, sốt nhẹ, viêm họng. Trong vòng 1- 2 ngày màng giả xuất hiện. Hạch bạch huyết vùng cổ bị phù nề, vùng mô mềm tạo thành triệu chứng được gọi là dấu cổ bò “Bull neck”. Đôi khi gây xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hoá và tiểu ra máu. Nếu tình trạng này kéo dài trong vài ngày sẽ nhanh chóng chuyển sang nhiễm độc nặng và gây tử vong.

Bạch hầu thanh quản: Bệnh nhân thở dữ dội, tiếng rít thanh quản, khàn giọng. Phản xạ co kéo trên xương ức, thượng đòn và khoảng gian sườn rất dữ dội. Thỉnh thoảng xuất hiện khó thở đột ngột do tắc nghẽn vì một phần màng giả bóc ra bít đường thở từ đó dẫn tới tử vong.

Cách phòng bệnh 

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để kháng khuẩn và phòng bệnh (Ảnh: netnews.vn)
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để kháng khuẩn, che miệng khi bị ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng để không cho bệnh có cơ hội lây lan và phát triển.
  • Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Tránh không để quá lâu và tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.
  • Nếu đau họng và khó nuốt nên ăn các thức ăn lỏng như cháo hoặc sữa, tránh thức ăn cứng và phải nhai nuốt nhiều.

Bệnh bạch hầu ở họng (Ảnh: tamuihongsaigon.com)
  • Những người mắc bệnh bạch hầu đang trong quá trình điều trị thì bác sĩ cần yêu cầu bệnh nhân nằm viện để tránh lây lan cho những người xung quanh. Khi tiếp xúc với người bệnh cần giữ khoảng cách, không tiếp xúc quá gần tránh lây bệnh.

Biến chứng bạch hầu

Nguy hiểm nhất của bệnh bạch hầu là gây các biến chứng do độc tố của vi khuẩn bạch hầu cực mạnh cho nên khi bị mắc bệnh rất dễ gây biến chứng nặng, nguy hiểm như làm tổn thương cơ tim gây suy tim cấp. Biến chứng có thể xảy ra vào thời kỳ bệnh toàn phát, thậm chí xảy ra muộn hơn sau vài ba tuần khi bệnh bạch hầu đã khỏi (hết sốt, hết giả mạc…).

Có thể bị biến chứng viêm thần kinh gây liệt khẩu cái, liệt chi, cơ hoành hoặc liệt dây thần kinh vận động mắt. Liệt cơ hoành có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp kèm theo tắc nghẽn đường thở bởi giả mạc gây ra.

Kiên Định t/h