Nếu bạn chưa bắt đầu đa dạng hóa chế độ ăn uống, tháng này bạn nên bắt đầu giới thiệu dần dần các loại ngũ cốc, rau và trái cây. Đối với trẻ em đã được đa dạng hóa thức ăn lúc 4 tháng tuổi, bây giờ bé có thể khám phá, từng chút một các loại cá, thịt và trứng. Sau đây là một số gợi ý của bác sĩ nhi khoa Alain Bocquet.
Em bé của bạn bây giờ nặng khoảng 6,7 kg (trọng lượng trung bình). Sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là thức ăn chính.
1. Bạn bắt đầu đa dạng hóa thực phẩm sau 5 tháng
Thời điểm này bạn vẫn tiếp tục cho con bú một cách thoải mái, dần dần bé sẽ quen với thời gian mỗi lần bú và ít bú đêm hơn.
Khi cho bé ăn dặm nên chọn ngũ cốc không chứa gluten. Rau quả: Tất cả các loại rau củ hạt đều có thể dùng được (đậu xanh, bí xanh, cà rốt…) và nên thay đổi mỗi ngày. Ban đầu, bạn nên tránh những những loại rau củ quá giàu chất xơ hoặc hương vị mạnh, có mùi (như bắp cải, củ cải…).
Bắt đầu đa dạng hóa với khoai tây nghiền trước hoặc sau khi cho bú. Cho bé một loại rau duy nhất mỗi ngày để bé khám phá cụ thể của từng loại thực phẩm. Tốt hơn hết là bạn nên hấp, sau đó trộn đều, không thêm muối hoặc nước nấu, thêm một muỗng cà phê dầu ăn (tốt nhất là dầu hạt cải). Bạn cũng có thể thêm ngũ cốc không đường, không chứa gluten.
Nếu bé đang bú sữa công thức, bạn hãy cho bé bú 4 lần trong ngày và thêm ngũ cốc (không chứa gluten) vào chai sữa 210 ml vào buổi sáng hoặc buổi tối. Vào buổi trưa, bạn có thể dần dần cho bé làm quen một hỗn hợp rau (hoặc củ) nghiền (khoảng 100 – 150 g). Bạn nên cho bé ăn 1 loại rau khác nhau mỗi lần. Nếu con của bạn từ chối nếm thử một loại thực phẩm mới, đừng ép buộc bé và thử cho bé nếm thêm một lần nữa, hai đến ba ngày sau đó, và cứ thế, cho đến bé có thể ăn được. Nhớ cho bé uống thêm chút nước vào giữa các lần ăn.
Những thực phẩm có thể cho bé làm quen: Thịt, cá, trứng, sữa giai đoạn hai (nếu bé bú sữa công thức).
Sau đây là gợi ý các bữa ăn cho bé trong một ngày:
- Bữa ăn sáng: Vẫn cho trẻ bú sữa mẹ vào buổi sáng. Đối với những trẻ bú sữa công thức, bữa sáng bao gồm một chai (210 ml sữa bột cho trẻ sơ sinh) với ngũ cốc không chứa gluten (2 muỗng cà phê).
- Bữa ăn trưa: Một loại rau củ với hai muỗng cà phê thịt hoặc cá hoặc ¼ trứng và cho bé thêm một chút trái cây nghiền vào cuối bữa ăn làm món tráng miệng.
- Bữa ăn xế: Cho bé bú hoặc uống sữa và một chút trái cây nghiền.
- Bữa tối: Một chai sữa 210 ml sữa cho trẻ sơ sinh với ngũ cốc không chứa gluten (2 muỗng cà phê) hoặc cho bé bú.
2. Các loại thực phẩm bị cấm hoặc hạn chế
Không được giới thiệu các loại thực phẩm khác ngoài ngũ cốc, hoa quả, rau, thịt và cá. Tránh các loại rau có vị quá mạnh và giàu chất xơ, thịt nguội và muối. Chọn thịt đỏ và thịt gia cầm không béo. Tốt hơn hết là bạn nên hấp chín rồi xay nhuyễn.
Chú ý: Bạn chỉ nên cho bé ăn 2 lần cá mỗi tuần. Nên tránh các loại cá sống lâu như cá chép, cá chình và cá hoang dã (cá ngừ, cá mập, cá kiếm…). Tuy nhiên, cá rất quan trọng đối với việc nuôi dưỡng trẻ. Nếu bạn không cung cấp đủ, con bạn có thể thiếu axit béo không bão hòa. Chúng giúp sự hình thành màng tế bào và phát triển não bộ. Đối với một chế độ ăn uống cân bằng, chọn 1 trong 2 loại cá béo là cá hồi, cá thu. Ngoài ra, có thể dùng cá trích, cá mòi…
3. Bổ sung vitamin D
Bạn tiếp tục bổ sung vitamin D cho em bé của bạn. Đây là điều cần thiết để cung cấp thêm canxi cho sự phát triển của bé và giúp ngăn ngừa bệnh còi xương. Trong sữa công thức có ít vitamin D hơn sữa mẹ.
4. Phải làm gì khi bé bị nôn trớ nhiều?
Nếu bé của bạn bị nôn trớ nhiều, để làm giảm chúng, có những loại sữa đặc biệt nhiều tinh bột hoặc sữa AR ( Anti-Régurgitation : chống trào ngược) chỉ được bán ở hiệu thuốc. Nhược điểm duy nhất của các loại sữa này là: Tinh bột có thể khiến trẻ bị táo bón.
Các cách khác bạn cũng có thể áp dụng:
- Giữ ấm chai sữa
- Cho bé ăn chậm trong bữa ăn
- Chọn một chai sữa có van
- Đừng mặc tã cho bé quá chặt, để tránh bị nén bụng, giữ khoảng cách đút vừa khoảng 3 ngón tay giữa bụng và tã. Khi nén tã chặt quá sẽ làm cho thức ăn trong dạ dày trẻ bị đẩy ra ngoài khi trẻ khóc, ho hoặc di chuyển.
Theo Doctissimo Bebes
Hồng Phúc biên dịch