Nằm điều trị 5 ngày, người đàn ông này vẫn không tin là mình phải nhập viện vì bị chuột cắn. Khi bị sốt cao anh nghĩ chỉ là triệu trứng thông thường nên tự ý dùng thuốc mà không khỏi. 

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, anh N.T.M. (40 tuổi, ở tỉnh Hưng Yên) được phát hiện mắc bệnh Sodoku, một loại bệnh do chuột cắn.

Trước đó, anh M. bị chuôt cắn vào ngón chân. Chỉ là một vết thương nhỏ nên anh chủ quan và nghĩ không có gì nghiêm trọng.

Không nên chủ quan khi bị chuột cắn (Ảnh: VnReview)

Một tuần sau đó, anh M. thấy ngón chân bị chuột cắn sưng đỏ, sốt, cơ thể lúc nóng bừng bừng khi lại lạnh run. Nghĩ do sốt virus, anh tự mua thuốc về uống nhưng 2 ngày vẫn không thấy đỡ nên mới đến bệnh viện khám. Anh được chỉ định nhập viện do mắc bệnh sodoku do chuột cắn.

Sodoku là từ ghép tiếng Nhật của hai từ So là chuột, doku là nhiễm độc. Từ máu những bệnh nhân mắc bệnh người ta đã phân lập được xoắn khuẩn, được đặt tên là Spirillum minus vào năm 1924. Vi khuẩn là xoắn khuẩn Gram âm ngắn với 2 hoặc 3 vòng xoắn và không mọc được trong môi trường nuôi cấy nhân tạo.

Dịch tễ bệnh sốt chuột cắn

Spirillum minus thường gây bệnh sốt chuột cắn ở châu Á và một số ca bệnh rải rác được báo cáo ở châu Phi, châu Úc, châu Âu và châu Mỹ. Spirillum minus được tìm thấy ở cơ lưỡi của chuột nhắt, chuột nhà, chó, mèo khỏe mạnh.

Căn bệnh này được lây truyền qua người một cách ngẫu nhiên, trực tiếp thông qua vết cắn hoặc vết cào, hoặc một cách gián tiếp thông qua tiếp xúc hoặc ăn những thức ăn bị nhiễm nước tiểu của chuột có nhiễm vi khuẩn. 25% số chuột được xét nghiệm có mang S. minus.

Biểu hiện lâm sàng

Triệu trứng sốt gián đoạn từng cơn (Ảnh: ĐKN)

Thời kỳ ủ bệnh của bệnh Sodoku thường từ 5 ngày đến 4 tuần, khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao (39-40 độ C), rét run, và được đặc trưng bởi triệu chứng sốt gián đoạn từng cơn. Những cơn sốt riêng rẽ tái đi tái lại và có thể xuất hiện vài lần qua 1-3 tháng.

Đồng thời biểu hiện các hội chứng về da như ban sẩn ngứa, ban hoạt tử, có xu hướng nối liền với nhau, tập trung ở da đầu, mặt và thân trên. Ở vùng bị cắn, các thương tổn ở da có thể tự khỏi, nhưng trong hầu hết các trường hợp nó có thể trở thành một vùng sưng tấy, tím đỏ và hoại tử.

Suốt thời kỳ mắc bệnh bệnh nhân có thể biểu hiện đau cơ khớp, có thể phát triển thành viêm khớp. Ở một số bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng chứng thần kinh: đau đầu, ảo giác, tình trạng mê sảng dẫn đến hôn mê.

Các biến chứng có thể xảy ra như: viêm tim nội mạc, viêm màng não, nhồi máu, viêm gan, viêm màng phổi, viêm mào tinh hoàn, thiếu máu. Nếu không được điều trị, tình trạng sốt sẽ kéo dài dai dẳng 1-2 tháng, là nguyên nhân gây tử vong với tỉ lệ 6-10%.

Điều trị bệnh sốt chuột cắn như thế nào

Có thể tham khảo phác đồ điều trị dưới đây, tuy nhiên cần có sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ.

Người lớn

– Penicillin tĩnh mạch ( 2 triệu đơn vị mỗi 4h) trong 5-7 ngày, tiếp tục điều trị nếu lâm sàng cải thiện bằng ampicillin ( 500mg/4lần/ngày) đường uống trong 7 ngày

– Nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin, có thể dùng tetracylin ( 500mg uống 4 lần/ngày) hoặc doxycylin 100mgx2 lần/ngày

Trẻ em

– Penicillin tĩnh mạch (20.000-50.000 đơn vị/kg/ngày chia 6 lần/ngày), liều tối đa 1,2 triệu đơn vị/ngày. Với những bệnh nhi không có chỉ định nhập viện điều trị bằng penicillin V (25mg/kg/ngày đường uống 3-4 lần/ngày) . Điều trị kéo dài 7-10 ngày.

Với bệnh nhi dị ứng với penicillin, bệnh cảnh lâm sàng nặng, có thể điều trị với doxycylin. Mặc dù tetracylin có tác dụng phụ gây chuyển màu răng ở trẻ nhưng tác dụng phụ này rất nhỏ đối với liều ngắn ngày. Với trẻ em có cân nặng trên 45kg có thể dùng liều như người lớn. Trẻ nhỏ hơn dùng liều 2-4mg/kg chia 2 lần/ngày.

– Streptomycin có thể dùng để điều trị cho cả người lớn và trẻ em, mặc dù vậy có một số rào cản trong việc sử dụng thuốc này như độc tính của thuốc, yêu cầu của gia đình hoặc một số nhà thuốc không có thuốc này.

Theo bacsinoitru.vn
Hoàng Kỳ

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phé.