“Trong khi tôi gọi điện cho cấp cứu 911 với sự hoảng loạn, con trai chúng tôi lại hết sức bình tĩnh” – người cha kể lại và cho biết đến giờ ông vẫn thấy ngạc nhiên.
Cách đây ít lâu, ông bà Meram và cậu con trai Dimitri đã có chuyến đi nghỉ cuối tuần tại bãi biển ở California, Mỹ. Khi tới nơi, bà Meram gặp nạn khi cố đưa con trai ra khỏi xe và bị vấp ngã. Đầu bà đập mạnh vào xe, bất tỉnh nhân sự. Hai cha con ông Meram vội vã kiểm tra và phát hiện bà đã ngừng tim, ngừng thở.
Dimitry lập tức tiến hành ấn tim, thổi ngạt (CPR – hồi sinh tim phổi) cho mẹ mình. Vài phút sau khi được cấp cứu, ngực bà Meram phập phồng trở lại. Bà được đưa đến bệnh viện và hôn mê suốt 5 ngày. “Tôi mở mắt ra và thấy chồng tôi. Anh ấy bảo chính con trai chúng tôi đã cứu sống tôi” – bà xúc động trong buổi lễ vinh danh bé Dimitri.
Cậu bé đang theo học lớp 3 tại trường San Carlos (California, Mỹ) đã được vinh danh trong buổi lễ do San Diego Unified School District tổ chức, đơn vị trước đó đã phối hợp với Hiệp Hội Tim mạch Mỹ đào tạo kỹ năng CPR cho các học sinh trong khu vực. Chương trình được tổ chức vào năm 2016 bằng khoản tài trợ 100.000 USD của ông Ron Roberts – giám sát viên của hạt San Diego. Các học sinh được cấp chứng chỉ sau khóa học.
Kể về hành động của mình, “anh hùng lớp 3” Dimitri Mreram nói rất đơn giản: “Cháu chỉ cần làm CPR. Cháu đã được học nó“.
Hồi sức tim phổi (CPR) là một kỹ thuật cứu sống rất hữu ích trong nhiều trường hợp khẩn cấp, bao gồm đau tim hoặc sắp chết đuối (nạn nhân bị ngưng thở hoặc tim ngừng đập).
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả mọi người, dù đã được huấn luyện hay chưa, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi bằng cách ấn ngực.
Đối với người chưa được huấn luyện: Nếu chưa được đào tạo về hồi sức tim phổi, bạn chỉ nên thực hiện hồi sức tim phổi bằng tay. Điều đó có nghĩa là liên tục ấn ngực trong vòng 100 đến 120 lần mỗi phút cho đến khi nhân viên y tế đến nơi (được mô tả chi tiết hơn bên dưới). Bạn không cần phải hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt vào miệng).
Đối với người đã được huấn luyện và sẵn sàng thực hiện. Nếu bạn đã được huấn luyện kỹ và tự tin vào khả năng bản thân, hãy tiến hành ấn ngực trước thay vì kiểm tra đường thở và hô hấp nhân tạo. Bắt đầu hồi sức tim phổi với 30 lần ấn ngực trước khi kiểm tra đường thở và hô hấp nhân tạo.
Đối với người đã được huấn luyện theo các phương pháp trước đây. Nếu trước đây bạn đã được hướng dẫn hồi sức tim phổi nhưng không tự tin vào khả năng bản thân, hãy chỉ thực hiện việc ấn ngực ở mức 100 đến 120 lần mỗi phút.
Các lời khuyên trên áp dụng cho người lớn, trẻ em và em bé cần hồi sức tim phổi, nhưng không phải là trẻ sơ sinh.
Lương Y Cao Sơn (Theo Fox 5 San Diego, Kusi News)
Xem thêm:
- Cứu sống cụ ông 82 tuổi đột quỵ nặng bằng phương pháp hút huyết khối động mạch não
- 7 sai lầm rất nhiều người gặp phải khi sơ cứu
- Người hùng chân đất suốt 14 năm ròng tình nguyện chở bệnh nhân nghèo đi cấp cứu bằng xe máy
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.