Bánh mì pate thịt nguội là món ăn tiện lợi và khoái khẩu của nhiều người cho bữa sáng và bữa đêm, tiếc rằng, nếu nếu bạn không cẩn thận thì mối họa loạn cũng từ đây mà vào cơ thể.

Đều đặn hàng năm, bánh mì pate thịt nguội ở các địa phương đây đó vẫn được “lên báo” vì sự cố gây ngộ độc hàng loạt cho thực khách. Những trường hợp rải rác lác đác thì chắc chắn không được báo cáo. Hầu hết những người nhập viện thường có thể có các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, đau đầu, chóng mặt… Họ đều đã mua và ăn bánh mì pate, có thể thêm thịt nguội, sốt trứng, giăm bông và một số loại rau kèm theo như củ cải trắng, cà rốt, hành, ngò, ớt, dưa leo (dưa chuột)…

Vậy nguy cơ đến từ đâu?

Nhìn chung, đã là thực phẩm thì cái gì cũng đều có nguy cơ bị hư hỏng do nhiễm những tác nhân lạ như hóa chất, vi sinh gây bệnh, ký sinh trùng. Trong trường hợp ngộ độc từ bánh mì pate với các triệu chứng nói trên, đa phần các chuyên gia đều cho rằng nguyên nhân đến từ những nguyên liệu nằm bên trong ổ bánh, chứ ít khi là do bánh mì gây ra.

Thành phần đầu tiên nên kể đến là pate. Công thức làm pate thường có gan, thịt heo (mỡ và nạc), bột mì và gia vị. Chất lượng của pate phụ thuộc vào độ tươi của nguyên liệu gan và thịt. Để giảm giá thành, một số cơ sở sản xuất thu mua tận dụng hàng quá đát, hết ngày không bán được, hoặc trong tình trạng không còn tốt để đưa vào chế biến ra loại pate dùng sẵn cho các cửa hàng bánh mì. Gan và thịt không còn tươi là kết quả của sự tấn công của các vi sinh gây bệnh, làm biến chất sản phẩm, đồng thời có thể sản sinh ra độc tố vào trong khối nguyên liệu, khiến người ăn bị ngộ độc sau đó. Thường những cơ sở đã dám làm ngơ về chất lượng này lại phớt lờ các tiêu chuẩn an toàn trong quy trình sản xuất, không chú ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm, làm cho mối nguy cơ càng nặng nề hơn. Các vi khuẩn gây bệnh có thể nhiễm chéo từ nguyên liệu hoặc “nhảy dù” từ không khí vào pate thành phẩm.

(Ảnh: muachung.vn)
(Ảnh: muachung.vn)

Nếu giả sử pate không có vấn đề gì (ai cũng mong là vậy), mối nguy vẫn có thể ẩn nấp ở các nguyên liệu khác như nước sốt và các loại rau sống đi kèm. Câu chuyện dưa leo nhiễm khuẩn gây bệnh E. coli hay/và Salmonella không có gì là mới lạ tại ngay cả những nước có công nghệ hiện đại như Mỹ, Đức, Tây Ban Nha… Vậy thì sẽ thế nào ở Việt Nam? Kết quả điều tra cho thấy các loại rau (bao gồm dưa leo và các rau gia vị) của Việt Nam có nguy cơ bị nhiễm khá cao, không chỉ nhiễm E. coli hay và Salmonella mà còn có ký sinh trùng, và các thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu. Việc tảy rửa vệ sinh và gọt bỏ lớp vỏ ngoài có thể loại bớt được một số nhưng không thể hết, do đó khuyến cáo nên hạn chế ăn rau sống là vậy.

Một thực tế không thể bỏ qua, là nhận thức và tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm của các hàng quán, đặc biệt là những quán “cóc” tạm bợ, di động bên lề đường cực kỳ kém. Trong lúc bán hàng, thì tay cầm bánh mì cũng là tay cầm dưa leo để gọt, cũng là tay cầm tiền (bẩn nhất trong các loại bẩn), và cũng có thể là tay lau quệt mồ hôi, hỉ mũi… Khi đó các vi khuẩn gây bệnh được điều động loạn xạ lên, từ chỗ này dính qua chỗ khác và tất nhiên là có mặt trong ổ bánh mì. Hàng quán tạm bợ là kế sinh nhai của nhiều người dân nghèo, không cần nhiều vốn hay đào tạo qua bằng cấp chuyên nghiệp cũng có thể lập nên.

Chúng giải quyết nguồn thu nhập qua ngày của một bộ phận, nhưng lại tạo thêm nhiều vấn đề hao tốn tiền cho bộ phận khác. Trong môi trường thời tiết nóng ẩm (và bụi bay khắp nơi) giống như ở Việt Nam thì vi khuẩn có tất cả các điều kiện thuận lợi để phát triển và lây lan. Chẳng thế mà thực khách nước ngoài đến Việt Nam ăn những món ăn ven đường thường bị đau bụng vì không quen…bẩn.

Các tiệm bánh mì pate thường kẹp bánh vào giấy báo (mà trước đó chưa biết nó đã được dùng  để làm gì) hoặc giấy ăn tái chế rẻ tiền. Kỳ công hơn chút thì cho ổ bánh mì vào túi nilon để người mua có thể xách/treo lủng liểng… Như vậy là bổ sung cho bánh mì khả năng ô nhiễm kim loại nặng từ mực in, hóa chất độc hại từ giấy ăn giấy báo, một chút nhựa (đa phần là tái chế)… Nguy cơ chồng nguy cơ, do vậy việc bạn ăn bánh mì pate và bị ngộ độc cũng không có gì quá ngạc nhiên.

(Ảnh: flavorboulevard.com)
(Ảnh: flavorboulevard.com)

Thực khách nên phải làm gì?

Nhu cầu có một bữa sáng nhanh gọn và đầy đủ tinh bột, thịt rau là rất chính đáng, nhưng xem ra chúng ta cần chọn cho mình một địa điểm tin cậy, không chỉ với bánh mì pate mà các món ăn khác cũng vậy, để hạn chế tối đa các mối nguy. Trường hợp cảm thấy không tin cậy những vẫn cần phải mua, thì có lẽ nên tránh những loại thực phẩm chế biến sẵn dạng xay nát (như pate là một ví dụ), thịt viên thịt bằm chế biến sẵn, loại tẩm ướp nhiều gia vị (để che mùi)… mà bạn không cách nào biết được lai lịch của chúng. Ví dụ, món bánh mì kẹp trứng chiên chín cũng tương đối khả dĩ. Ăn kèm một số loại gia vị có tính sát khuẩn, ví dụ ớt, cũng có thể giúp phần nào kìm hãm hoạt động của các vi khuẩn gây bệnh.

Nhu cầu có một bữa sáng nhanh gọn và đầy đủ tinh bột, thịt rau là rất chính đáng, nhưng xem ra chúng ta cần chọn cho mình một địa điểm tin cậy. (Ảnh: daynauan.vn)
Nhu cầu có một bữa sáng nhanh gọn và đầy đủ tinh bột, thịt rau là rất chính đáng, nhưng xem ra chúng ta cần chọn cho mình một địa điểm tin cậy. (Ảnh: internet)

Cũng cần lưu ý rằng, ngộ độc thực phẩm có thể không xảy ra vì các tác nhân gây bệnh chưa vượt qua ngưỡng đề kháng của cơ thể, nhưng chỉ cần chúng có mặt thì ít nhiều vẫn âm thầm phá hoại sức khỏe của bạn, hệ miễn dịch vẫn phải chịu những gánh nặng nhất định.

Đình Vũ

Xêm thêm: