Bệnh tay chân miệng đang bùng phát phức tạp tại một số tỉnh phía Nam nước ta do sự trở lại của virus EV71. Tính đến đầu tháng 10, cả nước đã có hơn 60.000 ca mắc tay chân miệng.
Hơn 60.000 trẻ mắc chân tay miệng
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, tính đến đầu tháng 10, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 ca tử vong ở phía Nam. So với năm 2017, số ca bị tay chân miệng cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%.
Số ca bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó chủ yếu nhóm từ 1-5 tuổi, lứa tuổi đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%).
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay: “Cách đây một tuần, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhi cùng một thời điểm. Hiện, dịch chưa vượt đỉnh mà đi ngang với số lượng bệnh nhân khoảng 160-170”.
Theo bác sĩ Khanh, so với năm 2011 số bệnh nhân năm nay ở mức trung bình. Song, khoảng 2 tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10, bệnh nhi mắc tay chân miệng đột ngột tăng mạnh. Nguyên nhân là do virus EV71 quay lại trong khi trẻ chưa có miễn dịch với virus đó.
“Sự quay lại của virus đó có tính chu kỳ, khó dự đoán. Việc chúng ta cần làm bây giờ là kiểm soát chúng”, bác sĩ Khanh phân tích.
Không có chuyện virus gây bệnh biến đổi gen
Ông Phu khẳng định thông tin virus gây bệnh tay chân miệng (EV71) đã biến chủng, đổi kiểu gen để tạo thành virus mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn là không chính xác.
EV71 là chủng virus gây nhiễm và tấn công tế bào, dễ gây biến chứng kinh nặng và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân nhiễm virus EV71 có nguy cơ gặp biến chứng thần kinh cao gấp 5 lần so với nhiễm các virus đường ruột khác gây bệnh tay chân miệng.
Mặc dù bệnh tay chân miệng đang có diễn biến phức tạp, nhiều ca mắc mới nhưng theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh mới đang vào giai đoạn đầu mùa, vẫn được kiểm soát chặt chẽ.
Lây lan nhanh qua đường tiêu hóa
Bệnh tay chân miệng lây lan theo đường tiêu hóa và có khả năng thành dịch lớn nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh hay xảy ra ở lứa tuổi đi nhà trẻ, do một số loại virus gây nên và được lây truyền qua đường tiêu hoá như chung bát, chung thìa, trong nhà trẻ các bé bò lê dưới đất, tay chân bị nhiễm virus sau đó bé mút tay, mút đồ chơi…
Để phòng bệnh này, chúng ta phải thực hiện hai biện pháp chính:
– Rửa tay thường xuyên, sử dụng dụng cụ bát đĩa riêng, huấn luyện cho các bé không mút tay, ngậm đồ chơi và các cháu cần vệ sinh đúng chỗ.
– Cần phát hiện kịp thời những bé trong nhà trẻ có biểu hiện ốm đau bất thường được đi khám và cách ly ngay để không lây truyền cho các cháu khác.
Tuệ Anh (Tổng hợp)