Nhồi máu cơ tim là bệnh lý có thể gây đột quỵ và tử vong nhanh chóng, đặc biệt nó đang gia tăng ở những người trẻ. Nhận thức đúng đắn về căn bệnh sẽ giúp bạn mau chóng phát hiện và có cách xử trí đúng, từ đó có cơ hội bình phục, trở lại cuộc sống thường ngày.

Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim là tình trạng hoại tử một phần của cơ tim, do thiếu máu cục bộ bởi tắc hoặc hẹp một hay nhiều nhánh của động mạch vành nuôi dưỡng vùng đó. Sự tắc nghẽn mạch máu này khiến việc nuôi dưỡng tế bào cơ tim bị giảm sút trầm trọng có thể dẫn đến chết tế bào cơ tim. Những tế bào cơ tim bị chết này không tham gia được việc dẫn truyền điện tim và co bóp của cơ tim, có thể dẫn đến tim ngừng đập.

Nhồi máu cơ tim là tình trạng hoại tử một phần của cơ tim. (Ảnh: namlimxanhvn.com)

Nhồi máu cơ tim cấp là một bệnh nguy hiểm, và thời gian chính là cứu tinh của sự sống. Thời gian ‘vàng’ cho điều trị là từ lúc bệnh nhân có biểu hiện đau ngực hoặc ngã quỵ đến lúc được can thiệp động mạch vành tốt nhất là dưới 2 giờ. Nếu bệnh nhân đến sau 12 giờ thì coi như đã quá muộn, cơ hội can thiệp sẽ không còn nữa.

Do đó, việc phát hiện các triệu chứng bệnh, biết cách nhanh chóng sơ cứu ban đầu là cực kỳ quan trọng để có thể cứu sống bệnh nhân.

Các triệu chứng có thể biểu hiện

Đau thắt ngực vùng tim hoặc vùng sau xương ức. (Ảnh: Los Tiempos)
  • Đột nhiên cảm giác ngực bị đè nặng, tức ngực hoặc đau thắt ở giữa ngực (sau xương ức hoặc vùng tim).
  • Người bệnh thấy khó chịu hoặc đau lan rộng lên vai, cổ, xương hàm, răng, một hoặc cả hai cánh tay, hoặc đôi khi lan xuống vùng bụng trên rốn
  • Khó thở nhanh, nông
  • Chóng mặt, ngất xỉu
  • Vã mồ hôi
  • Buồn nôn

Mỗi cơn đau tim thông thường sẽ gây ra triệu chứng đau ngực trong hơn 15 phút, nhưng triệu chứng này không phải luôn xuất hiện. Cần chú ý những triệu chứng khác nữa cũng có thể xảy ra, ví dụ như chứng khó tiêu hoặc đau cổ, ngực dai dẳng mà không giảm khi dùng thuốc.

Cần làm gì nếu bạn hoặc ai đó có biểu hiện nhồi máu cơ tim?

  • Nên ngồi hoặc nằm bất động, gọi 115 hoặc số khẩn cấp tại bệnh viện địa phương (nếu có). Đừng bỏ qua hoặc cố gắng khắc phục các triệu chứng của cơn đau tim trong hơn 5 phút. Nếu bạn không thể tiếp cận với dịch vụ cứu thương, hãy nhờ người thân, bạn bè… đưa bạn tới trung tâm y tế gần nhất. Tự mình lái xe chỉ là phương án cuối cùng, và nhớ rằng điều này sẽ đặt bạn trong tình huống cực kỳ nguy hiểm.
  • Nhai và nuốt một viên aspirin, trừ khi bạn bị dị ứng với aspirin hoặc đã từng được bác sĩ cảnh báo không cho sử dụng. Nhưng hãy tìm sự trợ giúp của người cứu thương trước, ví như gọi cho 115.
  • Uống nitroglycerin (nếu người bệnh được kê toa). Nếu bạn nghĩ mình đang bị một cơn đau tim và bác sĩ đã kê đơn nitroglycerin trước đó cho bạn, hãy uống thuốc theo chỉ dẫn. Không được uống nitroglycerin của bất kỳ ai khác, bởi vì điều này sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh.
  • Bắt đầu hồi sinh tim phổi (Cardiopulmonary Resuscitation – CPR) nếu người bệnh bất tỉnh. Nếu bạn đang bên cạnh người lên cơn đau tim và bị bất tỉnh, hãy nói ngay với người điều phối 115 hoặc chuyên viên y tế. Bạn sẽ có thể nhận được lời khuyên nên bắt đầu hồi sinh tim phổi (CPR). Nếu chưa được huấn luyện CPR, các bác sĩ khuyên bạn nên bỏ qua trình tự thở miệng – miệng, thay vào đó chỉ thực hiện ép ngực (khoảng 100 – 120 cái/phút). Bạn sẽ nhận được sự trợ giúp của nhân viên y tế từ xa cho tới khi họ tiếp cận bệnh nhân.
Máy khử rung tim ngoài tự động. (Ảnh: medcatalog.by)
  • Nếu như có sẵn máy khử rung tim ngoài tự động (Automated External Defibrillator – AED) và người bệnh đang bất tỉnh, hãy bắt đầu thực hiện CPR trong lúc thiết bị được lấy ra và thiết lập. Trong lúc, AED đang phân tích cần dừng CPR. Sau khi AED đánh giá tình trạng của người bệnh thì thiết bị này sẽ cung cấp hướng dẫn cho người sử dụng biết. Không chạm vào bệnh nhân trong quá trình tiến hành dùng máy AED.

Người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim

  • Tuổi càng cao thì nguy cơ bị nhồi máu cơ tim càng tăng. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 lần phụ nữ khi ở độ tuổi 50 và con số này giảm dần về sau, đến độ tuổi 75 thì tần suất mắc bệnh của hai giới là như nhau.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh này.
  • Người hút thuốc lá, stress…
  • Người mắc các bệnh như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì…

Ngày nay, nhồi máu cơ tim đang có xu hướng trẻ hoá. Do đó, những đối tượng có nguy cơ nên điều chỉnh một lối sống lành mạnh, khám sức khoẻ định kỳ.

Mộc Chi