Đắp lá, xoa mật gấu… để trị gãy xương, nhiều người rơi vào tình trạng bị tật, lở loét, thậm chí phải phẫu thuật cắt bỏ một phần cơ thể.
Mặc dù đã được cảnh báo về sự nguy hiểm của việc chữa gãy xương bằng cách đắp thuốc, nhiều người bệnh với tâm lý nôn nóng muốn bệnh nhanh khỏi vẫn tìm đến thầy lang, đắp thuốc lá để chữa trị.
Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp người bệnh rơi vào tình trạng bị tật, lở loét thậm chí phẫu thuật cắt bỏ tay chân vì tự ý chữa gãy xương bằng đắp lá.
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn H. 29 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội bị gãy xương bả vai. Tuy nhiên thay vì điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh nhân đã tự về quê điều trị bằng cách đắp lá tre, lá cỏ xước…
Sau 1 tháng đắp thuốc, anh H. thấy bả vai đỡ đau và tự tin là xương liền. Tuy nhiên, được hơn 1 tháng, bả vai có dấu hiệu đau liên tục, thậm chí anh không thể giơ tay lên.
Anh H, đi chụp Xquang bác sĩ cho biết xương bả vai của anh bị gãy và chưa phục hồi đây là dạng gãy xương hở phải điều trị bài bản kèm theo phục hồi chức năng chứ không thể nào cứ đắp lá là được.
Trường hợp của ông Vũ Văn Thư, 61 tuổi, trú tại Kiến Xương, Thái Bình bị thoái hóa xương. Ông Thư được bác sĩ tư vấn và điều trị lâu dài. Tuy nhiên, ông Thư không điều trị theo phương pháp của bác sĩ mà về nhà mua thuốc đông dược dạng hoàn uống.
Thời gian đầu uống thấy đỡ đau hơn nên ông càng ngày càng dùng thuốc này. Dùng cả năm, tay chân ông bắt đầu teo lại còn mặt thì tròn to ra kèm theo tích nước nhìn rất sợ.
Ông Thư lên Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán ông bị tác dụng phụ do sử dụng corticoid lâu ngày. Không chỉ bị hội chứng cushing mà khi đo mật độ xương, ông Thư còn bị dấu hiệu của loãng xương đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm về xương khớp.
Trao đổi với Infonet, PGS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, bệnh lý xương khớp là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng nhất là trong cuộc sống hiện đại, lười vận động thì bệnh xương khớp càng “gia tăng”.
Thực tế, nhiều người bệnh điều trị sai cách dẫn đến nhiều trường hợp đau lòng xảy ra khi biến chứng nặng bác sĩ không thể can thiệp được.
PGS Dũng cho biết trong thực tế lâm sàng, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp gặp biến chứng do điều trị bệnh lý cơ xương khớp không đúng. Có một trường hợp bệnh nhân nam khoảng 55 tuổi, bị chấn thương gãy xương hở cẳng chân, tuy nhiên bệnh nhân lại không tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh để được điều trị mà tự đắp thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
Kết quả chân của bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử nặng. Sau đó bệnh nhân nhập viện và phải trải qua 3 lần phẫu thuật. Cuối cùng phải cắt cụt cẳng chân.
Bác sĩ Dũng nhấn mạnh cơ xương khớp là cơ quan vận động của cơ thể, do đó khi gặp các vấn đề về cơ xương khớp, bệnh nhân sẽ bị hạn chế trong các hoạt động sống hàng ngày.
Bác sĩ Võ Quốc Hưng, bệnh viện Việt Đức cho biết, nhiều trường hợp bệnh nhân bị chấn thương nhẹ nhưng lơ là không đi khám mà thường đắp lá, đắp thuốc dẫn đến viêm nhiễm, thậm chí tàn phế. Có bà mẹ ở ngay thành phố, trình độ học vấn cao nhưng thấy con bị bong gân, trật khớp thay vì đưa đến BV khám và điều trị lại đưa con đi đắp thuốc, bó lá, dùng thuốc giảm đau.
Với những chấn thương lớn như gãy xương đùi thì không thể điều trị bằng bó lá hay đắp cao mà buộc phải phẫu thuật bởi xương đùi là xương lớn, các mảnh gãy có thể gây tổn thương đến dây thần kinh, mạch máu, đâm vào phần mềm rất nguy hiểm và đau đớn. Việc trì hoãn điều trị có thể khiến cho các phần xương gãy sẽ liền lại trong tình trạng lệch, vẹo.
Theo bác sĩ Hưng, với tình trạng xương liền lệch, bệnh nhân sẽ phải qua phẫu thuật phá bỏ phần bị lỗi để sắp xếp lại, vì vậy cuộc mổ phức tạp hơn và bệnh nhân mất máu nhiều. Đã vậy, các trường hợp liền lệch phải phẫu thuật chỉnh lại nhưng chức năng hầu như không thể phục hồi bình thường.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị gãy xương, bắt buộc mọi người phải chụp X-quang nhằm đánh giá được mức độ gãy trật và di lệch để có phương pháp điều trị phù hợp. Tùy theo mức độ bệnh lý, có thể bó bột hoặc mổ kết hợp xương bằng đinh nội tủy, kim Kirschner, nẹp vít…
Thông thường, một số trường hợp gãy xương như: gãy đầu dưới xương quay, gãy xương cành tươi ở trẻ em, gãy mâm chày không lệch… nếu được kéo nắn đúng vị trí và cố định thật tốt thì sau 4-6 tuần, xương sẽ tự liền mà không cần can thiệp gì thêm.
Trong khi đó, nhiều thầy lang không có hoặc có rất ít kiến thức khoa học về giải phẫu cơ thể người nên không thể bảo đảm là xương của người bệnh đã trở về đúng vị trí hay chưa. Họ chỉ sờ nắn bên ngoài rồi chẩn đoán theo cảm giác chủ quan để đắp thuốc, bó lá cho người bệnh.
Phương Nam