Bệnh nhân Lý Thị Th. (59 tuổi, Hòa Bình) nhập Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương trong tình trạng đau cổ họng do hóc xương gà.

Trước đó, bà Th. bị hóc vì nuốt mỏ gà, gia đình đã tìm cách chữa mẹo nhưng không đỡ.

Quá đau đớn, bà vào bệnh viện tỉnh thăm khám, sau đó được chuyển xuống Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

Tuy nhiên, khi chụp phim CT và nội soi thực quản ống cứng, các bác sĩ không phát hiện ra dị vật. Ê-kíp đã phải mở đường cạnh cổ kiểm tra và phát hiện 3 mảnh xương gà, có mảnh dài hơn 2 cm trong thành thực quản của bệnh nhân.

benh nhau dau don vi manh xuong ga dai 2 cm cam vao trong thuc quan
Trước khi nhập viện, bà Th. đã tự chữa mẹo ở nhà khi bị hóc xương gà.

Ths.BS Trần Hữu Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho biết, hóc xương khiến người bị nạn đau khi nuốt, hoặc nuốt vướng. Nhiều trường hợp nạn nhân hóc xương còn bị xương đâm ra ngoài thực quản. Những trường hợp này nếu không thăm khám kịp thời có thể gây nhiễm trùng, khó khăn cho quá trình điều trị về sau.

Bác sĩ Thắng cũng cho biết thêm, thông thường, tất cả bệnh nhân đều được soi ống cứng kiểm tra, nếu có dị vật sẽ tiến hành gắp luôn. Trong trường hợp soi không thấy dị vật, các bác sĩ có thể chọn phương pháp mở cạnh cổ để lấy dị vật.

“Vùng cổ là nơi có nhiều mạch máu lớn, đó là chưa kể người bệnh đã bị nhiễm trùng và dị vật sắc nhọn… vì thế nguy cơ chảy máu rất cao. Ngoài ra, những trường hợp có bệnh lý mạn tính cũng đòi hỏi bác sĩ phải đưa ra phương pháp điều trị sao cho hợp lý”, bác sĩ Thắng chia sẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo, do việc xử lý các dị vật chui qua thực quản ra ngoài vùng cổ khá phức tạp, nên khi bị hóc xương (bất kể là xương gì) không được dùng mẹo để chữa hoặc cho tay vào họng cố lấy dị vật.

Người nhà cần đưa ngay nạn nhân tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm nguy hiểm.

Tuệ Anh (Tổng hợp)