Bé Hà Hải Đ.(20 ngày tuổi, Quảng Ninh) nhập viện Sản Nhi Quảng Ninh, trong tình trạng nổi vân tím, run tay chân, sốt cao trên 39 độ C, nôn sau ăn, bú kém, quấy khóc nhiều.
Theo Sức khỏe và Đời sống, các bác sĩ đã kiểm tra và chẩn đoán bé Đ. bị nhiễm khuẩn sơ sinh, dị tật còn ống động mạch. Nếu bé Đ. không phẫu thuật sớm có thể dẫn tới lượng máu chảy về tim tăng cao, gây suy, từ đó dẫn đến các biến chứng như tăng áp động mạch phổi, thậm chí tử vong.
Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật tim kín đóng ống động mạch, bằng phương pháp gây mê nội khí quản cho bệnh nhi.
Sau 1h phẫu thuật, hiện mạch và huyết áp của bé Đ. đã ổn định, tim phổi trẻ bình thường và đang được theo dõi tại Khoa Hồi sức cấp cứu.
Trao đổi với Gia Đình Mới, bác sĩ Trịnh Trương Tuyên cho biết, thường sau sinh 12 tiếng, ống động mạch thường đóng lại ở trẻ đủ tháng và đóng hoàn toàn khi trẻ 2-3 tuần tuổi.
Còn ống động mạch (PDA) là tình trạng ống động mạch (ống Botal) nối giữa động mạch chủ và động mạch phổi trong thời kỳ bào thai không bị tắc lại sau khi bệnh nhân sinh ra (thông thường ống này sẽ hoàn toàn tắc lại trong vòng 2 tháng sau đẻ), mà vẫn tiếp tục tồn tại và hoạt động kéo dài. Nếu không điều trị, ống động mạch có thể gây ra quá nhiều máu chảy qua tim, làm suy yếu các cơ tim, gây suy và các biến chứng khác. Tồn tại ống động mạch lớn ở trẻ sơ sinh có thể gây ra các triệu chứng: – Ăn kém, kém tăng trưởng. – Ra mồ hôi khi khóc hoặc chơi. – Thở nhanh hoặc khó thở liên tục. – Dễ mệt mỏi. – Không tăng cân. – Tim đập nhanh. – Da hơi xanh hoặc nâu sẫm. |
Lan Phương