Melina Jampolis, chuyên gia dinh dưỡng kiêm bác sĩ nội khoa ở LA (Mỹ) cho biết, khi cơ thể tăng cân dần dần mà không thể giảm, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc trầm cảm, buồng trứng đa nang, bệnh tuyến giáp…
Trao đổi với Womenshealthmag, Melina Jampolis cho biết, nguyên nhân phổ biến của tình trạng tăng cân là do dư thừa calo. Những người tiêu thụ nhiều calo hơn cần thiết không nhớ hết mình đã ăn, uống gì. Bên cạnh đó, họ còn lười tập thể dục và thường ngồi một chỗ.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho biết thêm, nếu như đã loại trừ nguyên nhân do chế độ ăn uống, lười vận động mà cơ thể vẫn tăng cần thì bạn cần nghĩ ngay đến khả năng mình đang có vấn đề sức khỏe.
Dưới đây là một số bệnh có thể là nguyên nhân khiến bạn tăng cân:
1. Bệnh tuyến giáp
Melina Jampolis cho biết, bất kỳ bệnh nhân nào đến gặp bác sĩ trình bày về vấn đề tăng cân không rõ nguyên nhân thường được kiểm tra tuyến giáp đầu tiên.
Theo Hiệp hội về Tuyến giáp của Mỹ, cứ trong 8 phụ nữ thì có 1 người phát triển chứng rối loạn tuyến giáp trong cuộc đời.
Nằm ở cổ, tuyến giáp có hình cánh bướm làm nhiệm vụ sản sinh hormone điều tiết quá trình trao đổi chất. Vì vậy, khi bộ phận này gặp vấn đề, quá trình trao đổi chất sẽ ảnh hưởng theo, gây ra tình trạng tăng cân.
Những phụ nữ bị chứng tuyến giáp cũng có thể gặp tình trạng suy kiệt năng lượng hoặc mệt mỏi, da khô, rụng tóc, khàn giọng, hay táo bón.
2. Hội chứng buồng trứng đa nang
Các nghiên cứu chỉ ra rằng cứ 5 phụ nữ thì có 1 người mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang, dạng rối loạn nội tiết gây ảnh hưởng xấu tới quá trình sản sinh estrogen và testosterone.
Người bệnh sẽ có các dấu hiệu như rối loạn kinh nguyện, lông trên mặt phát triển nhanh và đau nửa đầu. Hội chứng này cũng có thể ảnh hưởng tới việc cơ thể sử dụng insulin, từ đó gây tăng cân.
3. Trầm cảm
Bạn thường xuyên bị căng thẳng hoặc trầm cảm, hóc-môn adrenaline và cortisol trong cơ thể sẽ tăng cao, khiến cơ thể tự động dự trữ năng lượng và chất béo.
Chuyên gia Melina Jampolis nhấn mạnh, những người ngồi bên bàn làm việc nhiều giờ rất dễ bị trầm cảm, cộng với việc ít vận động sẽ khiến lượng calo dư thừa tăng lên.
Nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, lo âu, mất ngủ, chóng mặt, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
4. Mất ngủ
Ngủ ít làm gia tăng hormone báo hiệu “đã đến giờ ăn” ghrelin và hạ thấp nồng độ hormone no leptin. Đây chính là lý do khiến bạn tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa đường, chất béo hơn bình thường, gây nên tăng cân.
5. Bệnh Cushing
Dù là bệnh hiếm gặp (cứ 1 triệu người thì có khoảng 10-15 người mắc bệnh) nhưng 70% số người được chẩn đoán mắc Cushing là phụ nữ.
Reshmi Srinath, chuyên gia y khoa kiêm trợ lý giáo sư về bệnh tiểu đường, nội tiết tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai cho biết, bệnh này làm sản sinh dư thừa cortisol, từ đó gây tích tụ mỡ thừa quanh vùng bụng và sau cổ.
Chuyên gia cũng cho biết, những người mắc hội chứng Cushing thường có năng lượng thấp và dễ gặp các biến chứng như tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao. Dấu hiệu nổi bật của bệnh là những vết rạn da đỏ to lớn trên bụng.
Khi thấy cơ thể có những thay đổi bất thường, bạn nên đến khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Phương Nam