Nấc cụt thường diễn ra không quá 1 giờ rồi biến mất, nhưng cũng có trường hợp bị hàng tuần, thậm chí hàng năm. Kinh nghiệm nhiều người là uống liên tục vài ngụm nước để trị nấc, nhưng không phải lúc nào hiệu nghiệm và có khi không tìm được nước… Trung y sẽ chỉ bạn cách cực đơn giản này.

Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn phương pháp chữa nấc cụt bằng cách bấm huyệt. Những phương pháp này cũng giúp ích cho những trường hợp nấc cụt lâu ngày không hết.

Nấc cụt xảy ra do cơ hoành co thắt không kiểm soát được, thường xảy ra sau khi uống đồ uống có ga, rượu, thức ăn nhanh, thay đổi nhiệt độ đột ngột, sau khi phấn khích…

Thường thì nấc cụt kéo dài không đến một giờ và có thể tự nhiên biến mất nhưng cũng có trường hợp kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng năm. Có nhiều cách khác nhau để ngăn chặn nấc như nín thở, uống nước… và bấm huyệt là một trong số đó.

1. Huyệt Nhân Trung

Huyệt Nhân Trung nằm chính giữa môi trên và mũi, nhấn huyệt Nhân Trung lực hướng phía răng trong 20 đến 30 giây.

2. Huyệt Thiên Đột

Nằm ở chính giữa chỗ lõm sát bờ trên xương ức.

Dùng ngón tay giữa hoặc trỏ uốn cong lại như hình lưỡi câu, đầu ngón tay ấn vào huyệt hướng chéo về phía mông với một lực vừa phải. Thông thường, chỉ sau giây lát tiếng nấc sẽ ngừng hẳn.

Nếu không hiệu quả, tiếp tục day bấm thêm huyệt hợp cốc. Huyệt này nằm ở khe giữa ngón tay trỏ và ngón cái trên mu tay, khi khép hai ngón tay sẽ xuất hiện một khối cơ lồi lên, huyệt hợp cốc nằm ở điểm cao nhất của khối cơ lồi đó.

3. Bấm huyệt Toản Trúc

Huyệt này nằm ở chỗ lõm đầu trong lông mày. Ấn huyệt Toản Trúc day nhẹ hoặc mạnh 3-5 phút. Có thể bấm 2 lần trong một ngày cho đến khi khỏi hẳn. Theo tạp chí châm cứu Trung Quốc 1987, trị 30 ca chỉ một ca không khỏi bằng phương pháp này.

Các huyệt vị trị nấc hiệu quả (Ảnh: Internet)

4. Day ấn mạnh huyệt Nội Quan

(Ảnh: banlinhdanong.info)

Huyệt Nội quan giữa lằn chỉ cổ tay lên 2 thốn (2 thốn tương đương độ rộng 3 ngón tay trỏ, giữa và áp út chập lại)

5. Bấm huyệt Trung Khôi

Huyệt Trung Khôi ở giữa lằn chỉ thứ hai khớp ngón tay giữa, còn gọi là huyệt “nấc cụt”. Bấm mạnh huyệt này cho tới khi cảm thấy tê, căng, nhức, nấc cụt ngừng mới thôi.

Thường bấm huyệt lần đầu tiên đã có thể có tác dụng tốt trừ những trường hợp bệnh nhân bị lâu ngày hay nặng mới phải bấm nhiều lần.

Tân Hạ tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.