Hoa quả luôn tốt cho sức khỏe, tuy nhiên có một số loại hạt của chúng cũng có thể hỗ trợ trị liệu. Cùng điểm qua một vài loại có cả bộ đôi tác dụng phòng và chống bệnh. Theo Đông y, đây là những phương thuốc rất hữu dụng, đơn giản và hiệu quả.

1. Hạt gấc

Hạt gấc có công dụng không khác gì mật gấu. Trong chiến dịch kêu gọi ngừng giết gấu lấy mật, các nhà khoa học kêu gọi người dân có thể thay thế bằng loại hạt này. Những ứng dụng của nó đều có thể thay thế và có tác dụng tốt gần như mật gấu. Cách làm:

Hạt gấc chín, rửa thật sạch, để ráo, sao vàng hạ thổ (nướng trên than củi sao cho hạt gấc thật vàng, đổ ra báo trên nền đất khô ráo cho nguội). Sau đó, dùng dao tách vỏ, lấy ruột dập đều ngâm sâm sấp với rượu gạo 45-50 độ. Thời gian từ 10 ngày trở lên là có thể dùng, càng lâu tác dụng sẽ càng tốt.

Chữa quai bị, tụ máu, sưng tấy do mụn nhọt: Dùng một miếng bông gạc tẩm rượu gấc cho ướt rồi đắp lên chỗ đau băng lại. Thời gian đắp thuốc từ 30 – 40 phút.

Chữa trĩ: Dùng hạt gấc giã nát trộn với giấm ăn, gói bằng vải đắp vào hậu môn. Sau 1 liệu trình 6-8 giờ thay thuốc 1 lần.

Chữa viêm xoang: Dùng tăm bông chấm vào dung dịch hạt gấc ngâm rượu, bôi lên sống mũi. Chờ 2 phút cho thuốc ngấm thì xì hết mủ đặc trong xoang mũi. Thuốc có tác dụng rất nhanh, chỉ cần 2 phút là có thể cảm nhận thấy cơn đau xoang mũi thuyên giảm rõ rệt

Công dụng trị bệnh của hạt gấc gần giống như mật gấu. Là vị thuốc trị viêm xoang hiệu quả. (Ảnh: tuvansuckhoe.com)

2. Hạt vải

Theo Đông y, hạt vải có tên Lệ chi hạch; còn gọi là Lệ nhân, Đại lệ hạch,… Trong sách thuốc Đông y, được xếp vào loại Thuốc lý khí (lý = chỉnh lý, lý khí = chữa trị các chứng bệnh liên quan đến chức năng của khí), cùng với những vị thuốc quen thuộc như Hương phụ, Trần bì, Thanh bì, Chỉ thực, Mộc hương, Ô dược. Lệ chi hạch có vị cam sáp, tính ôn (ấm), không độc, quy vào 3 kinh Can, Vị và Thận. Hạt rửa sạch, thái nhỏ, tẩm nước muối, sao hoặc đốt tồn tính. Cũng có thể đồ chín, thái mỏng, phơi, sấy khô. Dược liệu có vị đắng, ngọt chát, tính ôn, có tác dụng chữa bệnh trong những trường hợp sau:

Chữa đau dạ dày: Hạt vải, Mộc hương, nghiền thành bột, uống với nước ấm, ngày 3 lần, mỗi lần 4-6g.

Chữa thống kinh, đau bụng khi hành kinh hoặc sau sinh: Hạt vải đốt tồn tính 20g, Hương phụ 40g. Tất cả tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 8g với nước cháo, nước cơm.

Chữa tiểu đường: Hạt vải đem sấy khô, tán mịn. Cho vào lọ nút kín dùng dần. Mỗi lần uống 10g, ngày uống 3 lần, trước bữa ăn. Liệu trình 3 tháng.

Phòng sỏi mật: Hạt vải 20g, hạt quýt 20g, trần bì 10g, hồng táo 2 trái, nước 400ml, sắc uống thay trà.

Chữa tinh hoàn sưng đau: Hạt vải, trần bì, hồi hương; ba vị liều lượng bằng nhau, tất cả tán thành bột mịn, trộn đều. Ngày uống 3 lần; mỗi lần uống 4 – 6g, dùng rượu hoặc nước ấm chiêu thuốc.

3. Hạnh nhân (hạt của quả mơ chín)

Hạnh nhân vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh Phế và Đại tràng. Có công dụng giáng khí, giảm ho, bình suyễn, nhuận tràng, thông tiện. Chủ trị ho suyễn, ngực trướng, đờm nhiều, huyết hư, đại tiện táo… Dưới đây là món ăn, bài thuốc thường dùng.

Trị hen suyễn, chân phù nề, đái són: Hạnh nhân 30g, bỏ vỏ, sao vàng, nghiền bột nấu chung với gạo thành cháo. Chia ăn trong ngày vào lúc đói bụng.

Chữa đau đầu, đau mắt đỏ sưng rát, chứng tăng huyết áp, hoa mắt, chóng mặt: Hạnh nhân 12g, hoa cúc 12g. Hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn, giã dập, hoa cúc rửa sạch. Đun sôi uống thay trà.

Bổ phổi, giảm ho, trị ho khan, không có đờm, miệng khô: Hạnh nhân 12g, lê một quả , đường phèn vừa đủ. Hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn, giã dập, lê rửa sạch, thái miếng, thêm nước sâm sấp, đun sôi nhỏ lửa 5-10 phút rồi cho đường phèn vào. Ăn lê, uống nước.

Bổ tỳ vị, hóa đờm, tiêu thấp, trị chóng mặt, buồn nôn, ăn uống kém, mệt mỏi, ngủ hay mơ, buồn bực trong lòng: Hạnh nhân 8g, Trần bì 6g, hạt Ý dĩ 30g, gạo lứt 100g. Hạnh nhân, Trần bì sắc lấy nước, cho Ý dĩ và gạo lứt vào nấu cháo ăn.

Trị ho khan, hư lao, ho lâu ngày, đại tiện táo kết: Hạnh nhân 30g, mật ong 100ml, sữa bò tươi 600ml. Hạnh nhân giã dập, bọc trong giấy ép bỏ dầu, đun sôi với 400ml nước, rồi cho mật ong và sữa bò vào. Uống ấm trong ngày.

Theo Đông y, hạt mơ vị ngọt, tính bình có công dụng trị ho hiệu quả.

4. Hạt dưa hấu

Chiếm số lượng nhiều nhất trong hạt dưa là magie với khoảng 21mg/4g hạt. Magie tham gia duy trì khả năng trao đổi chất, chức năng thần kinh, cơ bắp, tăng cường hoạt động của tim, xương… Ngoài magie, vài loại axit folic, axit béo, hạt dưa còn chứa nhiều sắt. Một nắm hạt dưa chứa khoảng 0,29mg sắt. Hạt dưa hấu vị ngọt, tính mát khi chưa rang chín và tính bình sau khi đã rang, có công dụng thanh phế nhuận tràng, hòa trung chỉ khát… thường được dùng để chữa các chứng bệnh như:

Trị ho, nhiều đờm dùng hạt dưa hấu bóc vỏ ăn sống hoặc lấy 20g hạt sắc lấy nước uống.

Trị đau đầu, chóng mặt, tăng huyết áp: dùng hạt dưa hấu ăn sống hoặc sau khi rang chín lúc bụng đói.

Đa kinh (kinh nguyệt quá nhiều) dùng nhân hạt dưa hấu 9g nghiền vụn chiêu uống với nước ấm mỗi ngày 2 lần.

Thổ huyết (nôn ra máu) dùng 50g hạt dưa hấu tươi sắc lấy nước uống.

Viêm bàng quang cấp tính dùng 40g hạt dưa hấu sắc uống hằng ngày.

Hỗ trợ tiêu hóa và giải độc: Dùng 3 cốc trà hạt dưa hấu mỗi ngày.

5. Hạt nhãn

Hạt có vị chát, tính bình có tác dụng cầm máu, giảm đau, điều hòa khí huyết chủ trị chấn thương xuất huyết, mụn nhọt lở ngứa. Bài thuốc sử dụng như sau:

Cầm máu vết thương: Hạt nhãn cạo bỏ vỏ đen, lấy phần trắng bên trong, thái mỏng, sấy khô, tán bột mịn, rắc vào vết thương.

Chữa lở ngứa kẽ ngón tay, ngón chân, đau nhức: Hạt nhãn đốt cháy thành than, tán nhỏ rắc vào vết thương.

Chữa nhọt sưng: Bột hạt nhãn hòa với nước xâm xấp, đắp vào nơi tổn thương.

Chữa tiểu tiện khó: Hạt nhãn cạo bỏ vỏ, giã nát, thêm nước sắc uống.

Chữa đau bụng, thoát vị bẹn: Hạt nhãn, hạt vải, tiểu hồi hương, lượng bằng nhau sấy khô, tán bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g với nước sắc cây thăng ma, uống vào lúc đói.

Kiên Định