Y học cổ truyền đã tích lũy kinh nghiệm phong phú trong việc ngăn ngừa bệnh dịch trong hàng ngàn năm qua. Nói tóm lại, thực ra đó là hai con đường lớn: phù chính và trừ tà. Chúng ta nên học hỏi từ lịch sử, chắt lọc các ý tưởng, kế thừa phát huy, ôn cố tri tân (học hỏi quá khứ và sử dụng nó trong hiện tại).
Các phương pháp ngăn chặn bệnh dịch của YHCT được mô tả dưới đây nhằm mục đích điều hòa thân tâm (thể chất và tinh thần) để phù chính khí. Nội kinh viết: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can”, ý nghĩa của nó là muốn ngăn chặn bệnh dịch, trước hết cần chính khí cường thịnh, cũng chính là sức đề kháng và miễn dịch mới là chìa khóa để ngăn chặn bệnh tật trước khi nó xảy ra. Mà phương pháp hỗ trợ chính khí chủ yếu nên tập trung vào điều dưỡng tâm thân. Cụ thể, có thể tóm tắt thành “bốn giảm” và “một tăng”:
1. Giảm căng thẳng tinh thần
Sự lo lắng, căng thẳng từ công việc và cuộc sống, và thậm chí là nỗi sợ hãi bệnh tật đều có thể làm cho khả năng miễn dịch của cơ thể giảm sút và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Ngược lại, nếu bạn bình tĩnh điềm đạm, bạn sẽ không dễ dàng mắc bệnh. Đúng như Nội kinh viết: “Điềm đạm hư vô, chân khí tòng chi, tinh thần nội thủ, bệnh an tòng lai” (Điềm đạm hư vô, chân khí sung túc, tinh thần giữ vững, đẩy lùi bệnh tật).
2. Giảm thiểu thể lực tiêu hao
Nội kinh cho rằng: “Tà mà xâm phạm, chính khí tất hư”. Do vậy, trong thời gian ôn dịch đang lưu hành, cần duy trì sức mạnh thể chất, không được làm việc quá sức và không chơi bời thâu đêm suốt sáng mà làm chính khí hao tổn. Thể lực cường thịnh, chính khí bất hư, thì có thể đề kháng bệnh tà. Ngay cả khi bị nhiễm bệnh, tình trạng cũng nhẹ và tiên lượng sẽ tương đối tốt.
3. Giảm tình dục
Đời sống tình dục quá mức cũng có thể làm suy yếu cơ thể con người và làm giảm sức đề kháng. Có một câu nói nổi tiếng trong YHCT là “thương hàn thiên đả hạ hư nhân (bệnh thương hàn thiên về tấn công thể người hư suy phần bên dưới)”. Có thể nói, bệnh thương hàn nghĩa rộng, bao gồm cả bệnh dịch, thường xâm phạm những người có đời sống tình dục quá mức dẫn đến thận hư.
Nội kinh cũng nói: “Đông không tàng tinh, xuân tất bệnh ôn”. Có thể thấy rằng trong thời gian dịch bệnh hoành hành, thanh tâm quả dục, dưỡng tinh tích duệ là vô cùng quan trọng.
4. Giảm đi ra ngoài
Nội kinh viết: “Hư tà tặc phong, trốn tránh có thì”. Trong khi dịch bệnh hoành hành, giảm các hoạt động đi chơi bên ngoài, giảm và tránh tiếp xúc với bệnh nhân. Giữ ấm và chống lạnh cũng là biện pháp rất quan trọng.
5. Tăng lượng rau quả tươi nạp vào
Rau và trái cây tươi rất giàu vitamin, là cơ sở vật chất để ngăn ngừa và chống lại các bệnh truyền nhiễm. Tất nhiên, sự thiếu hụt trong chế độ ăn uống và no đói thất thường không chỉ có hại cho sức khỏe mà chính khí của cơ thể cũng có thể do sự thiếu nguồn nạp mà không đầy đủ.
Xưa có 2 người đội sương buổi sớm mà xuất hành, một người bụng đói bị nhiễm ôn dịch mà chết. Người còn lại ăn uống qua loa chút điểm tâm sáng lại an nhiên không việc gì. Ăn uống dinh dưỡng đối với phòng ngừa bệnh truyền nhiễm hiệu quả là rõ ràng.
Theo Sohu
Liên Hoa dịch