Theo y học dân gian, quất (tắc) mang đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, lại có mùi thơm và vị ngon đặc biệt. Vì vậy quất được dùng nhiều ở Việt Nam và các nước châu Á khác, đặc biệt là Phi-líp-pin. Tại đây quất là gia vị không thể thiếu trong bếp ăn của mỗi nhà.
Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can. Nó có công năng hóa đảm, trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Vỏ có tác dụng mạnh hơn. Quất để càng lâu càng tốt. Hạt quất có tác dụng giảm ho, cầm máu, chống nôn, lá quất có nhiều tinh dầu, có tác dụng chữa cảm mạo phong hàn rất tốt.
Bài thuốc “kinh điển” nhất của vị thuốc này có lẽ là “Quất chưng đường phèn“. Nó gắn liền với một truyền thuyết xa xưa…
Chuyện kể rằng, cách đây hơn 800 năm, vào giữa tiết trời đông giá lạnh, cả kinh thành Thăng Long vô cùng lo lắng bởi nhà vua và văn võ bá quan trong triều cùng hàng ngàn người dân đột nhiên mắc một chứng bệnh thời khí như sổ mũi, hắt hơi, đau nhức chân tay mình mẩy. Vua Lý Thần Tông đã hạ chiếu cho pháp sư Giới Không Thiền Sư lập đàn tế lễ, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm mà ngày một lan rộng.
Các quan ngự y được lệnh sưu tầm dược liệu để chế ra những phương thuốc trị bệnh. Sau một thời gian chạy chữa, các chứng bệnh lui dần, duy chỉ còn chứng ho, mất tiếng là dai dẳng kéo dài đến tận giáp Tết Nguyên đán. Nhà vua phải xuống chiếu cho nhân dân cả nước xem ai biết môn thuốc gì chữa khỏi chứng ho kéo dài này sẽ được trọng thưởng.
Chiếu chỉ ban hành được vài ngày thì có một nông dân tên là Hoàng Quyết xin dâng lên nhà vua một vị thuốc dân gian, đó là quả quất luyện với đường phèn để chữa bệnh. Nhà vua bèn dùng thử thấy thuốc vừa chua, vừa ngọt, lại cay tê, đắng đắng, thơm mùi quất, chỉ trong hai ngày là khỏi bệnh.
Bài thuốc được phổ biến rộng rãi trong dân gian và từ đó, cây quất cũng được trồng và dùng làm thuốc chữa bệnh tại kinh thành Thăng Long.
Quất được dùng trong nhiều bài thuốc để chữa cảm ho, an thần, giải độc, kích thích tiêu hóa. Trong vỏ của quất, cam, quýt có chất tinh dầu giúp ngăn ngừa phát sinh ung thư gan, thực quản, đại tràng, da… Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết, ăn quất cả vỏ sẽ cho vitamin C, chất xơ rất có lợi cho tiêu hóa và hạ được cholesterol, làm vững chắc thành mạch, chữa bệnh tăng huyết áp.
Dưới đây là một số cách sử dụng quất trong làm đẹp và giữ gìn sức khỏe.
1. Quất chưng đường phèn trị ho, nước quất lợi tiểu giải độc
Bổ đôi quả quất, tách hạt rồi cho vào chén cùng đường phèn. Có thể hấp trong nồi cơm (ngay khi cơm cạn nước) hoặc hấp cách thủy. Sau khi hấp chín, lấy nước uống trị ho, giải cảm. Có thể ăn luôn cả quả quất sau khi chưng.
Hàng ngày có thể pha nước quất giống như pha nước chanh để uống thanh lọc cơ thể, nếu ăn được cả vỏ thì càng tốt.
2. Tăng cường sản xuất collagen
Quất chứa nhiều axit ascorbic hay vitamin C có tác dụng tăng cường miễn dịch và giúp tăng sản xuất collagen. Khi bôi nước quất lên da, có tác dụng làm mờ vết thâm và làm mới lại làn da.
3. Trợ giúp giảm cân
Nếu bạn đang cố gắng giảm cân thì uống nước quất mỗi ngày là một phương pháp hữu ích cho bạn. Nước quất giúp làm sạch các cơ quan trong cơ thể, ngăn ngừa táo bón, cải thiện chuyển động ruột và loại bỏ chất béo lưu trữ. Nó là thức uống bổ dưỡng lại ít calo, bạn nên uống trước bữa ăn để không ăn quá nhiều.
4. Làm trắng da
Người Việt Nam nói riêng, người châu Á nói chung thường bị ám ảnh bởi làn da rám nắng, quất có có thể làm trắng da với tác động nhẹ, tự nhiên và hiệu quả. Bạn có thể dùng lên mặt và cơ thể mà không lo kích ứng. Bôi nước quất 2 lần mỗi tuần trong thời gian ít nhất 2 tuần.
5. Ngăn ngừa bệnh răng miệng
Uống nước quất không chỉ làm tăng sức đề kháng của cơ thể mà còn ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng. Vitamin C trong nước ép quất ngăn ngừa viêm lơi, chảy máu lợi hoặc răng lung lay, ngăn chặn mảng bám và các vết bẩn bám lên răng.
6. Ngăn ngừa mùi cơ thể
Quất có thể ức chế tiết nhiều mồ hôi, ngăn chặn các vi khuẩn sinh mùi nhờ chất kháng khuẩn mạnh mẽ.
Bạn có 2 cách để ngăn mùi cơ thể là vắt nước vài quả quất trong nước tắm, chà một phần quả quất cắt đôi trực tiếp sẽ vừa ngăn mùi vừa làm trắng.
7. Loại bỏ gàu
Cọ xát quất trực tiếp lên da đầu có thể làm giảm ngứa, kích ứng, ngăn ngừa khô và loại bỏ các mảnh vụn. Ngoài việc loại trừ gàu, nước quất còn có tác dụng kích thích tóc mọc dày hơn.
8. Chữa đau họng, miệng khô, đau răng, lưỡi tê
Trái quất 500 g thái thành lát, phơi khô, cho vào lọ cùng 250 g chè xanh, đậy kín, để trong 1 tháng. Mỗi ngày dùng 25 g nước cốt hoà với nước ấm, chia 2-3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này còn có tác dụng giải rượu.
9. Chữa bệnh tiêu hóa
Đại tiện khó khăn, bụng trên đầy trướng: Trái quất 50 g, sắc uống trong ngày.
Dạ dày đau, thượng vị đầy tức, nấc, ợ hơi, chán ăn: Trái quất 500 g thái lát, trộn đều với 500 g đường kính trắng, cho vào lọ kín trong 2 tuần. Mỗi ngày 25 g nước cốt hoà với nước ấm, chia nhiều lần uống, dùng liên tục trong nhiều ngày.
Lưu ý: Không nên dùng quả quất từ cây quất cảnh, quất chơi ngày Tết, lý do là chúng có thể bị phun các loại chất kích thích, nhìn bề ngoài thì óng đẹp nhưng đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Tân Hạ tổng hợp
Xem thêm:
- Bí quyết tiêu viêm, thải độc, ức chế khối u… chỉ với vài hạt đu đủ mỗi ngày
- Trải nghiệm thần kỳ: Thiền định giúp nhà sư Tây tạng tự trị khỏi bệnh hoại tử mà không phải cưa chân
- Ngập chìm trong bóng tối bệnh tật, điều kỳ diệu gì đã giúp cô gái trầm cảm nặng tìm thấy ánh sáng cuộc đời?
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.