Những thay đổi về môi trường, xã hội, văn hóa sống của con người là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng căn bệnh trầm cảm ở Việt Nam.
Trong vài năm trở lại đây, “trầm cảm” là một căn bệnh không còn xa lạ với nhiều người, nhất là khi nó trở thành tác nhân trực tiếp gây ra không ít vụ giết người, tự tử làm xôn xao dư luận xã hội.
Những con số về tỉ lệ người mắc trầm cảm ngày càng tăng cao đến chóng mặt. Chúng ta thấy trẻ em độ tuổi dậy thì rơi vào trầm cảm, người đi làm stress trong công việc mà trầm cảm, phụ nữ sau sinh bị trầm cảm, người già về hưu trầm cảm. Căn bệnh này dường như không còn chừa một độ tuổi, tầng lớp nào trong xã hội.
Nhiều năm trước, chúng ta từng thấy căn bệnh ung thư trong phim Hàn Quốc là điều xa vời; một thời gian sau, chúng ta thấy ung thư ở khắp mọi nơi trên chính đất nước mình. Và chúng ta biết đó là kết quả của môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn… Với trầm cảm, chúng ta từng biết đến nó là một căn bệnh phổ biến ở phương Tây, thế nhưng tại sao trong vài năm gần đây, số lượng người trầm cảm ở nước ta lại tăng nhanh đến thế. Rất nhiều tài liệu đã chỉ ra nguyên nhân, dấu hiệu chung của trầm cảm nhưng vẫn chưa thực sự đặt trầm cảm vào bối cảnh Việt Nam để lý giải sự phát triển của căn bệnh này.
Áp lực xã hội
Đây là yếu tố được nhắc đến nhiều nhất trong các nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm. Trầm cảm được coi là một căn bệnh của nền văn minh, khi con người đánh đổi thời gian, sức khỏe, chịu đựng nhiều trách nhiệm, áp lực để có được cuộc sống hiện đại hơn, giàu có hơn.
Quốc gia nào mà người dân càng phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh kinh tế, chính trị thì càng có xu hướng mắc trầm cảm nhiều hơn. Áp lực học tập nâng cao trình độ, áp lực cạnh tranh trên thị trường việc làm, áp lực tìm được một vị trí trong xã hội đâu đâu cũng thấy người giỏi… tất cả trở thành nguyên nhân khiến con người luôn ở trong trạng thái căng thẳng. Con người thiếu khả năng cân bằng cuộc sống, nhiều áp lực không được giải thoát, căng thẳng lâu ngày bị đè nén sẽ trở thành “mầm mống” dẫn đến trầm cảm.
Văn hóa “cái tôi” lên ngôi
Hiện nay, dường như con người đang trở nên ích kỷ hơn, nghĩ cho bản thân nhiều hơn và có xu hướng đặt lợi ích bản thân lên trên tất cả. Lối sống này ngày càng thấy rõ ở thế hệ trẻ, và hậu quả của những thay đổi trong văn hóa này dẫn tới tính cố kết cộng đồng ngày càng thấp.
Ngoài ra, sự bùng bổ của internet khiến con người thích dùng mạng xã hội khẳng định bản thân thay vì tương tác thật với những người xung quanh. Thay vì giúp tăng kết nối thì chính smartphone, mạng xã hội lại làm cuộc sống con người ngày càng cá nhân hóa hơn, cô độc hơn.
Mặt khác, thông tin tiêu cực tràn lan trên các phương tiện truyền thông cũng gây ảnh hưởng tới cảm xúc, tâm trạng và thái độ sống của con người. Nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện trong thời gian gần đây đã chứng minh được mối liên quan giữa bệnh nghiện điện thoại, mạng xã hội với chứng trầm cảm; ví dụ như Nghiên cứu của Đại học Y Pittsburgh (Mỹ) cho thấy người trẻ sử dụng mạng xã hội thường xuyên dễ mắc và khó thoát khỏi bệnh trầm cảm.
Lạm dụng chất kích thích
Khi cuộc sống ngày càng căng thẳng, con người tự sẽ nảy sinh nhu cầu được giải toả, và bia, rượu, thuốc lá, các chất kích thích ngày càng được “ưa chuộng” để xả stress. Có một mối quan hệ hai chiều giữa trầm cảm với việc sử dụng chất kích thích.
Một mặt, việc có lối sống không lành mạnh, thường xuyên sử dụng bia rượu, các chất kích thích lâu ngày dẫn tới xáo trộn hormone trong cơ thể, thần kinh bị ảnh hưởng. Mặt khác, cũng có thể bản thân người bệnh gặp các rắc rối trong điều khiển cảm xúc nên sử dụng rượu, bia, chất kích thích để đi tìm cân bằng. Và sự lạm dụng lâu ngày này khiến căn bệnh trầm cảm càng trở nên trầm trọng hơn.
Những thông tin sai lệch về trầm cảm
Bạn sẽ có hơn 2 triệu kết quả sau 0.42s với từ khoá “trầm cảm” trên Google. Trong đó, sẽ có vô số bài chia sẻ về dấu hiệu nhận biết trầm cảm mà hầu hết ai đọc cũng sẽ thấy mình có một vài biểu hiện.
Việc không nắm rõ thông tin dẫn tới nhiều người ngộ nhận về tình trạng sức khỏe của chính mình hoặc đánh giá sai lệch bệnh tình của những người xung quanh. Người không mắc bệnh thì luôn nghĩ mình có bệnh, người có bệnh thì lại không được xã hội đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng, để rồi nhiều cá nhân đã tìm đến tự tử vì không được chữa trị kịp thời.
Người bệnh không biết đi đâu để chữa trị trầm cảm
Nhắc đến nơi chữa trầm cảm, người ta sẽ nghĩ tới khoa thần kinh của các bệnh viện lớn. Tâm lý e ngại khi phải đến “khoa thần kinh” để chữa bệnh, sợ thái độ dò xét của những người xung quanh khiến người mắc trầm cảm có xu hướng giấu kín tình trạng của mình. Và càng kìm nén lâu ngày thì tình trạng bệnh càng phát triển nặng hơn.
Hầu hết những bệnh nhân trầm cảm chỉ được đưa đi điều trị khi đã ở giai đoạn nặng. Trầm cảm là một căn bệnh tâm lý trước khi nó gây ra các rối loạn về thể chất, thế nhưng, trong bệnh viện, bệnh nhân sẽ được điều trị yếu chủ yếu bằng thuốc, như vậy là cái gốc của căn bệnh chưa được xử lý triệt để.
Ngay cả khi ý thức được cần phải điều trị về tâm lý, gia đình và người bệnh cũng gặp phải nhiều khó khăn để tìm được một chuyên gia tâm lý thực thụ. Trong thời điểm Tâm lý học chưa được coi là một ngành chính thức ở Việt Nam, những trung tâm tư vấn, trị liệu mở ra bởi những người thiếu kiến thức chuyên môn và đạo đức làm nghề có thể khiến tình hình sức khỏe bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn. Ở các nước phát triển, Tâm lý học có mã ngành riêng, được quản lý, giám sát bởi hệ thống các quy điều được công nhận bởi chính phủ, luật pháp. Chính nhờ vậy mà người dân được tiếp cận với các phương pháp chữa trị tâm lý một cách chính thống, an toàn hơn.
Chưa có khái niệm phòng bệnh tâm lý
Chúng ta mặc quần áo ấm để chống cảm lạnh, đánh răng mỗi tối để phòng sâu răng, tiêm vacxin phòng chống viêm gan… chúng ta ý thức rõ cần phải làm gì để phòng chống các bệnh về thể chất, thế nhưng không có nhiều người có khái niệm “phòng bệnh tâm lý”. Hầu hết chúng ta đều chờ bệnh đến để chữa chứ không tự tìm cách để bản thân không mắc bệnh. Như vậy, đối với sự bùng nổ “dịch” trầm cảm, chúng ta đang tìm cách sửa phần ngọn bị hỏng thay vì củng cố sức mạnh cho phần gốc rễ.
Chủ động xây dựng chế độ sống lành mạnh và thái độ sống tích cực chính là những vacxin tự nhiên phòng chống bệnh tâm lý hiệu quả nhất. “Đừng để trầm cảm tấn công bạn”, nếu bất cứ ai cũng có ý thức bảo vệ sức khỏe tinh thần thì những căn bệnh như trầm cảm đâu còn đất để “lộng hành”.
Minh Lan