Trầm cảm là rối loạn về cảm xúc, người bệnh trở nên buồn rầu, chán nản, mệt mỏi cảm thấy tương lai ảm đạm, thường gây ra sự suy giảm chức năng xã hội và công việc, nghề nghiệp, học hành. Mỗi năm ở Việt Nam có 5.000 người tự tử do trầm cảm, tuy nhiên ít ai để ý dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm này.

Bệnh trầm cảm khiến người bệnh luôn trong trạng thái buồn rầu, chán nản, không còn hứng thú gì trong cuộc sống, cảm thấy cô độc, ngủ không ngon, ăn nhạt miệng, làm việc không xong tới cuối, mặc cảm thua kém, khi rầu rĩ lâu ngày hay nghĩ đến cái chết.

Vài năm gần đây, trầm cảm có xu hướng tăng và trẻ hóa do áp lực cuộc sống, stress. Một số trường hợp trầm cảm thứ phát do bệnh lý.

Trầm cảm đang có xu hướng tăng và trẻ hóa do áp lực cuộc sống, stress. (Ảnh: Keywordsuggest.org)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố 10 năm qua tỷ lệ trầm cảm trên toàn cầu trong đó có Việt Nam tăng 18% và ảnh hưởng đến hơn 322 triệu người. Theo thống kế của WHO, bệnh trầm cảm cướp đi trung bình 850.000 mạng người mỗi năm. Đến năm 2020 trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 về gánh nặng bệnh lý toàn cầu, sau bệnh lý về tim mạch.

Ước tính, có khoảng 3 – 5% dân số thế giới có rối loạn trầm cảm rõ rệt. Tần suất nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời là 15 – 20%. Tuy nhiên, chỉ khoảng 25% người mắc trầm cảm được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Ở Việt Nam, WHO ghi nhận khoảng 5.000 người chết do tự tử vì bệnh trầm cảm. Dù không bị xã hội kỳ thị, xa lánh như bệnh tâm thần phân liệt, bệnh động kinh… nhưng trầm cảm lại mang dấu hiệu nguy hiểm khác, đó là suy nghĩ về cái chết, là ý tưởng tự tử.

Đã có nhiều trường hợp giết người rồi tự tử, mà nguyên nhân là do trầm cảm. Cụ thể như sát hại trẻ sơ sinh sau sinh; cha mẹ giết con; thanh thiếu niên giết cha mẹ; giết người cao tuổi; giết người hàng loạt.

Dấu hiệu trầm cảm

  • Luôn buồn chán, bi quan, mất quan tâm thích thú đối với các công việc hàng ngày và mất sự cố gắng trong lao động chân tay, trí óc, mệt mỏi, kiệt sức.
  • Khó tập trung, giảm chú ý, hay quên, giao tiếp kém linh hoạt.
  • Trằn trọc khó ngủ, thức dậy sớm hoặc thèm ngủ mà không ngủ được.
  • Cảm giác lo lắng vô cớ và ý nghĩ tội lỗi với người thân, tự ti, cảm thấy mình vô dụng, nghĩ ngợi liên quan đến chết chóc.
  • Có ý nghĩ và hành vi tự sát.
  • Chán ăn, không ngon miệng, sụt cân.
6 dau hieu canh bao benh tram cam
Cần hiểu biết về trầm cảm, hỗ trợ điều trị, giúp đỡ trong cuộc sống, duy trì thường xuyên các họat động trước kia của người bệnh. Hơn nữa, cần nhận biết các dấu hiệu cảnh báo tự tử, đánh giá nghiêm chỉnh về tự tử, ngay từ khi phát hiện bệnh nhân có ý nghĩ muốn chết.

Nguyên nhân trầm cảm

Một số nhà sinh lý học tin rằng nguyên nhân gây trầm cảm có thể nằm ở vấn đề di truyền. Hàm lượng chất dẫn truyền thần kinh serotonin thấp cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Theo một bác sĩ ở bệnh viện Tâm thần TP.HCM, lứa tuổi nào cũng thể mắc bệnh, nhưng phổ biến nhất ở độ tuổi từ 18 – 45, tỉ lệ nữ lớn gấp đôi nam.

Một số hoàn cảnh dễ dẫn tới trầm cảm:

  •  “Sang chấn tinh thần”, những cú “sốc” như mất người thân, áp lực công việc, khó khăn quá lớn, gãy đổ sự nghiệp, bất hòa kéo dài.
  • Học sinh, sinh viên quá nhiều bài vở, hẫng hụt, xuống sức học rồi đuối dần.
  • Người lớn tuổi biểu hiện phiền muộn đau đớn, chậm chạp, ít nói, quên lẫn; dễ lầm với bệnh già.
  • Người đã qua một thời gian hưng cảm: Quá tự tin, không cần ngủ, nói nhanh, bốc đồng “tài ba dỏm” (bệnh nhân loạn khí sắc lưỡng cực). Người bệnh tâm thần phân liệt cũng có thời gian bị trầm cảm.
  • Ngay sau sinh con, tỷ lệ không nhiều nhưng khá trầm trọng, phải phát hiện sớm.
Trầm cảm gặp ở phụ nữ sau sinh. (Ảnh: jellyplanet.co.za)

Làm gì khi thấy dấu hiệu trầm cảm

  • Không coi nhẹ triệu chứng trầm cảm, hãy kể hết triệu chứng cho bạn bè, cho người thân.
  • Khi phát hiện người thân bị trầm cảm phải trấn an, tìm hiểu, tìm cách quan tâm và giúp đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm sẽ tránh được cơn trầm uất, thất thần quẫn trí.
  • Đi khám bác sĩ chuyên khoa, uống thuốc rồi cũng phải theo dõi đề phòng triệu chứng nặng thêm.

Bạn bè và người thân trong gia đình chính là đường dây nối kết, yếu tố quan trọng trong chữa trị thành công bệnh trầm cảm. Cần hiểu biết về trầm cảm, hỗ trợ điều trị, giúp đỡ trong cuộc sống, duy trì thường xuyên các họat động trước kia của người bệnh.

Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo tự tử, đánh giá nghiêm chỉnh về tự tử, ngay từ khi phát hiện bệnh nhân có ý nghĩ muốn chết.

Phương Nam