Ngày nay, cùng với việc y học hiện đại phát triển thì càng nhiều sản phụ lựa chọn cho mình hình thức mổ lấy thai để tránh cơn đau khi chuyển dạ, hay ‘chọn giờ đẹp’ cho con. Tuy nhiên, các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều cảnh báo về việc ‘xin được’ đẻ mổ này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ sinh mổ ở các nước chỉ khoảng 10-15% trên tổng số ca sinh. Nhưng số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ các ca sinh mổ ở Việt Nam là 40% vì nhiều lý do khác nhau. Tại một số địa phương, con số này còn lên đến 60%, khiến nhiều chuyên gia lo lắng vì tác động đến lâu dài đến sức khỏe của mẹ và con không hề nhỏ.

Trong Hội nghị sản khoa Việt-Pháp, PGS.TS Vũ Bá Quyết – giám đốc BV Phụ sản TW cho biết, tỉ lệ sản phụ được bác sĩ mổ phẫu thuật lấy thai chủ động ngày càng nhiều. Trong số 10 bà bầu nhập viện để chờ sinh thì có 9 người xin bác sĩ được đẻ mổ.

(Ảnh: aFamily)

Nghiên cứu của PGS.TS Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc BV Phụ sản TW và các cộng sự về “Nhận xét thực trạng mổ lấy thai tại BV Phụ sản TW năm 2017” tại hội nghị cho thấy, trong số 21.722 các trường hợp đẻ tại BV Phụ sản TW năm 2017, có gần 11.200 (chiếm gần 55%) các trường hợp phẫu thuật mổ lấy thai. Trong số các ca phẫu thuật lấy thai có hơn 55% phẫu thuật chủ động.

Số liệu từ nghiên cứu này so với các nghiên cứu trước đây thì tỉ lệ đẻ mổ đã tăng lên đáng kể so với nghiên cứu năm 1997 là 25,2% và năm 2004 là 37%, năm 2012 là 23%. Tỉ lệ mổ đẻ ở Việt Nam cao hơn nhiều so với thế giới như Mỹ: 32%, Anh: 26%. Trong đó các yếu tố làm tăng tỉ lệ phẫu thuật lấy thai chủ động là do sản phụ từng mổ đẻ, hỗ trợ sinh sản, song thai…

Dù tỉ lệ tai biến do phẫu thuật lấy thai có giảm nhờ tiến bộ của khoa học. Tuy nhiên việc lạm dụng quá mức các chỉ định phẫu thuật lấy thai cũng có những bất lợi nhất đinh, ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh như chảy máu, nhiễm khuẩn vết mổ… hay các nguy cơ có thể gặp về sau như rau cài răng lược, chửa vết sẹo mổ… hay các tai biến cho trẻ sơ sinh như suy hô hấp sau mổ.

Một số bất cập và tác hại của việc sinh mổ đối với mẹ

  • Kéo dài thời gian nằm viện sau sinh: đẻ thường chỉ mất 1 – 2 ngày trong khi đó đẻ mổ lại mất 5 – 7 ngày, kèm với nó là gia tăng chi phí nằm viện.
  • Nguy cơ nhiễm trùng tăng cao: tăng nguy cơ nhiễm trùng ở vết thương mổ đẻ, trong tử cung hoặc trong cơ quan vùng chậu khác như bàng quang, ruột, tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa khác.
  • Mất máu và xuất huyết: ảnh hưởng tới quá trình phục hồi sức khỏe và thể trạng các bà mẹ sinh mổ sau này.
  • Trong quá trình phẫu thuật lấy thai có nguy cơ chấn thương các cơ quan khác trong ổ bụng.
Sinh mổ gây ra nhiều tác hại đến mẹ. (Ảnh: chamsocsuckhoeviet.com.vn)
  • Những lần mang thai tiếp theo bắt buộc phải sinh mổ.
  • Tăng các biến chứng mang thai lần sau: Nguy cơ vô sinh thứ phát, mang thai ngoài tử cung và sảy thai, thai chết lưu không rõ nguyên nhân trong những lần mang thai tiếp theo cũng tăng cao hơn.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung.
  • Ảnh hưởng của các loại thuốc vào cơ thể: Bao gồm thuốc gây mê, kháng sinh… vào cơ thể trong quá trình phẫu thuật mổ lấy thai và sau sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ, cũng như nguồn sữa cung cấp cho cơ thể bé.

Tác hại của việc sinh mổ đối với con

  • Trẻ sinh mổ dễ mắc các chứng bệnh như vàng da, mất nước, nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi, phế quản mãn tính, hen suyễn, hệ tiêu hóa yếu, tiểu đường tuýp 1, sâu răng do không được tiếp nhận một số loại hormon có lợi trong quá trình chuyển dạ.
  • Sức đề kháng, hệ miễn dịch kém hơn do được bú sữa mẹ muộn hơn trẻ sinh thường (người mẹ sinh mổ thường xuống sữa sau 1 tuần).
Trẻ sinh mổ cũng gặp nhiều rủi ro. (Ảnh: CafeBiz)
  • Việc sinh mổ cũng khiến mối quan hệ tình cảm giữa mẹ và con có phần hạn chế.
  • Nhiễm độc thuốc gây mê: Cho dù ca mổ thường được tiến hành rất nhanh nhưng thuốc gây mê cho mẹ cũng rất dễ ngấm vào cơ thể trẻ. Trẻ bị nhiễm thuốc mê của mẹ có thể ngủ luôn, mất phản xạ khóc. Điều này dễ gây ra suy hô hấp, nhiễm trùng hô hấp sau này.

Không thể phủ nhận rằng, nhờ tiến bộ của y học nhiều sản phụ đã hạn chế được cơn đau của quá trình “vượt cạn”, hạn chế được một số tai biến có thể gặp phải ở sản phụ có tiền sử mắc bệnh tim, cao huyết áp, xương chậu nhỏ hay thai nhi lớn… Nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh đã thoát khỏi lưới hái tử thần nhờ kỹ thuật mổ lấy thai.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình sinh là hiện tượng sinh lý tự nhiên của phụ nữ mang thai khi chuyển dạ. Vì vậy không có lý do gì không thuận theo tự nhiên. Sinh mổ được chỉ định theo nhận định của bác sĩ, một khi sản phụ không thể sinh tự nhiên hoặc có vấn đề đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi mà phải chấm dứt thai kỳ sớm.

Yến Dương