Sau bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, 4 bệnh viện tại TP. HCM, đã xin thí điểm mô hình cấp cứu ngoại viện bằng xe máy.
Ngày 27/11, sơ kết 3 tuần thí điểm mô hình cấp cứu xe máy, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Sài Gòn trao đổi với Thanh Niên, từ ngày 7/11 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 67 ca cấp cứu ngoại viện, trong đó 26 trường hợp cứu thương bằng xe máy. 9 ca kíp cấp cứu xử trí, kê toa tại chỗ, 17 bệnh nhân sau khi sơ cứu phải chuyển đến các bệnh viện bằng ôtô cứu thương.
Mô hình cấp cứu bằng xe máy cho thấy rõ tính hiệu quả cơ động, phù hợp với các trường hợp nhà bệnh nhân trong hẻm nhỏ hoặc trong giờ cao điểm, đảm bảo bác sĩ tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất và sẵn sàng phương tiện chuyển viện sau đó. Thời gian kíp cấp cứu tiếp cận bệnh nhân bằng xe máy trung bình khoảng trong 5 phút kể từ khi nhận cuộc gọi.
Một số trường hợp bác sĩ đi xe máy đến nhà sơ cấp cứu bệnh nhân trước, nếu cần chuyển viện sẽ gọi báo trung tâm cấp cứu điều phối xe cứu thương đến hỗ trợ.
Chỉ trong vòng 3 tuần thí điểm, số ca cấp cứu ngoại viện tăng 30% nên lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đã đề nghị trang bị thêm dụng cụ máy sốc tim, máy đo điện tim, máy thở, thuốc…
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho biết, thành phố sẽ tiếp tục thí điểm mô hình cấp cứu bằng xe máy trong 1-2 tháng nữa để hoàn thiện quy trình, tính toán giá cả hợp lý trước khi triển khai diện rộng. Mới đây, 4 bệnh viện quận gồm bệnh viện Quận 1, Quận 2, Quận 4 và Quận Thủ Đức đã xin thí điểm.
Trước đó, ngày 7/11 Sở Y tế TP đã thí điểm mô hình cấp cứu bằng xe máy tại trạm cấp cứu vệ tinh – Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.
Xe cứu thương được trang bị hai “tủ thuốc” với đầy đủ các loại thuốc, trang thiết bị cần thiết cho một ca cấp cứu khẩn cấp như thuốc an thần, dung dịch truyền, thuốc chống loạn nhịp, bộ đặt nội khí quản, ống bóp, kim tiêm, máy xốc điện, máy đo điện tim…
Đội ngũ cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn có 24 người, gồm 5 bác sĩ, 13 điều dưỡng và 4 tài xế, hoạt động 24/24 với mục tiêu tiếp cận nhanh nhất để sơ cấp cứu đảm bảo “giờ vàng” cấp cứu người bệnh.
Cũng trong tháng 10 vừa qua, Trung tâm Cấp cứu 115 triển khai đồng phục mới thay cho áo blouse, giúp thuận tiện cho việc sơ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân.
Hiện, thành phố đang thử nghiệm hệ thống điều hành cấp cứu thông minh, hướng đến đào tạo chuyên viên cứu thương paramedic (ngoại viện) và phát triển nhiều loại xe cấp cứu, theo Tuổi Trẻ.
(Tổng hợp)