Vô sinh hiếm muộn hiện vẫn là một thách thức lớn của y học hiện nay. Không ít các cặp vợ chồng loay hoay chạy chữa, thụ tinh ống nghiệm nhưng vẫn thất bại. Kỳ thực, trong y học cổ xưa đã bàn về vấn đề này và đưa ra nhiều phương thuốc chữa hiếm muộn rất hiệu quả cho những cặp vợ chồng gặp khó khăn đường con cái.

Lần tìm các sách cổ của bậc danh y có tâm đức, những người chẳng màng danh lợi, chỉ một lòng tâm huyết với nghề, chúng tôi tìm thấy những y lý cao minh, biện luận tinh tường, dược phương xác thực, tất cả các phép chẩn trị đều áp dụng đạo lý âm dương ngũ hành mà đối chứng lập phương rất tinh kỹ và kỳ diệu.

Nam khoa – Nữ Khoa của tác giả Phó Thanh Chủ là một quyển sách điển hình nổi tiếng thời nhà Minh được các danh y xem là “gia bảo truyền kế”. Trong đó vấn đề thụ thai và sinh đẻ được đề cập một cách tỏ tường, với góc nhìn biện chứng minh xác kèm với các phương thang thực dụng, mang lại cho bạn đọc nhiều thụ ích.

Sơ lược về tác giả

Phó Thanh Chủ – Ông họ Phó tên Sơn tự là Thanh Chủ, người đất Thái Nguyên (Trung Hoa), sống vào cuối đời nhà Minh, một người có hoàn cảnh và sự nghiệp cũng in như Đức Y Tổ Hải Thượng Lãn Ông của chúng ta. Mặc dù mấy triều Vua trọng dụng, cũng chỉ một lòng lui về nghiên tinh y đạo. Cha ông làm Minh Kinh (Giáo sư) dạy học trò hiệu là Ly Cốc tiên sinh, Tổ là Lâm, làm quan Sơn Đông Liên Hải Tham Nghị.

Các vị Y Đức xưa có chí lớn thường chọn cuộc sống đạm bạc thanh bần và trọng Đạo. (Ảnh: tinhhoa.net)

Phó Sơn sinh ra khôn sáng lạ thường, đọc sách 10 hàng chữ một lượt, nhìn qua là thuộc lòng. Là người có hiếu nổi tiếng: khi thân phụ Ông là Chi Mô bệnh nặng, sớm hôm ông ngửa mặt cầu Trời, xin đem thân mình để thay cha. Cứ như vậy, sau một tuần mà thân phụ ông khỏi bệnh. Người ta bảo: cái sự hiếu của Phó Sơn đã thông cảm đến thần minh. Khi 27 tuổi vợ mất để lại cho ông người con 5 tuổi Phó My, ông ở vậy nuôi con mà không một hầu thiếp.

Mỗi khi đọc sách lại được 2 vị Vương thần phù trợ, nên tất cả cổ kim thư tịch bách gia chư tử đều bao gồm thông suốt, lại giỏi về hội họa, tinh thông y thuật của Huỳnh đế, Kỳ bá (các tác gia của Hoàng Đế Nội Kinh), sâu rộng mạch lý. Năm Mậu Ngọ đời Khang Hy, Đinh thần là Giao Chương tiến cử, được chiếu chỉ ban ông làm Bác học hoành từ nhưng vẫn lấy cớ là lão bệnh mà xin từ cáo, chọn cuộc sống đạm bạc thanh bần. Những sách của ông để lại có: Tính sử thập tam kinh tự khu, Chu dịch ngẫu thích, Chu lễ âm biện điều, Xuân thu nhân danh vận, Địa danh vận và Lưỡng hán nhân danh vận.

Mạnh Tử Dư có câu: “cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ” (Con người ta ở đời, khi gặp lúc “vận cùng” là lúc bất đắc chí thì đem đức nghĩa mà làm hay cho mình, khi được lúc “vận đạt” là lúc đắc chí thì đem đức nghĩa mà làm hay cho cả thiên hạ). Điều này đúng với vị trí của tác giả – Phó Thanh Chủ tiên sinh, người có hoài bão thương trời thương người nên cầm giữ một tâm niệm là yêu người yêu vật. Tiên sinh ra đời gặp lúc thời thế loạn ly mà âm thầm dốc một lòng đem y đạo truyền lại cho đời.

Nữ khoa – Chủng tử (Trồng giống cầu con)

Nữ khoa là một quyển sách giá trị đề cập đến các vấn đề quan tâm thiết yếu như: kỳ kinh, thụ thai, thai nghén và sinh đẻ. Trong đó các chứng bệnh đều được nói rõ, bệnh nào, lý do gì và dùng thuốc như thế nào. Chủng tử là một chương trong cuốn Nữ khoa, đề cập 10 nguyên nhân phụ nữ khó thụ thai một cách rõ ràng minh xác, từ đó giúp người bệnh hay thầy thuốc lựa chọn cho mình các phương thang phù hợp. Mời bạn đọc cùng tham khảo:

1. Người gầy không thụ thai

Người gầy huyết hư thường khó thụ thai. (Ảnh: big.vn)

Phụ nữ có người thân thể gầy còm, lâu năm không mang thai sinh đẻ, hễ mỗi lần sinh hoạt vợ chồng, thì thân thể bị mệt nhọc. Vì huyết tàng ở Can (mộc), tinh chứa ở Thận (thủy), Thận tinh tiết ra là bởi Can khí dẫn xuống. Thận tinh đã tiết ra rồi, thì Can bị khô, không còn được chịu sự tưới mát của Thận nữa, cũng giống như nước mất nhiều rồi thì cây khô héo vậy. Bởi Thận là mẹ của Can (Thận thủy sinh Can mộc), mẹ đã bị tiết tinh đi thì không thể còn nước để phân chia mà tưới bón nuôi con được.

Như thế thì cây khô là bởi thiếu nước. Đã khô mà lại thiếu nước tất sinh hỏa, mà cái hỏa ấy cứ khuấy động âm thầm để đốt cái tinh khí của Thận cho khô cạn. Bởi vậy, Thận tinh hư thì Can huyết cũng hư khiến thân thể ngày càng hao kiệt.

Huống chi, người gầy đã mang sẵn cái tính chất “đa hỏa” trong cơ thể. Nay lại tiết mất cái tinh đi thì nước càng thiếu. Nước đã càng thiếu mà lửa lại càng cháy thì thủy cạn dần. Tóm lại chỉ bởi người gầy, huyết ít thì càng hay động hỏa, hỏa động mạnh càng dễ tẩu tiết chân tinh. Cái hỏa đã hư lại táo ấy làm cho huyết hư, nên khó sinh sản.

Phép trị nên đại bổ Thận thủy mà bình Can mộc, thủy vượng thì huyết vượng, huyết vượng thì hỏa tiêu, nhờ vậy mà dễ thụ thai.

Phương thang: Thục địa 01 lượng, Sơn thù du 05 đồng cân (sao chín), Đương quy 05 đồng cân (lấy rượu rửa), Bạch thược 05 đồng cân (tẩm rượu sao).

Lấy nước sắc uống, mỗi ngày một thang trong 3 tháng, cơ thể khỏe mạnh mà thụ thai.

Phương thuốc này chẳng những bổ huyết mà còn bồi đắp chân tinh cho Thận. Âm tinh mà đầy đủ thì tử cung mới dễ chiêu nạp dương tinh (người nam), âm huyết đầy đủ thì tử cung mới dễ cầm giữ dương tinh.

Chú ý: Uống thuốc này nên tiết dục 3 tháng để tâm hồn yên tĩnh, tinh thần thanh thản sảng khoái thì không có lý do nào mà không mang thai. Nếu luôn luôn tham dục thì chắc chắn không hiệu nghiệm.

2. Người béo không thụ thai

Người béo đàm thấp nhiều dễ ngăn cản quá trình nhận dương tinh để thụ thai. (Ảnh: baomoi.com)

Lại có người thân thể béo tốt tuyệt nhiên không ốm đau gì mà chẳng thụ thai. Người ta cho kẻ ấy là khí huyết quá ư đầy đủ, chứ ai biết người đó bởi bệnh thấp nhiều mà chân khí hư.

Người béo là sẵn có thấp khí ở trong người, ta thường thấy những người mắc bệnh thấp rất nặng ấy phần nhiều là người béo, mà người béo thì phần nhiều là lắm đàm lắm dãi, bề ngoài coi khỏe mạnh mà bên trong thật là yếu ớt.

Trong đã yếu thì chân khí suy, khí suy thì thấp khí càng không lưu hành. Thấp khí không lưu hành đi, thế tất nhiên nó ở lại mà thấm vào trong bào thai, lâu ngày, nhiều tháng, bào thai sẽ thành một cái hang đầy dẫy nước.

Vả chăng, người phụ nữ béo, trong bụng ắt đầy những thịt và mỡ làm cho tử cung bị che lấp, bị ngăn cách không chịu lấy dương tinh của người nam, lại thêm cái bệnh thủy thấp nặng quá càng dễ biến hóa cái tinh ấy ra nước.

Phép trị tất nhiên phải “tiết thủy, hóa đàm” làm chủ. Nhưng nếu chỉ tiết thủy hóa đàm mà không cấp bổ tỳ vị thì dương khí không vượng lên mà thấp đàm cũng chẳng tiêu đi.

Phương thuốc: Bổ trung ích khí thang gia vị: Nhân sâm 03 đồng, Hoàng kỳ 03 đồng (dùng sống), Bạch truật 02 lượng (tẩm hoàng thổ sao), Đương quy 03 đồng (lấy rượu rửa), Cam thảo 01 đồng, Sài hồ 01 đồng, Thăng ma 04 phân, Trần bì 05 phân, Phục linh 05 đồng, Bán hạ chế 03 đồng.

Lấy nước sắc uống, uống 8 thang, đàm dãi tiêu hết, lại uống 10 thang, thủy thấp ở bào thai thông lợi ra, thì tử cung khô ráo dễ chịu lấy dương tinh mà có thai.

Phương thuốc này rất hay ở chỗ Tỳ khí đưa ngược lên trên để làm mây mưa thì thấp thủy sẽ trở xuống dưới mà thông lợi ra, giúp Vị khí thông tiêu ở dưới để sinh tân dịch thì đàm dãi sẽ chuyển lên trên mà tiêu hóa đi. Bất tất phải dùng đến những vị thuốc mài gọt để giảm sức béo, mà sức béo vẫn không trở ngại; bất tất phải dùng đến những vị thuốc khai phá để lợi thai khiếu, mà thai khiếu vẫn hay thông lợi. Như thế thì dương khí đầy đủ, thấp đàm tiêu tán, tự nhiên nhận lãnh hạt giống thì còn lo gì không thụ thai.

(Còn tiếp)

Nguồn tham khảo: Nam Khoa – Nữ Khoa Trị Bá Chứng, Tác giả: Phó Thanh Chủ

Minh Hoàng