Gia đình chị Hạnh và anh Sỹ (Tp.HCM) đang có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc hơn bao giờ hết dù họ vừa trải qua một trận sóng gió tưởng không thể hàn gắn. Phương thuốc cứu vãn cho cuộc hôn nhân này là bắt nguồn từ một câu nói: “Chồng hay người yêu bạn không phải là người tệ bạc như bạn nghĩ, chỉ là bạn không cho anh ta cơ hội làm người tốt”.
Vợ chồng chị Hạnh kết hôn năm 2013. Giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân họ sống trong hạnh phúc. Đứa con đầu lòng ra đời được 6 tháng, chị lo lắng khi phát hiện mang bầu bé thứ 2, còn gia đình chồng lại vui mừng vì “có nếp có tẻ”.
Sinh con thứ 2, cuộc sống hôn nhân của đôi vợ chồng bước sang một ngã rẽ khác. Những gánh nặng về kinh tế, công việc… làm mọi thứ quay cuồng và họ bắt đầu rơi vào khủng hoảng hôn nhân. Vợ chồng chị Hạnh lại không biết chia sẻ với nhau và xoay xở cho hợp lý mà ai biết việc của người đó, dẫn đến thường xuyên dằn vặt, gắt gỏng. Năm thứ 3, đôi vợ chồng mâu thuẫn đến mức đỉnh điểm, anh Sỹ chán về nhà, còn chị Hạnh buồn tủi bức bách trong người, nhìn thấy nhau là vùng vằng, gắt gỏng, thậm chí đập phá đồ đạc như cơm bữa.
Năm thứ 4 hôn nhân trở nên nhạt nhẽo, họ không còn quan tâm đến nhau, mặc kệ mọi thứ đang diễn ra. Đến khi “tức nước vỡ bờ” chị Hạnh xù lông lên như một con nhím và văng ra những câu chửi chồng ngoa ngoắt – người mà chị từng rất mực yêu thương . Đến nỗi mẹ đẻ chị còn phải van xin đừng mắng chửi và bảo chị ăn nói như không có người dạy.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn gia đình khiến chị Hạnh không thể chịu đựng được nữa, thấy chồng nhậu cùng bạn, chị đập đồ ngay trước mặt họ. Sau đó, 2 vợ chồng cãi nhau, gào khóc ầm ĩ cả chung cư. Lúc đó, chị Hạnh như nổi cơn thịnh nộ, không còn biết xấu hổ và cũng chẳng quan tâm đến sự bàn tán, ánh mắt nhòm ngó của mọi người xung quanh. Khi tỉnh táo trở lại, người vợ ấy mới đau đớn và không ngờ rằng mình lại có thể nói ra được những câu chửi ngoa ngoắt như vậy. Trong đầu chị nghĩ đến 2 từ: Ly hôn. Sau đó, chị thông báo với chồng rồi tự đi làm giấy tờ, lên tòa nộp đơn và dắt díu 2 con dọn ra ngoài ở.
3 mẹ con thuê phòng trọ gần công ty để chị đi làm cho tiện, song chị tiếp tục rơi vào cô đơn khi phải một mình vun vén, chăm sóc các con. 2 đứa trẻ chưa hiểu chuyện cứ tối đến hỏi mẹ: “Sao ba không ở đây với mình hả mẹ?”... khiến chị trằn trọc, băn khoăn suy nghĩ “hay là không ly hôn nữa?”. Một tháng trôi qua, chị thấy cuộc sống có vẻ ổn hơn và dành thời gian tập yoga, viết nhật ký; còn 2 đứa trẻ cũng quen dần và vui vẻ đi học trường mới. Tối đến 3 mẹ con dẫn nhau đi dạo giúp tinh thần của chị khá hơn trước nhiều.
Trong giai đoạn khủng hoảng của cuộc hôn nhân, chị Hạnh đi học lớp kỹ năng, viết về những người mình biết ơn. Bên cạnh đó, chị còn học 1 khóa học khác về tích cực giao lưu với những người bạn trong lớp. Sau buổi học thứ 2 tràn đầy năng lượng, chị quyết định về nhà gặp chồng, mở lòng nói lại tất cả những gì học được cho chồng nghe. Chị Hạnh kể, 5 năm chung sống, lần đầu tiên họ ngồi nói chuyện với nhau 2 tiếng thẳng thắn mà không cầm điện thoại, không lảng chuyện.
3 ngày liên tiếp sau khóa học như mở ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời khi nghe thầy nói về bản chất vấn đề chị đang gặp phải. Chị Hạnh hiểu bản thân không đáng chán như mình nghĩ và chồng cũng không tệ như mình lầm tưởng. Chỉ khi hiểu được chính mình mọi chuyện mới trở nên dễ dàng. Theo chị Hạnh, những mâu thuẫn trong cuộc sống đều do mình tạo ra rồi tự dày vò khiến bản thân đau khổ và nhiều lúc không kiềm chế được cảm xúc. Nếu như trước đây chị toàn đổ lỗi cho chồng sai thì giờ đây biết tự nhận mình cư xử hung dữ, khiến chồng cũng phải thất vọng.
Chị cũng không còn có tâm lý phòng thủ như trước mà chia sẻ nhiều hơn với chồng về những thứ tiếp thu được từ khóa học. Nhờ những câu chuyện đó mà tình cảm của họ dần nối lại, anh Sỹ cũng qua phòng trọ đưa đón con đi học và ngủ lại ở đó. Anh cũng nói cho chị biết quan điểm của mình, sum vầy hay ly hôn là quyết định của vợ nhưng luôn mong gia đình đoàn tụ.
1 tháng sau, mẹ con chị Hạnh trở về nhà, anh chồng cũng không còn đi nhậu, có đi thì chị cũng vui vẻ đồng ý. Trước đây có những việc anh chả bao giờ làm, giờ biết giúp vợ làm việc nhà, nấu cơm, chăm con… để chị có thời gian tập yoga. Hiện tại, chị Hạnh thấy cuộc sống gia đình của mình hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Câu nói của người thầy đã làm chị Hạnh khắc cốt ghi tâm và cứu vãn cuộc hôn nhân: “Chồng bạn hay người yêu bạn không phải là người tệ bạc như bạn nghĩ, chỉ là bạn không cho anh ta cơ hội làm người tốt”.
Sau những sóng gió của hôn nhân, chị Hạnh rút ra bài học và chia sẻ cho mọi người, kể cả người có hay chưa có gia đình cũng nên đọc:
Giao lưu với những người tích cực: Nếu bạn chia sẻ chuyện của mình với ai mà người đó nói “Ôi nếu tao là mày tao sẽ tức chết mất. Cái thằng đấy thật khốn nạn”, tốt nhất dừng nói chuyện ngay với họ. Những người như vậy thường có suy nghĩ tiêu cực, còn người tích cực sẽ giúp bạn thoát khỏi cơn thịnh nộ, truyền năng lượng và hướng bạn tới suy nghĩ lành mạnh.
Thành thật với cảm xúc: Khi gặp vấn đề rắc rối không nên cố gắng kiềm chế, nín nhịn khiến bạn trở thành người hay càm ràm, dễ cáu gắt, nổi nóng.
Biết tha thứ: Tha thứ cho người làm bạn tổn thương và tha thứ cho chính mình. Tha thứ cho người khác không khó mà tha thứ cho chính mình mới khó. Hãy tha thứ cho bản thân trong quá khứ và sống trong hiện tại.
Hãy là chính mình: Người ta thường tung hô những người phụ nữ hiện đại hoặc thông minh, khéo léo hoặc ngây thơ, ngọt ngào, biết nhõng nhẽo, biết đòi hỏi… Chúng ta không cần phải cố gắng để đạt tới những điều đó vì nó sẽ làm mình thêm mệt mỏi và tự ti. Chỉ cần hiểu, yêu thương bản thân và biết lắng nghe nhu cầu của mình, cân bằng chính mình chứ không cần phải chạy theo những thứ ở bên ngoài, bởi chỉ cần đứng im, mọi thứ sẽ xoay quanh bạn.
Học hỏi và nâng cấp bản thân: Thay vì cứ mãi chìm đắm trong những đau khổ, tuyệt vọng, chúng ta nên dành thời gian và tiền bạc để ra ngoài trải nghiệm, học tập. Khi vượt lên được chính mình theo hướng tích cực, chồng và con cũng được thay đổi theo.
Mỹ Duyên