Căng thẳng có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Người ta bảo nhau phải nhanh nhanh một chút, nhanh chóng giải quyết vấn đề. Nhưng kỳ thực, những “bất ổn” sẽ tự nó… ổn thỏa khi chúng ta sống chậm lại một chút.
Khi còn nhỏ, tôi thường hay sang nhà ông chơi. Dù giờ đây ông tôi đã qua đời, nhưng tôi luôn nhớ ấn tượng của mình về ông là một người rất “mạnh mẽ”. Tôi không thấy ai có thể chọc giận ông cả, khi gặp những phiền phức ông chỉ cười.
Một lần tôi hỏi ông, ông trả lời tôi: “Hãy chậm một chút, chậm một chút con ạ”.
Tôi cố chấp hỏi ông: “Vậy nếu ai chọc giận con, con sẽ phải đi chậm lại ạ?”.
Ông chỉ cười lớn trước tính trẻ con của tôi.
Tôi nghĩ mình tuy đã trưởng thành nhưng vẫn là đứa trẻ hiếu thắng như ngày nào. Cái điều “chậm một chút” mà ông tôi bảo dường như quá xa vời trong thế giới hiện đại rồi. Ngày xưa ông đi xe đạp còn chậm chậm được, ngày nay chúng cháu đi xe máy, xe hơi thì cần nhanh nhanh hơn, những điều khác cũng tương tự như thế. Nhưng rồi, có những chuyện xảy ra làm tôi phải suy ngẫm lại lời ông đã nói.
Câu chuyện thứ nhất
Cháu gái tôi vừa tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu và nhận được công việc ở một công ty có tiếng. Sau một thời gian, cháu phàn nàn với tôi rằng cháu làm việc chưa hiệu quả, điều mệt mỏi nhất là cháu luôn cảm giác bị sếp đánh giá, nghi ngờ năng lực. Trong khi đó, người sếp này là bạn của chồng tôi, một hôm tôi nghe chồng mình kể lại rằng người sếp đó rất cảm thông cho cháu tôi và lo rằng cháu chịu áp lực khi chưa biết cách hoàn thành công việc hiệu quả.
Thế nhưng, cháu gái tôi đã xem ánh mắt cảm thông của người sếp là ánh nhìn soi mói, xem lời động viên của bà là lời thúc giục và kỳ vọng cao, và xem cơ hội học hỏi từ những điều khó khăn mới mẻ thành một loại áp lực khủng khiếp không thể vượt qua được.
Tôi nhớ một câu nói của Benjamin Franklin rằng: “Phần lớn những nỗi thống khổ của nhân loại đều do con người tự gây ra vì đánh giá nhầm giá trị của nhiều điều”.
Tôi tự hỏi, mình đã bao nhiêu lần cũng cảm thấy như thế từ những người, những sự việc quanh tôi? Những gián cách vô hình khiến chúng ta rời xa nhau như thế… Có lẽ từ nay, tôi cần chậm lại một chút để suy xét mọi việc xung quanh.
Câu chuyện thứ hai
Chồng tôi làm việc trong lĩnh vực đòi hỏi giao tiếp xã hội nhiều, và những cuộc giao tiếp thường diễn ra trên… bàn nhậu. Vì anh hay ra ngoài và say xỉn khi trở về, tôi dần có ác cảm với chồng mình. Có nhiều lần, tôi hay hỏi anh rằng đó là vì công việc của anh hay vì anh thích tiệc tùng ăn nhậu, chẳng lẽ không thể từ chối được hay sao.
Một hôm, tôi vô tình chứng kiến một việc. Có một đối tác nào đó gọi điện mời chồng tôi ra ngoài, tôi nghe thấy anh từ chối. Một lát sau, người này lại gọi, lần này chồng tôi vẫn từ chối nhưng khó khăn hơn nhiều. Điều khiến tôi ngạc nhiên là một lúc sau, một người khác trong nhóm tiệc tùng đó lại gọi mời chồng tôi ra ngoài, tôi thấy chồng mình khổ sở với những lý do chối từ và những lời giải thích.
Trong lòng tôi bỗng thấy thương cảm chồng mình đến lạ, không có nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào cả. Tôi từng nghĩ mình chịu nhiều thiệt thòi khi phải vất vả lo lắng việc nhà, việc con cái, còn chồng mình thì vui vẻ, thoải mái ra ngoài tiệc tùng. Giờ đây, tôi biết rằng những ích kỷ, hoài nghi như thế chính là liều thuốc độc giết chết hạnh phúc gia đình.
Người đàn ông của tôi có lẽ đã chịu đủ những áp lực từ công việc và xã hội để nuôi sống gia đình rồi, xem ra những trách móc của người vợ như tôi thật quá hẹp hòi và khiến anh chịu nhiều khổ tâm.
Câu chuyện thứ ba
Tôi là một giáo viên bộ môn, và tôi nghĩ mình đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tận tâm chỉ bảo các em học sinh. Nhưng có một lần, một em học sinh tỏ ra lơ đễnh, học hành sa sút trầm trọng, ăn mặc rất lôi thôi. Tôi nhắc nhở không được, khuyên bảo, hỏi han thì em ấy trơ ra như người mất hồn, và nhìn tôi bằng ánh mắt ngoan cố.
Có một lần, tình trạng của em quá tồi tệ khiến tôi muốn “bốc hỏa”. Tôi đang cố nghĩ ra biện pháp giải quyết tình hình thì cô chủ nhiệm bước vào và bảo tôi: “Lại thằng bé này nữa, em trai nó mới mất chị ạ, từ cái hôm ấy nó cứ như thế…”
Cái câu “em nó vừa mới mất” như một mũi dao cứa vào tim tôi. Tôi bỗng thấy mình vội vã và độc ác biết chừng nào! Mặc dù tôi chưa kịp hành động, nhưng tâm trí tôi gần như đã sẵn sàng cho những lời trách phạt nặng nề nhất, thậm chí tôi còn muốn dùng hình phạt đòn roi. Hình ảnh đứa bé nhem nhuốc, cứng đầu trước mặt tôi giờ đây trở nên đáng thương và cần được yêu thương biết nhường nào.
Chỉ một chút nữa thôi tôi đã phạm phải một sai lầm, phạm vào đạo đức của nghề giáo cũng như lương tâm con người. Tôi bỗng thấy yêu thương những đứa trẻ vô cùng, có những cháu nghịch phá, có những cháu ăn mặc lôi thôi, có những cháu có vẻ biếng nhác, có những cháu tỏ vẻ lì lợm… nhưng mỗi đứa trẻ đều có một hoàn cảnh, một tâm trạng, tâm sự nào đó đáng được quan tâm, chia sẻ. Và tôi biết rằng, khi mình không thấy được những bức tranh thật sự ẩn đằng sau những gương mặt đó, tôi cần sức mạnh của cảm thông, thấu hiểu, và yêu thương để vượt qua mọi thứ.
Tôi dặn lòng hãy chậm lại một bước thôi, chậm thêm một bước nữa, một bước nữa… trước khi vội vàng nhận định, phán xét, áp đặt quan điểm, cảm xúc của mình lên một ai đó, để tránh những hoài nghi, hiểu lầm và sai lầm không đáng có. Trên hết, để tránh trái tim mình tổn thương vì những điều tưởng chừng vô lý, để tránh mình vô ý làm tổn thương ai đó, dù là trong hành động hay suy nghĩ.
Bạn đang đọc bài viết: “Sống chậm lại một chút, cuộc đời này sẽ tốt đẹp biết bao” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |