Ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc có ông lão 78 tuổi tên Chen Rongman. Đã 10 năm nay, ông thường đến mộ vợ trò chuyện, chăm sóc cây hoa và còn đọc thơ cho bà nghe. 

Mỗi ngày vào sáng sớm, ông Chen sẽ đi bộ gần nửa giờ, đun nước nóng và pha một ly trà đặt trước bia mộ của vợ. Sau đó, ông ngồi đó đọc thơ cho người vợ quá cố nghe. 

“Đã từng nếm trải nhiều biến cố, không thèm để mắt tới những chuyện nhỏ nhặt”. 

Vợ ông Chen là bà Zhu Xianlan, trước đây bà rất thích bài thơ này. Mỗi khi ông Chen đọc nó, trong lòng ông lại dấy lên nỗi nhớ vợ sâu sắc.

Ảnh: Cocomy.

Ông vui vẻ chia sẻ, miễn là ông không bị bệnh và còn đi lại được, ông vẫn muốn đến bên mộ cùng với bà ấy mỗi ngày. Có lẽ đối với ông, điều này đã trở thành niềm vui của tuổi già. 

Ông nhớ lại, vợ ông đã cả đời vất vả nhưng bà không một lời phàn nàn. Ông từng rất bận rộn làm việc, bà thường xuyên phải ở nhà chăm sóc nhà cửa, các con và thậm chí phải nuôi cả lợn. Mọi việc trong nhà đều một tay bà gánh vác.

Ảnh: Cocomy.

Sau này các con trưởng thành và đều đã lập gia đình riêng. Bà Zhu mắc bệnh và qua đời năm 2009. 

Trong túi quần áo của ông Chen còn giữ một bức hình chụp chung với vợ. Ông nói ngày còn sống, bà luôn muốn đến Bắc Kinh một chuyến nhưng bởi sức khỏe không tốt nên đó mãi là nguyện vọng dở dang. Ông Chen sau đó đã mang ảnh của vợ đến Bắc Kinh, ông mong muốn hoàn thành tâm nguyện của vợ khi còn sống.

Ảnh: Cocomy.

Bà Zhu trước đây cũng rất yêu hoa, bởi vậy ông trồng 20 loài hoa quanh mộ vợ. Ông thường xuyên cắt tỉa cành, tưới nước, vậy nên trước mộ bà Zhu, quanh năm đều nở hoa.

Con gái ông chia sẻ, từ nhỏ đã thấy cha mẹ có tình cảm rất tốt đẹp. Họ cũng làm gương cho cô khi lập gia đình sau này.

Ảnh: Cocomy.

Ông dành cho vợ những tình cảm và sự trân trọng, mười năm đều chăm chỉ đến thăm, dọn dẹp mộ và đọc thơ cho vợ.

Nhìn vào câu chuyện của ông, mọi người đều cảm kích trước tình cảm vợ chồng gắn bó keo sơn hiếm thấy. Nhưng vì sao trong xã hội ngày nay, những chuyện như cãi cọ, hôn nhân không hạnh phúc thậm chí là tan vỡ, ly hôn lại xảy ra nhiều đến vậy?

Tôi nghĩ một trong những lý do là bởi nhiều cặp vợ chồng hiện đại đã không còn giữ thái độ khách sáo, tôn trọng nhau như hồi mới quen. 

Ảnh: Read01.

Người xưa dạy: “Phu thê tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng đối đãi với nhau như khách quý. Đã là khách quý, ta sẽ đem tất cả những gì tốt đẹp nhất trong nhà ra đãi khách.

Thoạt nghe có vẻ buồn cười: Đã là vợ chồng sao lại khách sáo? Nhưng ngẫm ra, việc quá thân thiết lại nảy sinh vấn đề, “xa thương gần thường” là vậy. Gần nhau quá sẽ nhìn thấy khuyết điểm của nhau và dẫn đến coi thường nhau. Khi ấy sự hấp dẫn sẽ nhạt phai, lòng say mê lẫn nhau cũng sẽ chẳng còn. Nếu đãi nhau như khách quý, ta sẽ luôn giữ sự tôn trọng lẫn nhau, tế nhị với nhau trong lời ăn tiếng nói, lắng nghe nhau để đáp ứng nhu cầu của nhau. Khi đó, mối quan hệ vợ chồng sẽ không chỉ dừng lại ở “cơm áo gạo tiền” mà còn tiến đến sự kết nối về tinh thần.    

Lữ Khôn, học giả trứ danh ở triều Minh, từng thuyết rằng: “Một danh nhân xưa đã từng nói ‘Hôn nhân sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có sự tôn trọng dành cho nhau’. Khi gia đình xảy ra bất hòa, nguyên nhân luôn bắt nguồn từ việc không tuân theo lời răn dạy của cổ nhân, rằng vợ chồng phải tôn trọng lẫn nhau”.

Ngọc Mai

Theo Cocomy, Zhengjian

Video xem thêm: Bí quyết giữ lửa của gia đình Việt kiều Ý

videoinfo__video3.dkn.tv||8f5f80cf3__