Trước tình hình rác thải ngày càng nhiều như hiện nay, rất nhiều người không biết làm thế nào để cải tiến việc xử lý chất thải thì một nông dân 6x ở Quảng Nam đã gợi mở cho Việt Nam một cách có thể biến rác thải thành tài nguyên có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề cho xã hội.
Người gợi mở ý tưởng đó là chị Trịnh Thị Hồng (sinh năm 1965, trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng).
Chị Trịnh Thị Hồng từ nông dân đã trở thành giám đốc doanh nghiệp. Ảnh từ Vnexpress
Sinh ra tại một huyện nghèo và làm nông dân, chị không ngờ rằng sau này có thể trở thành một giám đốc công ty chế biến rác thải thành chế phẩm sinh học với doanh thu 79-90 triệu đồng mỗi tháng.
Như Vnexpress đưa tin, nguyên nhân của sự thay đổi này bắt đầu từ năm 2011, khi thấy cảnh xe chở rác bị hỏng 4 ngày thu gom dẫn đến hôi thối cho cả khu dân cư, chị Hồng đã trăn trở rằng nếu như có thể biến rác thải thành tiền thì sẽ giải quyết tốt công tác bảo vệ môi trường cũng như giúp dân làm giàu.
Ngoài ra, chị Hồng chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ người giàu hay nghèo đều có quyền được bảo vệ sức khỏe như nhau. Tôi mong muốn mang đến cộng đồng người Việt sản phẩm sinh học sạch để bảo vệ sức khỏe và gia đình họ”.
Cuối cùng là vì muốn giúp người lao động (ở độ tuổi 35 tuổi trở lên) có việc làm và thoát nghèo trước nguy cơ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nên chị đã quyết tâm nghiên cứu xây dựng công nghệ sản xuất theo hướng công nghiệp, biến rác thải thành các sản phẩm hữu ích như nước rửa chén, nước lau nhà… cho người tiêu dùng cũng như tạo công ăn việc làm cho người nghèo.
Thời gian đầu nghiên cứu để cho ra thành phẩm, chị đã gặp sự phản đối từ nhiều phía. Chồng chị rằng ý tưởng đó là điên rồ, các con thì cho rằng chị hão huyền, còn xã hội thì không tin một người nông dân lại có thể nghiên cứu sản phẩm tốt mà giá thành rẻ thay cho các giáo sư, tiến sĩ…
Với mục tiêu vì môi trường và xã hội, chị bỏ qua những lời đàm tiếu và sau 75 ngày nghiên cứu với chi phí đầu tư 200 triệu đồng, chị Hồng đã cho ra đời 2 sản phẩm là nước chén và nước lau nhà với giá đến tay người tiêu dùng 25.000 đồng mỗi chai 800ml.
Chị sử dụng 3kg rác thải là rau già, vỏ củ, quả, cát… hòa với 3gr đường vào 10l nước, ủ 30 ngày, lọc qua hệ thống lọc điều chỉnh PH, sau đó trộn bột dừa và chất hữu cơ từ dừa là ra thành phẩm.
Chị Trịnh Thị Hồng bên thùng chế phẩm. Ảnh từ Lienchieu
Sản phẩm chị làm ra ngoài các tính năng làm sạch, nó còn có thể dùng để tưới cây làm tăng độ mùn cho đất giúp cây phát triển tốt.
Cuối năm 2015, với sự hỗ trợ từ Viện nghiên cứu phát triển kinh tế, xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế… Ý tưởng của chị được đưa vào một trong 8 dự án được ươm tạp khóa 1 tại vườn ươm.
Tốt nghiệp vườn ươm vào tháng 7/2016, chị thành lập doanh nghiệp với số vốn điều lệ là 500 triệu đồng, chủ yếu dùng mua máy móc, thiết bị và trả tiền cho nhân công. Doanh thu hiện nay của công ty chị dao động khoảng 70-90 triệu đồng mỗi tháng (tức tầm trên dưới một tỷ đồng mỗi năm) với số lượng nhân viên 5 người. Hiện công ty thu gom, xử lý 94.500kg rác thải hữu cơ thực vật mỗi tháng.
Chị chia sẻ: “Vườn ươm dạy tôi biết cách kinh doanh, biết xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, đã biến tôi từ một nông dân trở thành giám đốc để quản lý doanh nghiệp giảm bớt rủi ro, đồng thời giúp tôi kết nối với nhà đầu tư, các kênh thông tin để sản phẩm lan tỏa đến cộng đồng”.
Chị Trịnh Thị Hồng dự hội nghị tại Nepal năm 2014.(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Để xóa nghèo cho người dân nơi chị sinh sống, chị tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất cho dân trung bình 2 tháng 1 lần. Sau 30 ngày, chị sẽ kiểm tra và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với những người sản xuất thành công. Hộ nào chưa thành công thì làm lại. Hiện số hộ nghèo tham gia sản xuất là 85 hộ, thu nhập từ 2,4-5 triệu mỗi tháng, thời gian làm việc 30 phút mỗi ngày. Chị dự tính sẽ giải quyết cho 2.275 lao động (ưu tiên phụ nữ nghèo) vào năm 2020.
Đóng góp của chị không chỉ dừng lại ở việc giúp dân thoát nghèo và tận dụng rác thải cải thiện môi trường mà nó còn cho thấy khả năng của con người là vô hạn, chỉ cần có mục tiêu lớn vì cộng đồng và vì xã hội, một nông dân vẫn có thể thành giám đốc, từ rác bị bỏ đi cũng có thể tạo ra tiền và những ý tưởng được cho là điên rồ vẫn có thể làm nên kỳ tích.
Mai Nhi
Xem thêm:
- Kỳ lạ đất nước giàu có hàng năm phải mua rác thải để sưởi ấm
- Học sinh Ý phát minh ra máy biến rác thải thành ốp lưng điện thoại
- Tiến sĩ Margaret Trey: Lưu tâm thực hành Pháp Luân Công: Môn thiền định dành cho thể chất, sức khỏe và hơn thế