Lịch sử cần và phải được ghi lại một cách chân thực và đầy đủ nhất, thế nhưng vì một lý do nào đó, có những sự thật đã bị bóp méo, và những người xứng đáng được tôn vinh lại bị chìm vào quên lãng… 

78 năm trước, một nữ giáo sĩ người Anh đã dẫn hơn 100 trẻ mồ côi chạy trốn sự truy đuổi của quân Nhật suốt chặng đường dài. Cuộc hành trình đến một thành phố thuộc tỉnh Thiểm Tây trước khi quân Nhật kéo vào tàn phá huyện Dương Thành, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), là hành trình của nghị lực phi thường và tình yêu vô bờ của cô dành cho lũ trẻ. Dưới sự che chở của cô, không một đứa trẻ nào bị bỏ lại trong suốt hành trình dài, đầy hiểm nguy rình rập đó.

Cuộc trốn chạy lịch sử này đã được Hollywood thực hiện thành bộ phim “The Inn of the Sixth Happiness” (tạm dịch: “Quán trọ của Hạnh phúc thứ 6) vào năm 1958. Người thủ vai nữ giáo sĩ dũng cảm và nhân từ đó là diễn viên nổi tiếng Ingrid Bergman.

Thế nhưng, điều trớ trêu là, sách giáo khoa lịch sử hiện đại của Trung Quốc thậm chí không có tên của cô và không có một dòng nào nói về sự kiện đó.

Người phụ nữ tuyệt vời này là Gladys Aylward.

Đơn thương độc mã đến Trung Quốc để đáp lại tiếng gọi của Chúa

Cô Aylward sinh năm 1902. Vào cuối năm 1930, sau khi đọc một bài báo và “biết rằng hàng triệu người ở Trung Quốc chưa bao giờ nghe nói về Chúa Giêsu Kitô”, Aylward đã quyết định đến Trung Quốc để truyền đạo.

Lúc đó, cô rất nghèo và không đủ khả năng chi trả cho việc di chuyển bằng đường biển đến Viễn Đông. Cô chỉ có thể đi tàu đường dài qua Đông Âu, vào Liên Xô, băng qua những cánh đồng tuyết rộng lớn ở Siberia và cuối cùng đến Trung Quốc.

Sau khi mua vé, cô chỉ còn lại 2 bảng và 9 xu. Nhưng khó khăn về tiền bạc không thể lay chuyển quyết tâm của cô, Aylward lên đường với hành trang là Kinh Thánh, quần áo và thức ăn.

Cuộc hành trình ban đầu tương đối suôn sẻ, nhưng sau khi vào Siberia, mọi thứ bắt đầu tồi tệ hơn.

Một đêm nọ, đoàn tàu đột ngột dừng lại và thuyền trưởng đuổi tất cả hành khách ra khỏi tàu, buộc họ đi bộ đến điểm dừng tiếp theo là Chita (thuộc Liên Xô) để bắt xe.

Chita nằm ở phía Đông Siberia, phía đông hồ Baikal và giáp lãnh thổ Trung Quốc. Vùng này có khí hậu lục địa ôn đới, với sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm.

Nhiệt độ trung bình hàng năm của vùng này những năm gần đây trong tháng 11 cao nhất là -7 độ C và thấp nhất là -20 độ C. Vào những năm 1930, khi hiệu ứng nhà kính ít nghiêm trọng hơn nhiều so với ngày nay, nhiệt độ chắc chắn còn thấp hơn thế. Vì vậy, thật không thể tưởng tượng được, đêm đó cô Aylward đã đi bộ vượt qua vùng hoang dã khắc nghiệt này như thế nào, nhưng cô đã sống sót. Từng bước, cô đến được Chita.

Cô chỉ là một người phụ nữ yếu đuối, cao 1,45m, nặng 70 – 80 pounds, tức là chỉ khoảng 31-36kg. Chỉ có Chúa mới biết cô đã vượt qua những gì.

Sau khi đến nhà ga, sự cố lại xảy ra.

Cô bị tịch thu hộ chiếu vì công việc trong hộ chiếu của cô bị điền nhầm là “thợ máy” thay vì “truyền giáo”. Liên Xô tin rằng cô là một tài năng kỹ thuật và không được phép chảy máu chất xám sang các nước khác. Aylward phải ở lại Chita trong tuyệt vọng, không biết nói tiếng Nga, cô đã phải thương lượng với một quan chức địa phương. Không ngờ, người đàn ông Liên Xô này muốn lợi dụng để cưỡng hiếp cô.

May mắn thay, cô đã thoát khỏi kẻ xấu xa đó. Cô trốn thoát với sự giúp đỡ của một người phụ nữ biết tiếng Anh và lên tàu trở lại. Sau khi đến Vladivostok, cô lên một tàu buôn Nhật Bản đến Kobe và sau đó vượt biển đến Thiên Tân.

Ảnh: Powerapple.

Thông qua Trung tâm Truyền giáo ở Thiên Tân, cuối cùng Aylward đã vào được Dương Thành, tỉnh Sơn Tây và bắt đầu một cuộc sống mới.

Nhận nuôi đứa con đầu lòng với giá chín xu

Tại huyện Dương Thành, cô Aylward và bà Jeannie Lawson, một nữ giáo sĩ lớn tuổi hơn, đã thành lập quán trọ Bát Phúc làm nơi truyền giáo. Theo bà Lawson, “Bát Phúc” hay 8 niềm hạnh phúc bao gồm: Chung thủy, Đức hạnh, Hiền lành, Khoan dung, Trung thành, Chân thật, Xinh đẹp và Tình thương, và số tám cũng là số tốt lành đối với người Hoa.

Cô Aylward có tên tiếng Hoa là Ài Wěi Dé, cách phát âm gần giống tên tiếng Anh của cô, mang ý nghĩa “Người Đức Hạnh”.

Ảnh: Wikiwand.

Quán trọ ban đầu hướng đến người qua đường, sau đó bắt đầu nhận nuôi trẻ mồ côi. Đứa trẻ đầu tiên cô Aylward nhận nuôi là một bé gái bị một kẻ buôn người bắt cóc đến huyện Dương Thành. Hắn đưa ra giá hai đô-la, sau khi mặc cả, cô đã chi chín xu để đưa cô bé về nhà trọ. Cô đặt tên ở nhà cho bé là Cửu Mao. Chín xu có thể mua một đứa trẻ, vậy mới thấy trong xã hội thời ấy, giá con người thật bọt bèo.

Sau đó, cô Aylward đã nhận nuôi thêm ba đứa trẻ mồ côi nữa và tiếp tục hoạt động truyền giáo.

Đến năm 1937, cô Aylward phục vụ như là trợ lý cho Thị trưởng huyện Dương Thành. Khi Kháng chiến chống Nhật bùng nổ, ngày càng nhiều trẻ mồ côi và người tị nạn được đưa đến quán trọ.

Tình cảm của cô với những người Trung Quốc khốn khổ cũng trở nên gần gũi hơn. Cô đã nhập quốc tịch Trung Quốc, xóa bỏ vị trí trung lập của nhà thờ, lên án công khai sự man rợ của đế quốc Nhật trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time. Cô cũng bí mật truyền thông tin cho quân đội Trung Quốc. Do đó, khi người Nhật xâm chiếm Triết Châu và Dương Thành vào năm 1940, họ đã đưa ra một thông báo và phần thưởng trị giá 100 đô-la để bắt Aylward.

Đi bộ 170km trong 12 ngày

Tình hình nguy cấp, buộc cô và 100 đứa trẻ tại quán trọ Bát Phúc phải rời khỏi Dương Thành ngay lập tức. Đích đến của cô và lũ trẻ là Tây An, nơi có một trại trẻ mồ côi do Tống Mỹ Linh (phu nhân Tưởng Giới Thạch) mở.

Mục đích cấp bách nhất của chuyến đi này là để thoát khỏi sự truy đuổi của quân đội Nhật Bản. Vì vậy, trước tiên đoàn người phải từ Dương Thành đến Viên Khúc, băng qua sông Hoàng Hà và vào Khu vực phòng thủ quốc gia, sau đó vào Tây An, thuộc Thiểm Tây.

Cô Aylward dẫn lũ trẻ, cùng một vài trợ lý và hướng dẫn viên được Thị trưởng quận Dương Thành gửi đến, theo sau là một vài con la rất giỏi đi đường núi rồi lên đường.

Ảnh: Powerapple.

Trên tuyến đường này, phần khó khăn nhất là khu vực núi Taihang và Zhongtiao. Ngọn núi rất cao và hiểm trở, đi lại vô cùng khó khăn.

Cô Aylward không phải là người khỏe mạnh. Những đứa trẻ nhỏ nhất chỉ mới bốn tuổi và cần được bế trên tay. Người lớn mang quang gánh có thể đặt một đứa trẻ ở phía trước, một bé ở sau, một người có thể cõng một hoặc hai bé trên lưng, nhiều đứa trẻ khác phải hỗ trợ lẫn nhau và di chuyển khó khăn.

Vượt qua ngọn núi hiểm trở là cơn ác mộng đối với đoàn người mà phần lớn là trẻ nhỏ. Chỉ cần chút sơ sẩy là có thể mất mạng dưới vực sâu.

Phải đi bộ suốt hành trình dài khiến cơ thể mệt mỏi, lại thêm sự tra tấn về thần kinh vì có thể gặp nguy hiểm bất cứ khi nào. Thiếu lương thực, họ chỉ có thể ăn cháo kê để cầm cự qua ngày.

Bất cứ khi nào màn đêm buông xuống, họ chỉ hy vọng gặp được một ngôi đền cũ hoặc ngôi nhà bị bỏ hoang, nếu không họ phải ngủ trên núi. Những đứa trẻ ôm chặt nhau ngủ để xua đi nỗi sợ hãi những con thú như rắn và sói…

Giày bị mòn cả đế, bụng đói không thể đi được, các em nhỏ hoảng sợ và khóc lóc. Mọi người đều biết rằng, chỉ bằng cách nỗ lực, kiên cường không chùn bước vượt qua sông Hoàng Hà, họ mới có thể thoát khỏi sự truy đuổi của quân Nhật Bản.

Nguy cơ bị quân Nhật đuổi tới đã khiến lên dây cót tinh thần và lòng gan dạ của đoàn người. Do đó, mặc dù vô vàn khổ cực, những đứa trẻ vẫn bước đi, không dám chùn bước, không ai dừng lại, không ai la hét đòi về nhà. Đau khổ khiến họ trưởng thành sớm hơn.

Mọi người nỗ lực một thì cô Aylward phải nỗ lực gấp nhiều lần để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Cô phải liên tục đi bộ ở hàng đầu để khích lệ tinh thần lũ trẻ và xoa dịu nỗi sợ hãi, nỗi đau đớn của chúng.

Cô phải đưa ra quyết định khi nào nên ăn và cách phân bổ số lượng gạo ít ỏi, quyết định sẽ ở đâu qua đêm, ai sẽ ngủ với trẻ em, cô phải thảo luận với người hướng dẫn bất cứ lúc nào, có nên điều chỉnh lộ trình hay không. Gặp phải một con đường khó khăn, chưa ai đặt chân tới, cô chính là người đầu tiên bước thăm dò…

Cô không chỉ là một nhà truyền giáo, mà còn là một nhà lãnh đạo, một nhà thám hiểm và một người mẹ.

Ảnh: Becky Dietz.

Từ Dương Thành đến Viên Khúc dài 170km, họ phải đi bộ suốt 12 ngày đêm. Mặc dù chặng đường gian nan, ánh sáng phía trước đang ngày càng mạnh mẽ hơn.

Khi may mắn gặp một doanh trại của Quân đội Quốc gia, được những người lính du kích tặng một ít thức ăn, cô Aylward và bọn trẻ vui mừng không tả xiết.

Sông Hoàng Hà đang ngày càng gần! Họ đã nghe tiếng sông reo! Một con sông rộng vài trăm mét đang ở ngay trước mặt!

Quân đội Quốc gia đóng quân ở bờ bắc đã điều các con tàu ở bờ nam đưa đoàn người sang sông. Vượt sông Hoàng Hà, bước chân lên vùng đất ở huyện Thằng Trì, Hà Nam, mọi người cuối cùng cũng an toàn!

Tôi có một trăm đứa trẻ, chúng ở đâu?

Tuyến đường sắt Long Hải nối hai tỉnh Hà Nam và Thiểm Tây. Sau đó, cô Aylward và bọn trẻ có thể đến thành phố Tây An bằng ô tô.

Sau bữa ăn no đủ tại trạm cứu trợ người tị nạn, mọi người vui vẻ lên tàu. Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra như mong đợi, tàu vừa đi đã dừng lại. Khi đến gần Lao Sơn, một cây cầu phía trước bị gãy do máy bay Nhật thả bom và không thể đi tiếp.

Họ phải băng qua ngọn núi nổi tiếng nguy hiểm ở Trung Quốc, và đi theo con đường mà những người lính cổ xưa đã đi tới cửa ngõ phía đông của Thiểm Tây. May mắn thay, không có sự theo dõi của quân Nhật. Các máy bay địch không bay lên núi để ném bom. Quân đội Quốc gia cũng đã cử một số binh sĩ hộ tống họ. Mặc dù cuộc hành trình cũng khó khăn không kém, đoàn người nhiều lúc cảm thấy vô cùng tuyệt vọng khi gặp những con đường dốc, sạt lở, trơn trượt, nhưng cuối cùng tất cả đã vượt qua một cách an toàn trong hai ngày.

Tại Đồng Quan, một ngày nọ, khi bình minh vừa lên, mọi người lại lên đường. Sau một vài tuyến xe buýt, cuối cùng họ đã đến được Tây An. Các trạm cứu trợ người tị nạn dọc đường giúp cô Aylward và đám trẻ không bị đói.

Chúa dường như vẫn muốn thử thách đoàn người. Thời điểm đó, do thiếu lương thực ở Tây An, họ đã đóng cửa không cho người tị nạn vào.

Tưởng như cánh cửa hy vọng đã được mở ra nhưng cuối cùng nó đã đóng sập ngay trước mặt mọi người. Chưa kịp vui mừng, họ đã lập tức rơi vào tuyệt vọng. Aylward gần như suy sụp. Cô dẫn bọn trẻ đi khắp các bức tường của Tây An, chỉ cố gắng tìm một lối vào, nhưng điều này là không thể!

Lúc đó, cô đang bị viêm phổi và thương hàn, lại thêm suy dinh dưỡng nặng khiến cô bị sốt cao. Trước khi rời khỏi Dương Thành, cô bị thương ở vai trong một cuộc không kích của Nhật Bản, và vết thương đã không được điều trị đúng cách. Ở Tây An, cô suýt không thể trụ được thêm nữa. Tuy nhiên, cô Aylward đã không gục ngã vì cô biết bọn trẻ không thể không có cô.

Sau đó, có một người tốt bụng xuất hiện và nói với họ rằng còn có một trung tâm chăm sóc trẻ em ở huyện Phù Phong, tỉnh Thiểm Tây, cũng do Tống Mỹ Linh điều hành, cô có thể đến đó.

Như người chết đuối vớ được cọc, cô Aylward ngay lập tức dẫn lũ trẻ lên đường. Sau một hành trình dài, cuối cùng họ cũng đến được Phù Phong, những đứa trẻ đã có một nơi để gửi gắm!

Dường như chỉ đợi đến lúc đó, cô ngã xuống vì kiệt sức, nhưng trong miệng vẫn lẩm bẩm: “Lũ trẻ của tôi đâu?… Tôi có một trăm đứa trẻ…”.

“Tội ác lớn nhất của chúng ta là đã quên bà ấy”

Trước sự đóng góp to lớn của Aylward, ngày 15/7/1941, Bộ Nội vụ của Chính phủ Quốc gia đã chấp thuận cho cô nhập quốc tịch Trung Quốc.

Ảnh: My Hero.

Từ năm 1941 đến 1944, cô đã giúp đỡ các bệnh nhân phong ở Tây Bắc, Tây Nam Trung Quốc và nói chuyện với các tù nhân để giúp họ hướng thiện.

Năm 1949, khi Đảng cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, cô trở về Vương quốc Anh. Câu chuyện của cô được phóng viên BBC kể lại dưới dạng tiểu thuyết với tựa đề “The Small Woman” (tạm dịch: “Người phụ nữ bé nhỏ”).

Ảnh: Powerapple.

Cô quyết định trở về Trung Quốc đại lục vào năm 1958, nhưng bị từ chối nhập cảnh và phải đến Đài Loan. Hai đứa trẻ mồ côi mà cô nhận nuôi, chào đón cô như một người mẹ. Tống Mỹ Linh đã có một bài phát biểu trước công chúng, cảm ơn cô Aylward vì tất cả những gì cô đã làm cho trẻ em Trung Quốc.

Tháng 1/1970, bà Aylward qua đời tại Đài Loan, hưởng thọ 68 tuổi. Bà được chôn cất tại trường Cao đẳng Cơ Đốc giáo tại thủ đô Đài Bắc. Cái chết của bà gây ảnh hưởng lớn trong cộng đồng quốc tế, nhưng không được biết đến ở Trung Quốc đại lục do các phương tiện truyền thông không đưa tin. Dẫu vậy, điều này không ngăn cản bà trở thành một nhân vật lịch sử đáng nhớ trong thế kỷ XX. Một trường trung học ở London, Anh, đã được đặt theo tên của bà, trường Gladys Aylward.

Dòng chữ trên mộ của bà là chữ viết tay của Tưởng Giới Thạch, với nội dung: “Hoằng đạo di ái”, tức là “truyền rộng đạo lý, để lại tình thương”. Theo nguyện vọng cuối cùng của bà, bà được chôn quay đầu về đất liền, thể hiện tình yêu của bà với người Trung Quốc đại lục.

Điếu văn của bà Aylward có câu rằng: “Tội ác lớn nhất của chúng ta là đã quên bà ấy”.

Hy vọng rằng, một ngày nào đó, những công lao to lớn của bà Gladys Aylward đối với người dân Trung Quốc sẽ được viết một cách long trọng trong sách giáo khoa lịch sử của đất nước này.

Huyền Thanh

Theo Secret China

Video xem thêm: Bí mật về “Cộng hòa Nhân dân Lãng quên”: Vì sao thế giới biết mà người Trung Quốc không biết?

videoinfo__video3.dkn.tv||112f06c55__