Hàng ngày, chị Tâm đều chở hai đứa con vào chợ để vừa quét rác vừa trông con. Nhìn người phụ nữ gầy còm, mặc chiếc áo cũ rích, sờn màu cùng hai đứa trẻ ngây ngô, lúc nào cũng giành nhau con gấu bông rách bươm, ai cũng phải ứa nước mắt…
Đó là một câu chuyện buồn của chị Nguyễn Thị Đồng Tâm (41 tuổi) làm nghề quét rác tại chợ Phú Đa (xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) và hai cô con gái đều bị thiểu năng trí tuệ do ảnh hưởng của chất độc màu da cam di truyền từ mẹ.
Chị Tâm khổ lắm, sinh ra đã mang trong mình dòng máu dioxin. Hai lần đem lòng yêu thương hai người đàn ông thì đều bị chính những người đầu gối tay ấp phụ bạc và chối bỏ trách nhiệm với con cái.
Con gái đầu của chị Tâm là Nguyễn Thị Mẫn, 14 tuổi, là kết quả mối tình giữa chị và một người đàn ông cùng xã. Mẫn sinh ra đã không được bình thường như bao đứa trẻ khác, em ăn rất khỏe, cơ thể phát triển rất nhanh nhưng trí óc chỉ như một đứa trẻ lên ba. Khi em còn chưa được đầy tháng, người cha vô tâm vì thấy con bệnh tật đã lẳng lặng bỏ đi không nói một lời nào. Bốn năm sau ông ta mới về thăm Mẫn được một lần rồi từ đó biệt tích.
Nuốt nước mắt vào trong, chị Tâm một mình gồng gánh nuôi đứa con thơ dại. Rồi đến một ngày định mệnh năm 2008, chị gặp được một anh xe ôm ở chợ hết lòng quan tâm và chăm sóc hai mẹ con. Cảm động trước tấm chân tình, chị quyết định xây dựng hạnh phúc thêm một lần nữa, cứ ngỡ cuộc sống sẽ được bình an từ đây, nào ngờ, ngày chị sinh hạ đứa con gái thứ 2 Nguyễn Thị Nhã Phương (7 tuổi) cũng là lúc người đàn ông ấy bỏ xứ mà đi khi nghe bác sỹ thông báo đứa bé cũng mắc căn bệnh giống mẹ.
Vậy là, hơn chục năm qua, dù nắng hay mưa, chị Tâm đều dắt 2 cô con gái bị thiểu năng ra chợ quét rác, công việc duy nhất chị có thể làm để nuôi 2 đứa con “ngớ ngẩn” cho qua ngày đoạn tháng.
Bé Mẫn và Phương đều đã lớn nhưng đầu óc vẫn không nhận thức được gì, từ chuyện ăn uống cho đến vệ sinh cá nhân đều phải nhờ mẹ. Chị Tâm chẳng có tiền mua đồ chơi cho con, hai đứa trẻ cũng chẳng có ai chịu bầu bạn cùng, chỉ có duy nhất một chú gấu bông nhàu nhĩ cũ nát…
Chú gấu bông này là kỷ vật duy nhất mà người cha vô tâm của bé Mẫn đã để lại trong lần ghé thăm cách đây 10 năm, từ đó đến nay không có tin tức gì nữa. Lúc nhỏ, khi hai con thường hỏi mẹ bố đâu, chị Tâm đành nói dối bố chúng chính là con gấu bông đó. Từ ngày ấy, hai chị em đều nghĩ rằng chú gấu bông chính là bố thật nên ôm ấp suốt ngày, cứ chốc chốc lại đổi cho nhau vuốt ve rồi gọi “bố”, “bố”…
Nhìn các con như vậy, chị Tâm như đứt từng khúc ruột. Chị cũng như bao người phụ nữ khác, chỉ mong có một gia đình êm ấm, có chồng con đỡ đần, nhưng số phận trớ trêu, cả hai lần hạnh phúc chẳng tày gang…
Sức khỏe ngày càng yếu đi, cơ thể còm nhom, tóc cũng rụng gần hết. Vậy mà, suốt hơn 10 năm qua, chị vẫn chẳng một lời oán thán hai kẻ đàn ông bội bạc, hằng ngày cần mẫn quét rác kiếm tiền để sống và nuôi các con.
Sợ nhất là những ngày trái gió trở trời, những cơn đau tái phát, hành hạ cả 3 mẹ con không thể chợp mắt được. Mà tiền cũng chẳng đủ để mua nổi một viên thuốc giảm đau nên đành cắn răng chịu đựng. Mỗi ngày chỉ được trả công 30 nghìn đồng, đủ tiền cơm cháo qua ngày là hạnh phúc lắm rồi, chị đâu dám mơ đến chuyện thuốc thang, khám bệnh.
Suy ngẫm:
Nếu bạn đang cảm thấy bất mãn và muốn than phiền về cuộc sống, hãy tạm thời ngừng nghĩ về nghịch cảnh của mình, và dành chút thời gian đọc câu chuyện về người phụ nữ bất hạnh và hai đứa trẻ đáng thương ấy, có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng mình vẫn còn may mắn biết nhường nào.
Còn nếu đang trong cuộc hôn nhân bế tắc, đang sầu não vì gia đình không hạnh phúc như ý, mong bạn cũng hãy ngừng lại và suy ngẫm. Đối với nhiều người, có một gia đình đủ cả vợ và chồng dường như là một ước mong quá đỗi xa vời…
Thu Sang