Trong mắt cha mẹ, con cái luôn là những đứa trẻ cần bao bọc. Đó là lý do khi những đứa con trưởng thành, chúng bước ra ngoài xã hội xây dựng cuộc sống riêng, để lại một căn nhà trống vắng, rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy chếnh choáng với sự thay đổi này….

Hội chứng “chiếc tổ trống” (Empty Nest Syndrome) dùng để chỉ tình trạng buồn bã và đơn độc khi cha mẹ chia tay những đứa con trưởng thành, rời khỏi gia đình để có đời sống riêng, kết hôn, hay lập nghiệp, đi học xa… Đây không phải bệnh lý, chỉ đơn giản là một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng trong chu trình đời sống gia đình; trong đó, cha mẹ chấm dứt chức năng “làm cha mẹ” và ghi nhận sự tự chủ của những đứa con.

noi long cua nguoi me khi nhung dua con roi to
Những người mẹ chăm sóc và gắn bó với con cái hơn nên họ thường cảm thấy chếnh choáng hơn khi phải rời xa con cái. (Ảnh: Telegraph)

Fiona Gibson (43 tuổi) là một nhà báo người Anh có 3 người con gồm 2 trai 1 gái. Hai người con trai sinh đôi đã trưởng thành và chuyển ra ở riêng cách đây 3 năm. Gần đây, Fiona tiếp tục phải đối diện với việc cô con gái 18 tuổi rời khỏi nhà đi học xa.

noi long cua nguoi me khi nhung dua con roi to
Là một người có hiểu biết về lĩnh vực hôn nhân, gia đình, Fiona vẫn không dễ dàng quen với cuộc sống xa các con. (Ảnh: Telegraph)

Fiona hiểu rất rõ mình cần phải chấp nhận con cái khôn lớn và dần sống độc lập với cha mẹ, cô cũng thừa nhận đây là việc mà các ông bố bà mẹ cần làm để con mình học cách trưởng thành. Fiona đã rất vui vẻ khi giúp đỡ con gái chuẩn bị đồ chuyển đi, nhưng khi nhận thấy cuộc sống thiếu vắng con cái, cô vẫn cảm thấy chông chênh và mất nhiều thời gian để cân bằng.

Trên trang Telegraph, Fiona đã chia sẻ cuộc sống ngày xa con và cách cô tập làm quen với điều đó.

– Chưa quen với việc nhà ít người hơn, Fiona vẫn mua nhiều thức ăn nhưng để chúng lưu cữu, hỏng và phải vứt đi

– Cô hay nhìn điện thoại tự hỏi tại sao con vẫn chưa trả lời tin nhắn của mình.

– Thường xuyên theo dõi con trên mạng xã hội, cô ngẩn ngơ ngắm con qua những bức ảnh.

– Luôn kiếm cớ để gọi cho con, muốn biết con đang làm gì, cuộc sống bên ngoài có ổn không.

– Lúc nào cũng sợ con thiếu thốn, không đầy đủ đồ dùng sinh hoạt.

– Quyết định thực hiện một chuyến đi đến chỗ của con để xem con ăn ở thế nào.

– Thấy đồ dùng linh tinh của con ở nhà nhưng đều gom lại và không nỡ vứt đi. Fiona vào phòng của con ngồi nhìn và… chẳng để làm gì cả.

– Trong vài tuần đầu xa con, cuộc sống của Fiona xáo trộn, cô sinh hoạt không điều độ, chán ăn, cảm thấy trống vắng, không có người để nói chuyện.

– Thậm chí, có lúc Fiona còn giật mình khi thấy con chủ động gọi điện, cô lo sợ một mình ở bên ngoài con gặp điều bất trắc.

– Nỗi mong ngóng những kỳ nghỉ để con về thăm nhà luôn thường trực trong cô.

Có lẽ rất nhiều bậc phụ huynh sẽ nhìn thấy hình ảnh của mình trong Fiona. Về lý trí, ai cũng hiểu việc con cái dần có cuộc sống độc lập là điều đương nhiên, nhưng về tình cảm, nhiều người phải mất rất lâu để chấp nhận sự thực này. Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng, “chiếc tổ trống” không phải giai đoạn tan rã của một gia đình, mà là lúc chuyển tiếp để các thành viên trưởng thành theo một cách khác.

noi long cua nguoi me khi nhung dua con roi to
Thay vì lo lắng cho con, cha mẹ sẽ có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn. (Ảnh: Telegraph)

Nhìn theo hướng tích cực, đây chính là thời điểm để cha mẹ được nghỉ ngơi sau nhiều năm dài bận bịu chăm sóc con cái. Chia sẻ nhiều hơn với người bạn đời, dành thời gian cho những sở thích riêng… đó sẽ là cách lấy lại cân bằng và niềm vui cuộc sống sau khi xa con.

Minh Lan