Trong các mối quan hệ xã hội, để không làm mất lòng người khác, chúng ta thường dành cho họ những lời hay ý đẹp. Thế nhưng về với gia đình, nhiều người vì những lý do này khác mà thốt ra những lời nói “có gai” lên người thân yêu…

Lâu dần, hành động này sẽ khiến gia đình mất đi tiếng cười và sự hạnh phúc. Do vậy, để tạo dựng mối quan hệ trong gia đình lý tưởng, mỗi thành viên cần ghi nhớ 3 điều sau đây.

1. Khi ở bên nhau, vợ chồng cần tôn trọng, không oán trách

Cuộc sống vợ chồng sẽ càng hạnh phúc hơn khi đôi bên đều kiểm soát được lời nói và hành vi của mình. Thông thường, sau 2 năm kết hôn, nhiều cặp vợ chồng cảm thấy quá quen nên không để tâm đến lời nói và cử chỉ của bản thân. Sự lãng quên này khiến họ thốt ra những lời trách móc làm cho đối phương bị tổn thương. Thay vì nói những lời hỏi han quan tâm, họ lại thốt ra những câu buộc tội, oán trách.

Sau thời gian dài bên nhau, sức chịu đựng sẽ bị bào mòn. Do vậy, ngay cả khi xuất phát từ ý nghĩ muốn tốt cho người khác thì khi nói chuyện cũng cần cân nhắc đến cảm xúc của đối phương. Nếu dùng những lời nói phàn nàn đổ lỗi thì không khí gia đình sẽ càng căng thẳng và dẫn đến rạn nứt hôn nhân.

Cho dù là chuyện vụn vặt trong gia đình nhưng vợ hoặc chồng không suy nghĩ kỹ trước khi nói cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hạnh phúc. Cho dù cuộc hôn nhân được bắt đầu bằng tình yêu ngọt ngào như thế nào thì hai người vẫn là những cá thể độc lập, vẫn có những cái yêu và ghét trong bản thân mình.

Nói lời làm tổn thương người khác chính là việc làm ngốc nghếch nhất. Lúc sự việc xảy ra khiến bản thân không hài lòng, mỗi người cần phải giữ bình tĩnh trước khi lời thốt ra khỏi miệng. Nếu để mất bình tĩnh, người đó sẽ bị tình cảm chi phối mà quát tháo to tiếng hoặc chửi rủa oán trách. Cần phải lý trí khi đối diện mâu thuẫn và nghĩ cho đối phương trước.

Không nên vì nghĩ rằng bạn đời là người thân cận nhất mà tùy tiện phát ngôn. Nếu vợ chồng nói chuyện hòa ái với nhau thì cuộc sống sinh hoạt sẽ ngày càng hạnh phúc. Hơn nữa, trong gia đình không chỉ có vợ hoặc chồng mà còn có cha mẹ con cái. Cha mẹ cư xử như thế nào cũng ảnh hưởng lớn đến cách nói chuyện của con trẻ.

2. Khi bên con, lời nói khích lệ quan trọng hơn chê bai

Lời nói thường tác động mạnh đến cảm xúc người nghe, nó có thể mang đến sự ấm áp và cũng có thể gây tổn thương. Tổn thương tâm hồn còn nghiêm trọng hơn vết thương ngoài da, mặc dù những vết thương đó không ai nhìn thấy.

Nhà tâm lý học Susan. Dr. Foward có viết trong cuốn sách của mình: “Trẻ em không phân biệt được đâu là lời nói thật và đâu là nói đùa. Chúng sẽ tin những gì cha mẹ nói về bản thân và thay đổi theo cách của riêng chúng”.

Nhiều bậc cha mẹ mỗi khi ngồi vào bàn dạy con học là quát tháo đánh đập. Họ nghĩ rằng làm vậy mới giúp con tiến bộ, tuy nhiên loại hình giáo dục này không chỉ khiến con sợ hãi, mất niềm tin vào chính mình mà còn tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ. Những bé bị đánh đập nhiều thường rất tự ti, không tin vào năng lực của mình và hoài nghi mọi thứ. Cách giáo dục này không làm tổn thương con ngay lập tức nhưng nó giống như cây trâm từ từ đâm xuyên vào tâm hồn của trẻ theo năm tháng. Nhà giáo dục Nhan Nguyên thời nhà Thanh cũng từng nói: “Dạy trẻ 10 điều không bằng khen trẻ một điều”. Nếu như hàng ngày cha mẹ dạy bảo khích lệ con, cổ vũ chúng thì đứa trẻ sẽ ngày càng trở nên xuất sắc.

Trong tâm lý học có một hiệu ứng gọi là “Hiệu ứng Pygmalion”. Hiệu ứng Pygmalion giải thích rằng sự khen ngợi, tin tưởng và kỳ vọng sẽ đem đến một nguồn năng lượng tích cực có thể thay đổi hành vi của con người. Khi một người nhận được lời khen ngợi của người khác, anh ta cảm thấy rằng mình đã nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng giúp nâng cao giá trị bản thân. Anh ta sẽ trở nên tự tin vào chính mình, điều này tạo động lực giúp anh thỏa mãn mong đợi của người khác. Đồng thời, trong ngành tâm lý học giáo dục cũng có một khái niệm gọi là “Hiệu ứng Wenge Mary”. Hiệu ứng này cũng giải thích rằng khi được khen ngợi, người nhận được lời khen sẽ không ngừng nỗ lực cố gắng để trở nên tốt hơn.

Nếu cha mẹ và con cái có thể nói chuyện hài hòa với nhau, điều này cũng góp một phần rất lớn tạo nên hạnh phúc gia đình. 

3. Trong mối quan hệ với cha mẹ, cảm ơn quan trọng hơn phàn nàn

Cha mẹ dù nghèo hay giàu vẫn luôn cố gắng cho con những thứ tốt nhất. Do đó, phận làm con đừng bao giờ oán trách rằng “Bố nên là một người cha như vậy, mẹ nên là một người mẹ như vậy”…

Nếu cha mẹ không thể đáp ứng yêu cầu của bạn về mặt vật chất, hy vọng bạn không quên họ đã cho bạn tình yêu thương, để nuôi bạn khôn lớn họ đã phải hy sinh rất nhiều.

Mỗi thời đại khác nhau nên cách nghĩ và phương pháp giáo dục cũng khác. Do vậy, nhiều bậc con cái thường mâu thuẫn với cha mẹ về cách dạy trẻ. Tuy nhiên, dù vậy cũng không nên ghét bỏ cha mẹ hoặc chê bai họ suy nghĩ lạc hậu quê mùa. Hãy tôn trọng cha mẹ, hiểu họ, cảm thông và cảm ơn nhiều hơn.

Nhiều người không chịu được cảnh cha mẹ nói nhiều, nói đi nói lại mà oán trách họ. Kỳ thực, nói nhiều cũng là thể hiện của tình yêu thương. Mỗi ngày đều nhắc nhở con, chỉ có yêu thương mới nói nhiều như vậy. Cha mẹ sẽ không bao giờ nói nhiều với người không liên quan.

Nhà triết học người Anh, Bá tước Russell nói: “Sở dĩ gia đình quan trọng bởi vì nó là nơi thể hiện đầy đủ mối quan hệ tình cảm cha mẹ và con cái”. Trong Kinh Thi cũng có lời bài hát: “Thương thương cha mẹ, sinh con khó nhọc”. Một gia đình ấm áp rất cần đến tình thương và lòng biết ơn. Những người con hiếu thảo sẽ biết cách nói chuyện với cha mẹ. Họ hiểu được tấm lòng mẹ cha mà cố gắng khiến mẹ cha không phải phiền lòng. Cha mẹ mắng, con cái không oán giận, không nên để cảm tình bực dọc khiến cha mẹ đau lòng. Muốn vậy, cần nói những lời quan tâm và cảm ơn cha mẹ nhiều hơn nữa.

Bởi vì sự quan tâm của bạn thông qua lời nói có sức mạnh rất lớn. Khi nói chuyện thì nên thể hiện được sự bình tĩnh mà không thờ ơ, kiên định nhưng không cứng nhắc. Để gia đình luôn tràn đầy tiếng cười hạnh phúc thì các thành viên cần đối đãi với nhau bằng tình yêu thương. Bởi vì có yêu thương nên cần cân nhắc kỹ từng lời nói. 

Theo SecretChina 
San San biên dịch

Video xem thêm: Mẹ già rồi, xin đừng bao giờ nói những lời này với mẹ

videoinfo__video3.dkn.tv||ac56d9f85__