Không còn xa lạ trong tủ thuốc mỗi gia đình, tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, dầu gió có thể gây nguy hại cho sức khỏe. 

Những ai không nên dùng dầu gió?

Thông tin trên Sức khỏe Đời sống cho biết, dầu gió được chiết xuất từ các loại tinh dầu thảo dược từ thiên nhiên như khuynh diệp, hồi, quế, long não. Dầu gió có vị cay, tính mát, có tác dụng hạ sốt, ra mồ hôi, giảm đau, giảm ho, sát trùng,…

Trong dầu gió, tinh dầu bạc hà chứa methol và methyl salicylat. Menthol bốc hơi rất nhanh, gây tê tại chỗ và cảm giác mát lạnh khi xoa vào da. Nhưng khi dùng quá nhiều dầu gió có tác dụng phụ làm tăng bài tiết mồ hôi nên dễ gây hạ nhiệt.

Những người bị lở ngứa, ra mồ hôi, sốt cao, vừa ốm dậy, người suy nhược, táo bón, tăng huyết áp cần chú ý không nên dùng. Đặc biệt, tinh dầu bạc hà có nguy cơ gây hiện tượng ức chế tuần hoàn và hô hấp, dẫn đến ngừng tim và ngừng thở, vì vậy không nên dùng dầu gió cho trẻ em dưới 2 tuổi và phụ nữ có thai, đang cho con bú.

Ngoài ra, dầu gió còn có thể gây ra một số nguy cơ về sức khỏe.

Gây xung huyết trên da

Theo Khoa học Đời sống, trong dầu gió có thành phần methyl salicylate với các tinh dầu giúp vùng da được xoa dầu trở nên nóng nhanh, tăng tuần hoàn máu, giảm nhanh cơn đau và cứng cơ.

Tuy nhiên, tác dụng phụ của methyl salicylate là gây xung huyết da. Bởi vậy dầu gió chỉ nên được dùng làm thuốc bôi ngoài, xoa bóp; không dùng để uống và bôi lên vết thương hở.

Gây tổn thương hệ hô hấp

Dầu gió có thể gây kích ứng cho trẻ nhỏ, nếu dùng quá nhiều sẽ gây rách vùng màng nhầy mũi, họng, gây tổn thương cho hệ hô hấp, báo Sức khỏe cộng đồng đưa tin.

Lạm dụng dầu gió có thể gây tử vong

Bác sĩ Quách Tuấn Vinh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết trên VnMedia, các loại tinh dầu có thể làm ức chế các trung khu tim mạch và hô hấp ở trẻ nhỏ. Vì thế, nếu bố mẹ không biết mà lạm dụng dầu gió cho trẻ nhỏ có thể khiến trẻ bị ngừng tim, ngừng hô hấp, dẫn đến trẻ tử vong.

Bác sĩ Trần Văn Sóng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 chia sẻ với báo Pháp Luật, trước đây BV từng ghi nhận vài trường hợp bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch do bôi dầu gió lên vết thương chảy máu. Tuy nhiên, do được chữa trị kịp thời nên các bệnh nhân đều được cứu sống.

Có thể gây ngộ độc

Trong thành phần của dầu gió chứa eukalyptol và camphor, đặc biệt camphor là một chất độc đối với trẻ em. Nếu quá trình sử dụng không đúng, hấp thu nhiều vào cơ thể qua phần da trầy xước hay vô tình nuốt phải với lượng nhiều (khoảng 1g) có thể gây tổn thương hệ hô hấp, thậm chí ngưng thở.

Theo các chuyên gia, lượng camphor cho phép trong các chế phẩm dầu gió chỉ khoảng 3-11%. Khi bị ngộ độc, camphor có thể gây tác hại với những triệu chứng xuất hiện chỉ trong vòng 5-90 phút sau tiếp xúc, tùy vào lượng dầu nhiều hay ít. Các biểu hiện sớm là bỏng miệng, hầu họng, buồn nôn, nôn mửa, lừ đừ, sau đó là co giật, hôn mê, suy hô hấp nặng. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.

Sau khi sử dụng hoặc phát hiện bé uống phải có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ ngộ độc, người nhà cần đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi gần nhất để khám chữa.

Sử dụng dầu gió đúng cách

+ Không nên bôi dầu lên vùng mắt, niêm mạc, vết thương hở…

+ Bôi hoặc xoa bóp một lượng vừa đủ, không bôi quá nhiều dầu và trên diện rộng.

+ Không dùng cho người có tiền sử dị ứng với salicylate, menthol.

+ Chỉ dùng ngoài da, tuyệt đối không được uống.

Ngọc Mai (TH)

Video xem thêm: 72 tuổi, sức khỏe ‘trên cả tuyệt vời’, Tổng thống Trump khuyên thế hệ trẻ: Không rượu bia, thuốc lá

videoinfo__video3.dkn.tv||9114b7498__