Gần đây, một người Trung Quốc di cư đến Canada đã đăng tải trên mạng một bài viết về những phiền phức mà các cụ già mang đến cho con cháu khi di cư từ Trung Quốc rất thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Bài viết dưới đây xin phép được tóm tắt lại một vài câu chuyện trong chia sẻ đó.

Bắt ngỗng ở công viên về…. quay

Một cô gái người Trung Quốc học tập tại thủ đô Ottawa của Canada có cha ghé thăm. Một ngày đi học, cô ấy vô cùng sợ hãi và hoảng hốt khi có hai cảnh sát tìm đến nói chuyện với giáo sư vài câu, rồi “mời” cô ra ngoài. Thì ra là bố của cô sang thăm, ông ấy bắt một con ngỗng ở công viên hồ Ottawa mang về nhà làm ngỗng quay và bị người ta báo cảnh sát. Cảnh sát đến điều tra đúng vào lúc ông đang xắn tay áo vặt lông ngỗng.

Người già Trung Quốc sang nước ngoài mang theo rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười (Ảnh minh họa: rfa.org )

Ông ấy không biết tiếng, lại không chịu nhận lỗi, thậm chí còn kiên quyết rằng không để “quỷ Tây ức hiếp người Trung Quốc”. Ông hùng hồn nói “con gái muốn ăn ngỗng quay, tôi không trộm không cướp thì làm sao đây?!” và nhất định không chịu phối hợp. Cực chẳng đã, cảnh sát buộc phải rút súng ra, trực tiếp áp chế đưa về sở cảnh sát. Kết quả là ông bố bị phạt 786 đô la. Cô con gái là người bảo lãnh nên cũng bị lưu lại điểm xấu trong hồ sơ.

Được biết cho đến khi về nhà, người bố không những chẳng biết lỗi mà còn lớn tiếng quát: “Cũng đâu phải ngỗng nhà nuôi! Ở quê tôi mấy con ngỗng hoang đó ai bắt được thì là của người đó, là do mấy tên quỷ tây các người không ưa người Trung Quốc chúng tôi!”

Chuyện chiếc còi báo cháy

Một gia đình người Hoa định cư ở Canada nhiều năm có bố mẹ sang chơi một tháng. Khi các cụ nấu ăn, nghĩ là chỉ ra ngoài vài phút rồi quay lại nên không tắt lửa dẫn đến khói khởi động máy báo cháy gọi cảnh sát, cứu hỏa đến, còn khiến người dân mấy tầng lầu phải di tản. Kết quả chẳng những hai cái cửa trong nhà bị đội cứu hỏa phá, mà gia đình còn phải trả 1.000 đô la phí cho cảnh sát.

Thế nhưng các cụ vẫn không xem đây là bài học, lại còn không biết hối cải, tự cho là mình thông minh, dùng túi ni lông bọc hết các máy báo cháy lại, vậy là khói trong nhà họ làm máy báo cháy của nhà khác báo động. Cảnh sát đến điều tra mới biết tình trạng này, họ lập tức phạt 500 đô, đồng thời bảo hiểm nhà bị tăng lên gấp đôi liên tục 3 năm!

Hội chứng “ăn vạ”

Năm ngoái trên diễn đàn của Vancouver có bàn luận sôi nổi về một sự cố. Trên đường cao tốc 60 km/h, một cụ già người Trung Quốc dắt cháu đi qua đường, may mà người lái xe tránh kịp nên chỉ bị đụng nhẹ. Người lái xe lập tức xuống xe báo cảnh sát và đến hỏi thăm hai bà cháu. Không ngờ bà cụ vừa thấy thế thì kéo cháu ngồi vật ra đất kêu đau khiến người kia bối rối vội vàng gọi xe cấp cứu tới.

Cảnh sát đến nơi kiểm tra đoạn phim ghi lại trong xe mới biết rõ sự tình. Họ thông qua phiên dịch để nói với bà cụ rằng người chịu trách nhiệm chính là bà và phí chữa trị là do bà tự chi trả. Bà cụ lập tức gào khóc, la hét: “Mau đến xem người ta ức hiếp người già trẻ nhỏ người Trung Quốc này!”

Cảnh sát cho rằng bà sợ hãi quá nên dẫn đến hành động mất kiểm soát về cảm xúc. Họ lập tức tách hai bà cháu ra và đưa bà đến bệnh viện. Khi các con đến bệnh viện thì hóa đơn viện phí phải trả có giá hàng trăm đô la!

Hội chứng “ăn vạ” đang ngày càng thịnh hành ở Trung Quốc (Ảnh minh họa: China News)

Vẫn còn rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười vẫn diễn ra khi những người già Trung Quốc di cư đến nước ngoài. Ví dụ như vào ngày 27/6/201, một bà cụ 80 tuổi người Trung Quốc đã ném 9 đồng xu về phía động cơ máy bay để cầu bình an khiến chuyến bay phải hoãn 5 giờ đồng hồ. Hoặc chuyện các dì đeo túi Gucci, LV nhưng bên trong nhét đầy túi ni lông đựng thực phẩm, giấy cuộn trong nhà vệ sinh, giấy lau tay… Nếu chẳng may bị nhân viên phát hiện còn lớn tiếng: “Chẳng phải là lấy miễn phí sao? Tôi lấy nhiều hơn một chút thì sao nào? Cũng đâu có phạm pháp, hơn nữa chẳng phải chỉ có mình tôi lấy đâu!”.

Trên thực tế, người Trung Quốc xưa rất coi trọng lễ nghi. Dù là đi, đứng, nằm, ngồi, hay lời ăn tiếng nói, thì người xưa đều coi trọng lễ nghi và tinh thần trong quy phạm lễ nghi của họ luôn là cung kính khiêm nhường.Tuy nhiên trong xã hội ngày nay, đa số đã không còn hiểu về lễ nghi truyền thống nữa. Họ đã đánh mất truyền thống lễ nghi của tổ tông mình, thậm chí còn trở nên bất lịch sự và xấu xí đến mức khiến người khác ngán ngẩm. Trong bài viết trên có một đoạn được chia sẻ rất nhiều rằng:

Không phải là các cụ già Trung Quốc “xấu đi” mà là “người xấu” già đi.

Thiện Nam