Nếu bạn ngưỡng mộ và muốn có dịp được gặp gỡ riêng tỷ phú Warren Buffett, bạn hoàn toàn có cơ hội để làm điều đó, thông qua buổi đấu thầu từ thiện của Quỹ GLIDE, với mức giá… cao ngất ngưởng!
Cuộc đấu giá bữa trưa với Buffett được tổ chức nhằm gây quỹ cho GLIDE, một tổ chức từ thiện có trụ sở tại San Francisco, thực hiện những chương trình chống đói nghèo. Người vợ quá cố của Buffett, Susie, đã đưa ra ý tưởng này vào năm 2000 và tham gia cùng Quỹ GLIDE cho đến khi bà mất vào năm 2004.
Giải thưởng cho cuộc đấu thầu là một bữa trưa tại nhà hàng Smith & Wollensky tại New York, và người thắng cuộc có thể chọn tham dự bữa ăn một mình, hoặc với tối đa 7 vị khách khác. Khoản quyên góp mà những cuộc đấu giá mang lại chưa bao giờ là nhỏ, mức giá đưa ra đã thực sự tăng vọt trong những năm gần đây. Người chiến thắng giấu tên năm 2016 đã trả 3,4 triệu USD (hơn 77 tỷ VNĐ) cho đặc quyền trên. Những cuộc đấu giá vào năm 2014 và 2015 cũng đều đạt mốc hơn 2 triệu USD (hơn 45 tỷ đồng)… Cho đến năm 2017, tất cả các cuộc đấu giá đã tạo ra tổng cộng gần 24 triệu USD (hơn 545 tỷ đồng) cho Quỹ GLIDE.
Theo một nghiên cứu mới đây, trung bình một người Mỹ tiêu tốn hơn 1.000 USD mỗi năm cho những bữa ăn trưa tại nhà hàng. Vậy điều gì đã khiến những nhà đầu tư chi cả triệu đô cho một bữa trưa kéo dài 2 giờ 30 phút? Và Warren Buffett đã khuyên họ những gì?
Hãy luôn tiếp cận mọi thứ với lòng chính trực
Có một sự thật phũ phàng trong kinh doanh, đó là, rất nhiều người, để thành công, họ đã chọn cách tô hồng sự thật (tức là nói dối) để bán các dịch vụ đầu tư sơ sài cho các khách hàng nhẹ dạ. Tuy nhiên, nếu từng đọc tiểu sử về Warren Buffett của Roger Lowenstein, bạn sẽ nhận ra rằng, vẫn còn cách khác để kinh doanh thành công, đó là luôn trung thực.
Guy Spier, giám đốc quỹ đầu tư Aquamarine Fund, từng tốt nghiệp MBA tại đại học Harvard, người đã may mắn được ăn trưa cùng tỷ phú Warren Buffett, kể lại: “Khi tham dự đại hội cổ đông của Berkshire tại Omaha, tôi đã rất ấn tượng với sự cởi mở và trung thực của Warren Buffett với tư cách là chủ tịch kiêm CEO của Berkshire Hathaway. Thậm chí, ông còn nói cổ phiếu hạng B vừa phát hành của Berkshire không hề rẻ và ông sẽ không mua chúng ở giá này”.
Sau trải nghiệm đó, Guy Spier luôn cố gắng đối xử thật công bằng với các cổ đông. Ông luôn lấy phí rất thấp và đầu tư cả tiền tiết kiệm vào quỹ của mình nữa, để cùng kiếm tiền với khách hàng của mình. “Với trí tuệ và những phẩm chất đáng kính của Buffett, tôi chẳng có cơ hội nào đánh bại ông ấy. Nhưng ít nhất thì tôi cũng có thể làm tốt hơn công việc của mình”. Guy Spier thật thà chia sẻ.
Đặc biệt, để đánh giá được lòng chính trực của người khác, Buffett đã đưa ra một phương pháp độc đáo, ông hỏi họ: “Bạn muốn trở thành người yêu tuyệt vời nhất trên thế giới nhưng lại bị coi là kẻ tệ bạc vô cùng hay là muốn trở thành một người yêu tệ bạc nhất nhưng lại được biết đến như người tuyệt vời nhất thế gian? Nếu bạn biết cách trả lời đúng thì bạn là một người có lòng chính trực thực sự”. Đây là cách mà Buffett tìm kiếm những người bạn tuyệt vời và những nhân viên ưu tú. Ông luôn được biết đến là một tín đồ trung thành trong việc nuôi dưỡng lòng chính trực.
Hãy thoải mái nói “KHÔNG”
Warren Buffett đã từng nói: “Sự khác biệt giữa những người thành công và những người thực sự thành công là những người thành công thực sự nói không với hầu hết mọi thứ”. Và nhà đầu tư huyền thoại đã và đang sống theo lối suy nghĩ này.
Theo Bill Gates, người bạn thân của Buffett, một thói quen của Warren mà ông vô cùng ngưỡng mộ là rất giỏi nói “KHÔNG”. Buffett hiểu rõ mình muốn làm gì – và khi đã làm, ông làm cực kỳ tốt. Ông thích ngồi trong văn phòng của mình, đọc và suy ngẫm. Có vài thứ ông làm trái thói quen của mình, nhưng không nhiều. Buffett là người của thói quen: Ông lớn lên ở Omaha, và luôn muốn định cư ở Omaha. Ông có một mạng lưới quan hệ, và ông luôn muốn dành thời gian cho họ. Ông không phải là tuýp người muốn tìm kiếm cái mới. Ở tuổi 65, ông vẫn sống trong ngôi nhà mình mua năm 27 tuổi. Buffett cũng mang cả thói quen vào trong việc đầu tư. Ông gắn bó với những công ty mà ông cảm thấy thoải mái và không đầu tư nhiều ở nước ngoài. Có một vài công ty ông quyết định sẽ đầu tư dài hạn, và sẽ không bao giờ bán cổ phiếu dù cái giá có là gì đi chăng nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn, Gates nói rằng khi ông gặp Buffett lần đầu tiên vào năm 1991, Buffett đã cho ông xem lịch trình của mình và phần lớn đều trống rỗng. Điều này đã dạy người đồng sáng lập Microsoft một bài học sâu sắc, đó là “Hãy tự kiểm soát thời gian của mình”. Gates giải thích: “Điều này không có nghĩa là bạn đang cẩu thả với cuộc sống mà trái lại còn thúc đẩy bạn lấp đầy mỗi phút trong kế hoạch của mình”.
Buffet hoàn toàn không cảm thấy khó chịu khi có vấn đề xảy ra ngoài ý muốn, ông thoải mái nói không với những gì cho là không cần thiết cho dù có lý do gì chăng nữa. Ông không ngại cách mọi người nhìn nhận và đánh giá về mình, bởi ông cho rằng, mỗi người đều có cảm nhận riêng, và chúng ta không cần thay đổi việc ai đó đó nghĩ gì về mình. Quan trọng nhất vẫn là bản thân hiểu mình có đang làm đúng hay không.
Nhiều năm sau, không có gì thay đổi đối với Buffett, tỷ phú vẫn chứng minh cho thế giới thấy “sự tăng trưởng tuyệt vời một cách liên tục” của tập đoàn Berkshire Hathaway bằng khả năng nói KHÔNG của mình.
Hãy làm những điều bạn thích
Buffett khuyến khích những người trẻ hãy tìm việc làm mà họ thực sự yêu thích. Ông từng nói chuyện với 40.000 người tham dự hội nghị thường niên Berkshire Hathaway năm 2017 :
Khi bạn ra ngoài thế giới, hãy tìm công việc không phải với mục đích là cần tiền. Hãy suy nghĩ về những điều tốt đẹp khi bạn về già, về cuộc sống của bạn đã có điều gì ý nghĩa.
Và Warren Buffett đã luôn sống với những giá trị đó. Ông không có ý định tiêu nhiều tiền, với ông siêu xe hay du thuyền chỉ là những thứ “đồ chơi” và “cục nợ”. Ông sống giản dị trong căn nhà 5 phòng ngủ ở Omaha mua với giá 31.500 USD từ năm 1958, và dùng điện thoại nắp gập thay vì smartphone, ăn những bữa sáng trị giá 3 USD… bởi điều mà ông yêu thích là đem tài sản của mình phục vụ cho xã hội. Warren Buffett và vợ chồng Bill Gates luôn được biết đến là những người rất tích cực làm từ thiện.
Có thể nói, Warren Buffett kiếm tiền để làm từ thiện, và các con của ông sẽ chỉ nhận được một phần tài sản rất nhỏ, và thậm chí, họ còn không biết cha mình là một tỷ phú cho đến khi ngoài 20.
Hiểu Minh