Dù cả năm mải mê xuôi ngược đếm đong cho cuộc mưu sinh, trong tôi vẫn vẹn nguyên niềm nhớ thương về những bức vách đất được “mặc áo hoa ngày tết”; nhớ dáng má cần mẫn phủ giấy báo lên bao vết nứt bởi nắng mưa, gió bão khắc nghiệt nơi quê nhà…
Những bức vách, dù đã được ba trộn rơm với đất nhão và nhào thật kỹ, dùng tay là thật láng để chúng bám chắc vào sườn nhà nhưng cả năm hứng bao mưa nắng, gió thốc tạt vào nên vẫn bị nứt và bong ra từng mảng ở khắp các mặt của vách nhà. Có phía bị nước thấm lâu ngày chuyển sang màu nâu đen loang lổ. Và để che lấp khoảng vách nứt, loang lổ đó, những ngày cuối năm dù bận rộn thế nào, má vẫn dành thời gian để “làm mới” vách nhà đón năm mới. Với mong ước là khởi đầu một năm mọi thứ suôn sẻ, mùa màng được bội thu, con cháu được học hành bài bản…
Những ngày cuối năm, nhất là khoảng từ ngày đưa ông Táo, dù chộn rộn lo cấy vụ xuân, nổ cốm bánh in, làm bánh men, bánh thuẫn đón tết nhưng má vẫn không quên gom giấy báo cũ, chuẩn bị dán lại bốn bức vách đất đầy vết nứt thời gian. Đó cũng là thời điểm chúng tôi háo hức nhất vì sau mỗi phiên chợ, mới thấy dáng má từ xa, đã chạy ngay ra đón. Thể nào trong đôi quang gánh, lẫn trong những chai mắm nhĩ, cá khô, bó hương trầm… là những tờ báo cũ má xin được từ những người bán hàng trên huyện.
Những tờ báo cũ với đủ sắc màu, hình ảnh và con chữ là cả một kho tàng đối với những đứa trẻ nhà quê, bởi quanh năm chỉ biết đến sách giáo khoa trường làng và những buổi chăn bò trên cánh đồng thoai thoải gió. Trước khi má bắt đầu dán lên vách, đêm nào lũ bạn trong xóm cũng tập trung lại nhà tôi, chia nhau từng tờ báo để xem. Thế nhưng đã gọi là gom góp nên khi đang đọc ở trang này nhưng lại thiếu mất trang kia, thành ra cả bọn vẫn cứ ngẩn ngơ tiếc nuối.
Để chuẩn bị dán lên vách, má kêu mấy anh em dùng chổi bó bằng rạ lúa Đồng Nai (loại lúa có thân cao, hạt to, nấu thành cơm có màu nâu đỏ) quét khắp bức tường để loại bỏ mạng nhện và lũ gián hôi làm tổ. Năm nào cũng thế, vì má cho rằng: Tết có thể thiếu thốn vật chất nhưng mọi thứ vẫn phải gọn ghẽ tươm tất nhất có thể.
Khi đã gom đủ báo, má lấy ít bột sắn khuấy thành thứ hồ dẻo mịn. Xong, anh em chúng tôi chia nhau lấy từng tờ phết hồ vào một mặt báo để má dán lên bức vách bạc màu. Với những chỗ có nhiều kẽ nứt sâu, má cẩn thận vuốt giấy báo sao cho phẳng phiu, ưa nhìn nhất. Những tờ báo có nhiều hình ảnh, sắc màu, má để dành dán nơi nhà trên, báo hẩm màu hơn sẽ để dán nơi nhà dưới. Với tôi, tết đã thực sự trở về khi cả ngôi nhà được phủ lên “lớp áo mới”. Buổi tối, trên bộ ván bằng gỗ xoan mòn nhẵn, dưới ánh đèn dầu thi thoảng bị gió lay tạo thành khoảng tối sáng, bốn bức vách lại càng trở nên tươi mới lạ thường. Tôi hít hà mùi sương cuối Chạp, mùi của cây vườn đang nẩy lá ra hoa, mùi của giấy báo và tôi gọi đó là mùi của tết!
Và thể nào, mỗi lần dán xong bốn bức vách, bao giờ má cũng bảo: “Đêm nay tụi bây tha hồ ngủ, muốn lăn trở sát vào vách cũng không lo sợ bọ cạp nữa”. Má nói vậy bởi lẽ, trong mỗi vết nứt của vách, lũ côn trùng như kiến, gián và bọ cạp rất ưa ẩn nấp…
Rồi cũng đến lúc chúng tôi trưởng thành và chọn cho mình những ngã rẽ riêng thì mái tóc ba má đã bạc như sương khói. Gánh nặng lo toan học hành cho đàn con bớt đi, tiết kiệm chi tiêu dè sẻn nên ba má cũng dành dụm xây lại ngôi nhà khang trang hơn thay cho gian nhà mái tranh liêu xiêu, ẩm ướt mưa tạt năm nào. Mỗi khi cận tết trở về, nhìn bốn bức tường gạch quét vôi xanh vững vàng hơn, càng thương những tảo tần lam lũ của ba má. Thế nhưng trong từng giấc mơ len đầy gió núi, vẫn vẹn nguyên cảm giác được hít hà mùi giấy báo, được nhìn ngắm những “bức vách hoa” đón tết thuở nào. Và thi thoảng trên đường phố tấp nập, gặp một người mua đồng nát chở những chồng giấy báo với đủ sắc màu, bất giác thấy trái tim mình xao động, vợi thương những cái tết xa lắc.
Có lẽ chính những chắt chiu đong đếm của một thời khó nhọc đã tạo ra bao nhiêu cái tết ấm áp vuông tròn cho những đứa trẻ quê như chúng tôi. Để sau này, trên bước đường cơm áo, dẫu công thành danh toại hay vấp váp, tôi vẫn nương vào những yêu thương cũ để vững vàng hơn. Và những “bức vách hoa” thuở nào sẽ mãi mãi là vùng ký ức nhớ thương để tôi luôn hướng về quê hương nguồn cội!
Nguyễn Văn Hòa – Phú Yên