Tôi có đứa cháu gái ngoại tên gọi ở nhà là Nghé. Nghé rất hiếu động, nghịch ngợm, và cũng khá là dẻo mỏ. Nghé rất thích ăn những món ăn dân dã nhà ngoại, kể cả dưa cà, tương mắm.

Hồi mới lên 4 tuổi, chiều cuối tuần sang chơi, vừa đến cửa, Nghé đã véo von:

– Bà ơi bà, cháu đã ngửi thấy mùi thơm món ăn bà nấu. Bà ơi, món gì đấy ạ?

– Ôi cháu bà. Canh dưa nấu cá đấy. Lát bà lấy chan cơm cho Nghé ăn nhé.

Ôm con bé vào lòng, hít hà mái tóc thơm thơm của cháu, sao bỗng dưng tôi nhớ bà ngoại của tôi, tức kỵ ngoại của Nghé đến thế. Nhớ một chiều chớm đông, tan học vừa về đến cửa nhà, đã nghe thấy mùi canh dưa từ bếp bay ra thơm nức. Chưa kịp cất cặp sách, tôi đã lao thẳng vào bếp nũng nịu với bà ngoại. Bà ngoại đầu buộc khăn mỏ quạ, áo kép sờn tay, đang lúi húi bên bếp mùn cưa vần nồi cơm sắp chín. Bên cạnh là nồi canh dưa đang đặt trên bếp than quả bàng sôi lục bục.

Ảnh minh họa (nguồn: Học văn hay).

– Bà ơi, cho con nếm một thìa nước canh trước đã, con thèm quá.

– Xấu mặt chưa? Về nhà chưa rửa mặt rửa tay đã máy mép, máy môi. Một tí nữa mới được. Cho mấy con cá tép nó nhừ đã. Không thì ăn hóc xương. Nhìn bà đang thái hành răm đây này. Đi sắp bát, sắp mâm đi.

Chao cái mùi thơm của món canh dưa nó kỳ diệu làm sao. Khôn tả nổi. Chỉ biết là cứ thoảng nghe mùi của nó, không thể đừng ứa nước miếng thèm cơm. Nhất là trong cữ đông về, rét mới.

Nhà ngoại tôi đúng lối thị dân Hà Nội cũ. Cuộc sống có lúc thăng, lúc trầm. Khi giàu có, lúc gian truân. Nhưng bà tôi, mẹ và dì Hai vẫn duy trì một nề nếp nội trợ cơ chỉ, tằn tiện. Gà vịt, thịt thà ngày thường rất hiếm. Duy nhà lúc nào cũng sẵn sàng ba bốn vại dưa cà.

Lúc dưa mới muối xổi thì ăn sống. Bữa ăn kèm thịt luộc. Bữa ăn cùng cá kho. Bữa ăn với đậu rán. Sáng sớm ăn cơm rang với dưa, thứ dưa mới muối qua ngày vừa kịp ngả hanh vàng, hoặc ăn cơm rang với dưa muối chua vắt ráo, cho lẫn vào lúc rang cơm để ngấm mỡ mắm, thì ngon vô kể.

Thời bao cấp, sáng sớm trước khi đi học, có khi chỉ kịp và vội bát cơm nguội với nước dưa chua, nhón thêm mấy miếng tóp mỡ giòn tan, là cũng đã phấn khởi nhảy chân sáo đến trường. Khi nào vại dưa đã ngấu chua, nếu là dưa cải củ, thì đem xào với khúc nõn đuôi lợn, hoặc xào cùng mấy miếng diềm thăn bò. Đôi lúc chỉ cần xào cà chua tóp mỡ. Tất cả đều rắc thêm chút hành răm. Xào xong những món như thế, dì tôi thường phải xúc riêng một đĩa để phần cho bố tôi nhắm rượu. Không thì đám con cái hơn chục đứa, nó gắp chéo tay nhau thì nháy mắt hết trơn.

Dưa cải sen muối mùa hè, hay dưa cải bẹ Đông Dư mùa đông mà chín ngấu, thì đem xào hay nấu đều ngon, chứ dưa cải củ, nhà không nấu bao giờ, do mẹ tôi chê nó cứng quèo quèo. Nhà hầu như tuần nào cũng có dưa mới rồi dưa chua, nên tuần nào cũng có bữa canh dưa nấu, hoặc là với lạc giã, hoặc là với sườn lợn hay gân bò. Đơn giản hơn là nấu tóp mỡ cùng cà chua. Nhưng tôi thích nhất là món canh dưa nấu cá tép vụn, thích có khi hơn cả canh dưa nấu cá trê nữa.Thi thoảng dì tôi hay ru các em bé:

Chồng chê thì mặc chồng chê
Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ

Tuy nhiên, nhà tôi không mấy khi chịu cảnh dưa khú, cà thâm bao giờ. Bởi cả hai bà cùng với dì và mẹ đều rất khéo tay. Dân gian truyền rằng, những người đàn bà muối dưa cà khéo phần nhiều hay vất vả. Có lẽ cũng đúng vậy chăng? Sáng sớm, mẹ tôi ra chợ Hàng Bè, rẽ vào lối ngõ Trung Yên hay ra mạn cuối ngõ Cầu Gỗ, nhắm đến mấy hàng tôm cá vặt của bà con ngoại thành đem vào. Bà chọn mua lấy một mớ cá tép vụn gồm cả đòng đong, cân cấn, săn sắt, cá cờ, đôi khi lẫn mấy con cá mương, cá dầu, cá rói nho nhỏ, với mấy con tôm tép vụn. Thứ đó rẻ lắm. Bà lựa thêm chút hành răm, cùng mấy quả cà chua, mấy cây xà lách, mớ thơm, mớ mùi, mớ tía tô, canh giới, rau thơm và khúc nõn chuối hột. Ngày trước, rau lá đúng mùa lắm. Chỉ đầu đông mới có cà chua, xà lách, rau mùi mà thôi.

Mớ cá tép đem về, bà sai chị em tôi nhặt sạch, bỏ ruột. Thi thoảng chúng tôi nghịch ngợm còn bắt riêng mấy con cá cờ, săn sắt còn sống đem thả vào âu nước, cho nó bơi tung tăng, nhìn rất thích. Mẹ tôi cũng chả tiếc mấy con săn sắt, cá cờ, vì chê chúng cứng xương, ăn thì có khi dễ hóc. Bà dặn đem nướng mấy con săn sắt, cá cờ ấy để riêng phần cho con mèo mướp. Nhưng cứ ngoảnh đi ngoảnh lại là con mèo mướp nó đã khoắng sạch mấy con cá cờ đang bơi rồi. Cần gì nướng nấu nhiêu khê.

Cá tép rửa sạch vẩy ráo, đem ướp chút muối tiêu. Lát sau đem rán sơ qua trên chảo mỡ. Mẹ tôi dặn là chỉ rán sơ qua, vừa chớm vàng thôi, chứ đừng rán quá cháy, mà canh sẽ mất nước ngọt. Cá rán rồi gắp riêng ra chiếc nồi to. Để nguyên chảo mỡ trên bếp, rắc vào mấy nhánh hành khô đã đập giập, phi cho thơm lên, rồi cho mấy nắm dưa chua đã vắt ráo vào xào tiếp với chút mắm muối cho vừa vặn. Đừng cho mắm muối quá tay, vì dưa đã đậm rồi đấy. Mẹ tôi luôn nhắc như thế. Dưa chín mềm thì cho cà chua vào xào lẫn, thêm mấy miếng tóp mỡ nữa thì nhất.

Lấy nước sôi tráng chảo, chứ đừng cho nước lã mà tanh đấy, mẹ dặn thế. Nước tráng chảo dưa xào cà chua, đem đổ vào nồi cá tép đun sôi bùng lên, rồi vặn nhỏ lửa cho cá tép tiết ra nước ngọt. Sau đó mới đổ dưa xào cà chua tóp mỡ vào nồi cá, cùng đun âm ỉ thêm một lát là được. Lúc múc canh ra, thả vào chút rau răm hành hoa thái nhỏ. Có nhà hay quen ăn canh dưa rắc hành hoa, thìa là, nhưng nhà tôi xưa nay đều dùng hành hoa, rau răm, thành ra quen thành nết. Sửa đi thật khó. Mà thôi chả sửa nữa, để mỗi khi ăn lại có dịp hồi nhớ ngày xưa.

Ảnh minh họa (nguồn: Báo Vĩnh Long).

Cũng có khi thèm canh dưa nấu cá tép, mà vại dưa nhà đã hết, mẹ tôi ra chợ mua cân dưa nén sẵn của các bà dưa cà Đình Gừng dưới làng mạn Khương Hạ đem lên. Dưa các bà muối, quái lạ, cả cây cải sen nhỏ nhắn, hay câu cải Đông Dư to đùng, dù để lâu qua mấy tháng nó mà chúng vẫn vàng ruộm và chua gắt. Chỉ mỗi tội là đắt có khi gấp đôi dưa nhà muối. Mẹ tôi bảo rằng các nhà muối dưa Đình Gừng thường kén dưa già, đanh cây, muối mới để được lâu như thế.

Dưa Đình Gừng đem nấu canh, thì nhớ đun thêm một lúc so với nấu dưa nhà, bảo đảm là nồi canh lại thơm nức thêm một bậc đó, chẳng bao giờ sai đâu. Hay là có ai đi chơi trung du về làm quà cho nắm dưa đọt sắn muối chua, thì đem nấu cá tép cũng thật tuyệt vời đó. Lạ miệng tốn cơm đừng hỏi.

Lâu nay, các hàng bia Hà Nội thường có món cá chép om dưa khá đắt khách. Nhưng mà cá chép đa phần là cá chép nuôi tăng trọng, thịt nó bở bùng bục. Chưa đụng đũa đã rã rời rời. Và dưa thì lắm thuốc tăng trưởng, muối đại trà bằng xô chậu nhựa, rất dễ thâm khú và lắm độc hại. Bên khay cá om dưa ấy, chủ yếu là các ông chồng chiều tan làm ngồi chém gió cùng đám bạn bia thân hữu. Toàn chuyện trên trời dưới bể. Kinh tế vĩ mô, chính trị thế giới. Một chốc thì xoay sang chân dài, xe mới. Có khi đêm tối mới khệnh khạng về đến cửa. Cơm nhà bỏ bữa đã quen. Hoặc là nuốt cố lưng bát, ngoại giao lấy lệ cho xong. Vợ chờ con đợi chán mãi cũng thôi. Làm sao mà nhớ nổi cái hương vị ấm nồng bát canh dưa chiều đông ấm thuở hàn vi xa ngái ngày xưa.

Ngày xưa ấy. Tháng Mười về, sau Tết cơm mới, gió bấc ào ạt trên mái nhà. Phố xa chấp chới lên đèn. Bố vừa đi làm về, áo bông sờn treo vội đầu giường. Mẹ ngồi múc canh dưa ra chiếc âu trắng men to đùng. Dì Hai bốc rau ghém ra chiếc đĩa sứ sâu lòng. Chị em tôi tíu tít so đũa, xới cơm. Nồi cơm gạo mới ở quê gửi lên vừa chín nục. Bữa cơm có món canh dưa nấu cá tép nhừ xương, chỉ ăn với rổ rau ghém to đùng tươi rói, lá xà lách xanh nõn, nhánh tía tô tím ngắt, lát thân chuối trắng ngần, thêm bát nước chấm mắm dấm tỏi ớt đặt giữa mâm, thì cũng đã thủng nồi trôi rế. Nếu thêm đĩa đậu rán nữa thì đã thành đại tiệc. Ăn rào rào, phồng mồm trợn má vì đám rau ghém đủ các thứ.

Cuối bữa, bố tôi bảo dì Hai:

– Còn ít canh nào, sáng mai đun lại. Cho tôi bát cơm nguội ăn đi làm, còn ngon hơn ăn phở. Canh dưa, giả cầy, đun 2 lửa càng ngon.

Không biết ai đã từng viết câu thơ:

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà.

Bao năm tôi ngẫm nghĩ, chỉ muốn chế câu thơ ấy thành ra thế này:

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe khói canh dưa đã nhớ nhà.

Vũ Thị Tuyết Nhung

Bài viết đã được ĐKN biên tập lại. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Hãy trở về với mẹ thôi em, mâm cơm chiều còn chừa đôi bát đũa…

videoinfo__video3.dkn.tv||675e7dbae__