23 năm trước, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất 1992 được tổ chức ở thành phố Rio de Janeiro, Brazil, một cô bé 12 tuổi đã đứng trước hàng trăm đại biểu cao cấp của các quốc gia để phát biểu về những vấn đề nhức nhối nhất của toàn cầu khi ấy.

“Tôi ở đây để lên tiếng thay cho tất cả những thế hệ mai sau; Tôi ở đây để lên tiếng thay cho những trẻ em đang chết đói trên khắp thế giới mà tiếng khóc cầu cứu không còn ai nghe thấy; Tôi ở đây để lên tiếng thay cho muôn vàn động vật đang chết dần chết mòn trên hành tinh này vì chúng chẳng còn nơi nào khác để đi…”

Và đó là một phần mở đầu trong bài diễn văn hùng hồn của Severn Cullis-Suzuki, cô bé đến từ thành phố cảng Vancouver, Canada.

Severn (thứ hai từ trái sang) và nhóm bạn tại hội nghị Trái Đất năm 2012 (Ảnh: Severn Cullis-Suzuki, Facebook)
Severn (thứ hai từ trái sang) và nhóm bạn tại hội nghị Trái Đất năm 2012 (Ảnh: Severn Cullis-Suzuki, Facebook)

“Tôi chỉ là một đứa trẻ và không có được tất cả các giải pháp, nhưng tôi mong các vị hãy nhận ra rằng: chính các vị cũng thế. Các vị không biết cách vá lại các lỗ hổng trên tầng Ozon; không biết cách mang cá hồi trở lại những dòng suối đã cạn khô; không biết cách làm sống lại các loài vật đã tuyệt chủng; và các vị cũng không thể biến những cánh rừng sa mạc giờ xanh tươi trở lại. Nếu không thể tìm cách phục hồi, vậy xin đừng tàn phá nữa!”

Severn là đại biểu vô danh được chấp nhận đứng lên phát biểu vào phút chót, đó cũng đồng thời là bài thuyết trình chuẩn bị vội vàng trên chuyến taxi tới hội nghị, nhưng những gì được trình bày trong 6 phút đồng hồ ấy lại là điều duy nhất khiến bất kể ai có mặt tại khán phòng phải rưng rưng cảm động.

“Dẫu chỉ là một đứa trẻ nhưng tôi hiểu rằng, tất cả chúng ta đều là một phần của đại gia đình hơn 5 tỷ người, thực tế, là của 30 triệu giống loài. Chúng ta cùng sẻ chia không khí, nước uống, và đất đai. Ngay cả biên giới quốc gia hay các chính phủ cũng không thể thay đổi được điều đó”.

Severn (ngoài cùng bên phải) và nhóm bạn tại hội nghị Trái Đất năm 2012 (Ảnh: Severn Cullis-Suzuki, Facebook)
Severn (ngoài cùng bên phải) và nhóm bạn tại hội nghị Trái Đất năm 2012 (Ảnh: Severn Cullis-Suzuki, Facebook)

Đây là lần đầu tiên thế giới biết đến Severn, cô bé 12 tuổi luôn trăn trở trước những tàn phá và hủy hoại sự sống xanh mà ít người bận tâm đến. Nhưng tại thời điểm đó, không mấy ai biết rằng Severn đã từng tham gia bảo vệ môi trường từ khi mới 6 tuổi, từng thành lập tổ chức trẻ em vì môi trường (ECO) ở tuổi tên 10, từng quyên góp tiền để mua thiết bị lọc nước cho người dân Malaysia khi biết rằng nguồn nước của họ đang nhiễm bẩn, và từng phải gây quỹ cùng với nhóm bạn để có đủ lộ phí vượt 8000 km từ Canada tới Brazil tham dự hội nghị. Tất cả mọi nỗ lực, không ngoài mục đích nào khác, chỉ là để nói với nhà lãnh đạo của các quốc gia rằng: Chúng ta cần phải thay đổi.

“Dẫu chỉ là một đứa trẻ nhưng tôi hiểu rằng, nếu tất cả những đồng tiền chi phí chiến tranh kia được sử dụng cho việc chấm dứt đói nghèo, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề môi trường, và đi tới một hiệp ước thì Trái Đất này sẽ tuyệt đẹp tới nhường nào!”

Hơn 20 năm trước, bài thuyết trình của cô bé 12 tuổi Severn đã làm cả thế giới nín lặng. Ai đó có thể đã hy vọng rằng những thay đổi sẽ được thực hiện sau đó khi chứng kiến nỗi xúc động của các nhà lãnh đạo từng tham gia hội nghị. Nhưng thực tế là, tất cả những băn khoăn mà Severn bày tỏ vào năm 1992 vẫn đang là các vấn đề nhức nhối nhất hiện nay. Môi trường vẫn tiếp tục bị hủy hoại, các loài động vật vẫn ngày càng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, chiến tranh vẫn bùng nổ, bệnh tật và đói nghèo vẫn cướp đi hàng triệu sinh mạng mỗi năm…

Alison trên đảo rác ở Maldives. Bộ phim về Maldives của cô góp phần làm thay đổi thế giới, và sau khi bộ phim được công chiếu, rác đảo Maldives đã được thu dọn sạch sẽ (Ảnh: ‏@AlisonAdventure, Twitter)
Hình ảnh quen thuộc trên đảo rác Thilafushi ở Maldive (Ảnh: ‏@AlisonAdventure, Twitter)

Đâu đó tại “Thiên đường” du lịch Maldive, nơi được ví như những viên ngọc trên biển Ấn Độ Dương, người ta phải dành riêng một hòn đảo nhân tạo để chứa rác thải của con người. Đó chính là đảo rác Thilafushi, nơi đón nhận 330 tấn rác mỗi ngày. Các chất và khí thải ở Thilafushi gây ô nhiễm trầm trọng đối với hệ sinh thái và sức khỏe của con người tới mức phong trào Bluepeace đã miêu tả hòn đảo này là “một quả bom độc hại”.  

Tình hình thiếu nước sạch đang hoành hành ở châu Phi. (Ảnh: YouTube)
Tình hình thiếu nước sạch đang hoành hành ở châu Phi. (Ảnh: YouTube)

Ở châu Phi xa xôi, nước sạch là cả một giấc mơ xa vời. Đối với họ, mỗi ngày đều là một hành trình kiếm tìm nguồn nước. Người dân Phi châu không ngại đi bộ quãng đường dài từ sáng sớm cho đến chiều tà, đào sâu xuống lòng đất chỉ để mang về một can nước đục cho gia đình.

Những ví dụ nêu trên chỉ là một phần rất nhỏ trong các vấn đề mà con người đang phải đối mặt: Ô nhiễm, bệnh tật, nghèo đói, chiến tranh, chặt và tàn phá rừng,… Tất cả đều là hệ quả trực tiếp từ cách thức chúng ta khai thác và đối xử với tự nhiên.

Thiết nghĩ, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Chúng ta không thể trông chờ vào một chính phủ hay tổ chức nào đó làm nên điều khác biệt nếu như mỗi người không thể thay đổi từ những việc làm cụ thể hàng ngày.

Hồng Liên

Xem thêm: