Nguyễn Vũ Linh (Hà Nội), cô gái vừa giành được học bổng 6 tỷ đại học Mỹ, sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, bố mất sớm. Một mình nuôi con ăn học, mẹ cô quanh năm suốt tháng làm lao công, đi lau dọn nhà thuê, với mục tiêu lớn nhất cuộc đời là vì con.
Nguyễn Vũ Linh là học sinh Trường Quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội (UNIS). Cuối tháng 11/2017, Linh vừa nhận được một suất học bổng toàn phần có giá trị khoảng gần 74.000 USD/năm của Đại học Vanderbilt – trường đại học tư thục nằm trong top 15 các trường đại học quốc gia (Best National university) của Mỹ. Học bổng của Linh bao gồm vé máy bay, học phí, nhà ở và ăn uống. Linh gọi suất học bổng mà cô giành được là “giấc mơ 4 năm của em”.
Theo học tại UNIS, Linh được tiếp cận thông tin nhiều trường đại học Mỹ khi đại diện các trường tới giới thiệu. Linh tìm hiểu về Vanderbilt và thấy văn hóa của trường rất phù hợp với tính cách của mình. Đặc biệt, Linh có đọc khảo sát và thấy sinh viên của trường rất hạnh phúc về những việc mình làm – đó là lý do khiến Linh bị hấp dẫn và quyết tâm giành được học bổng vào ngôi trường này.
Người mẹ với mục tiêu lớn nhất đời là cho con gái đi học
Nhận được học bổng danh giá, người đầu tiên mà Linh nhớ đến là mẹ. Khi vừa biết tin, cô gái gọi ngay cho mẹ nói “con đỗ trường con mơ rồi!”. Sau đó người mẹ chỉ hỏi “Con có vui không, có hạnh phúc không”. Có lẽ ẩn chứa trong câu nói đó, mẹ đang giấu một niềm xúc động và yêu thương con vô bờ. Cô gái 18 tuổi chia sẻ: “Mẹ không được học nhiều, chỉ học hết lớp 3. Mẹ chỉ biết ký tên mình và đọc cơ bản. Một bài báo mẹ đọc cũng chưa chắc đã hiểu hết nội dung. Nhưng mẹ không bao giờ hỏi em điểm số”.
Linh kể, cô có tuổi thơ cơ cực, ông bà ngoại và nội mất sớm, mẹ từ Nam Định lên Hà Nội mưu sinh. Bố mất khi Linh lên 4 tuổi, để lại 2 mẹ con sống bơ vơ trong căn nhà trên phố Hàng Bông (Hà Nội) mà ông bà nội để lại. Ngày đó, hai mẹ con sống nghèo khổ đến nỗi ốm mà không có tiền đi bệnh viện, ăn cơm chỉ có mỗi nước mắm.
Mẹ cô còn mắc căn bệnh hiếm khiến mặt nổi những nốt mụn nên chỉ xin được những công việc lao động chân tay, thậm chí còn bị người ta dè bửu, mắng chửi. Tuy nhiên, người mẹ ấy dồn nén tất cả nỗi cơ cực, đau thương lại chỉ để có một công việc, kiếm tiền trang trải nuôi con ăn học. Cuộc sống vất vả, mẹ vẫn đầu tư cho Linh đi học tiếng Anh từ sớm. Sau đó, nhờ mọi người trong phường và hàng xóm xung quanh thương nên xin cho mẹ cô đi làm lao công để kiếm thêm thu nhập. Khi Linh học lớp 4, cuộc sống của 2 mẹ con mới gọi là khá hơn.
Những năm gần đây, mẹ Linh không được phân công quét dọn đường phố nữa mà chuyển sang dọn dẹp, vệ sinh cho phường. Ngoài giờ làm, ở đâu thuê người mẹ cũng nhận. Buổi tối, bà tranh thủ rửa bát thuê cho quán lẩu gần nhà.
Cho đi và nhận lại
Đối với Linh, để có được thành tích học tập đáng mơ ước như vậy là do “Em gặp quá nhiều người tốt”, cô gái nói. Mẹ con Linh không quên ơn những người đã giúp đỡ mình lúc khó khăn.
Đặc biệt, cô giáo chủ nhiệm Lê Phương Mai – lớp chuyên Anh, Trường THCS Nguyễn Du, chính là người đã giang tay cưu mang. Cô Mai cũng coi Linh như con và còn trả tiền học thêm cho tất cả các lớp mà cô gái theo học. Từ đó đến nay, cô Mai vẫn thường xuyên nhắn tin hỏi thăm “con gái nuôi”: “Dạo này con thế nào rồi?” hay “Con thức đêm nhiều vậy, ngủ sớm đi con”. Linh kể đi đâu cũng gặp người tốt và được giúp đỡ. Chính vì mang ơn quá nhiều người nên mơ ước của cô gái 18 tuổi là được “cho đi”. “Em muốn được làm việc cho Liên Hợp Quốc, được trực tiếp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em Việt Nam, của những người phụ nữ thiệt thòi như mẹ và những đứa trẻ sinh ra trong khó khăn như bản thân em”, Linh nói.
Trong bài luận nộp vào Vanderbilt, có đoạn Linh viết: “Bố là người lao động đường phố. Mẹ hay bị người ta bắt nạt cũng vì không có bằng cấp… Rất nhiều đứa trẻ giống em, sống trong khó khăn và đi theo con đường lệch lạc. Em muốn trở thành tiếng nói cho những đứa trẻ lạc lối ấy, cho những người yếu thế”.
Năm lớp 9, Linh đã bắt đầu tham gia dạy từ thiện cho làng trẻ em SOS và kế sau đó là các trẻ em bờ sông Hồng thuộc tổ chức School on Boat. Linh cũng là người sáng lập Trạm cứu hộ chó mèo của trường UNIS, có nhiệm vụ tuyên truyền về quyền động vật và gây quỹ cho nhóm lớn.
Cô gái nhỏ bé này cũng là người điều hành tích cực của quỹ từ thiện SANSE, được xây dựng nhằm mục đích giúp đỡ trẻ em dân tộc thiểu số ở Bản Liền, Lào Cai. Trong tháng 2, tháng 3 tới, quỹ sẽ trao học bổng cho 5-10 em để các em có thể tiếp tục được học cấp 3.
Trường Quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội (UNIS) mà Nguyễn Vũ Linh đang theo học là ngôi trường chỉ có 20% học sinh là người Việt Nam. Trường học này vốn dành cho con em của các quan chức nước ngoài làm việc ở Việt Nam. Học phí của ngôi trường nằm ngoài khả năng của gia đình Linh. Thậm chí, nếu đủ khả năng chi trả, các ứng viên cũng phải nằm trong danh sách chờ rất lâu. Linh có được một suất học ở đây cũng là nhờ giành được học bổng toàn phần của trường trong 4 năm học cấp 2. Số lượng học bổng mà trường trao tặng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lúc nhận học bổng UNIS, Linh đã học hết lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du, nhưng để có thể làm quen với môi trường mới, Linh được sắp xếp học lại từ năm lớp 9.
Ảnh: Vietnamnet
Mỹ Duyên