Eibenthal là một ngôi làng nằm ở hạt Mehedinti, miền núi phía Tây Romania. Điều đặc biệt ở đây chính là một mẫu hình “không tưởng”: họ không cần cảnh sát, bởi căn bản là không hề tồn tại nạn trộm cắp. Ngay cả để tiền ở bên đường cũng không ai lấy đi.

Ngôi làng Eibenthal có khoảng 300 cư dân đang sinh sống. Họ nổi tiếng với lối sống ôn hòa và tôn trọng lẫn nhau. Ở làng này không có sở cảnh sát, bởi vì thật ra cũng không cần. Ở đây hầu như không hề có nạn trộm cắp, tỷ lệ phạm tội cũng thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước.

Người ta nói, tình trạng trị an ở Eibenthal rất tốt, dù tiền ở bên đường cũng sẽ không có ai lấy đi. Người dân làng thường sẽ để tiền mua bánh mì ở trong túi và để lại tờ giấy có ghi số lượng muốn mua, sau đó treo ở nơi dễ thấy bên đường. Khi nhân viên giao bánh mì ở gần làng lái xe đi ngang qua, họ sẽ để lại bánh mình theo số lượng trên giấy rồi lấy tiền và thối tiền vào trong chiếc túi. Cách mua bán này đã kéo dài hơn 20 năm và chưa từng có ai bị mất tiền cả.

Ngôi làng Eibenthal. (Ảnh dẫn qua: travel.tribunnews.com)

Chia sẻ với đài Euronews, ông Stefen Benedict (75 tuổi) nói rằng: “Tôi cứ để cái túi ở đó, sau đó vào nông trại làm việc. Đến chiều tối tôi sẽ về lấy bánh mì và tiền thừa.”

Còn bà Augustina Pospisil (40 tuổi) thì cho biết bà mua bánh mì bằng cách này đã 15 năm. Bà chưa từng bị mất bánh mì hay tiền, và cũng chưa nghe thấy ai phàn nàn về việc bị mất thứ gì cả.

Được biết, cách mua bán ở ngôi làng này bắt đầu từ năm 1996. Sau cuộc cách mạng năm 1989, tiệm bánh mì duy nhất trong làng phải đóng cửa, người dân làng đành phải mua bánh ở tiệm cách làng 20 km. Nhưng nhân viên giao bánh 2 ngày mới đến một lần nên người dân phải canh chừng. Sau này có người nghĩ ra một cách đơn giản. Ông để tiền và tờ giấy có viết số lượng cần mua vào một chiếc túi, treo trước cửa nhà rồi đi làm. Mọi người lần lượt làm theo, và cách mua bán này đã được gìn giữ cho đến ngày hôm nay.

Ảnh dẫn qua: baomoi.com

Không chỉ mua bánh mì bằng sự tin tưởng, người dân Eibenthal cũng vô cùng tôn trọng tài sản riêng của nhau. Nếu không được cho phép, họ sẽ không tự vào vườn nhà người khác. Khi có việc gì đó, họ sẽ đứng trước cửa gọi chủ nhà, sau khi được mời thì họ mới vào. Nếu không được đáp lại thì họ sẽ rời đi.

Trưởng thôn Victor Doscocil cho biết, ông rất vui khi người dân trong làng giữ được truyền thống như vậy cũng như không phải lo lắng về nạn trộm cắp. Ông cũng cho hay, mọi người ở đây đều được dạy dỗ từ bé rằng: nếu họ cần thứ gì của ai đó thì hãy mở lời nói với họ chứ đừng trộm cắp.

***

Sống trong xã hội hiện đại với những chuyện thị phi khó phân biệt, đức tính trung thực càng trở nên đáng trân quý. Nó không chỉ làm cho sự gian dối, giả tạo không còn đất sống, mà còn biết cách làm cho tâm hồn con người và cộng đồng ngày càng trở nên trong sạch. 

Đức tính trung thực càng trở nên đáng trân quý (Ảnh: change.org)

Lòng trung thực dường như không đem lại cho chúng ta sự giàu có và quyền lực ngay lập tức, nhưng nó mang đến cho chúng ta một xã hội công bằng, mang đến sự tin tưởng giữa người với người. Ngược lại, gian dối và không trung thực sẽ biến ta thành những kẻ giả tạo; đạo đức cũng theo đó mà dần dần bị hạ thấp. Cuối cùng, điều tồi tệ nhất chính là phá bỏ đi nét đẹp chân chính trong mỗi con người.

Thiện Nam

(Theo Đài Euronews)

videoinfo__video3.dkn.tv||34b6477c4__