Nghiên cứu mới phân tích hành vi ứng xử của người dân Trung Quốc chỉ ra phương thức canh tác có mối liên hệ với các ứng xử của con người và môi trường xung quanh.
Nghiên cứu do Phó giáo sư Thomas Talhelm và giảng viên William Ladany thuộc Đại học Chicago Booth School of Business thực hiện.
Ông Talhelm đã quan sát 8.964 vị khách ngồi ở quán cà phê Starbucks tại 6 thành phố khắp Trung Quốc và phát hiện một điều thú vị: Người dân ở thành phố phía Nam ít khi ngồi một mình. Phương thức trồng lúa truyền thống ở phía Nam Trung Quốc khiến những người dân ở đây có sự liên kết với nhau nhiều hơn và ít muốn kiểm soát môi trường xung quanh. Điều này đúng với cả những cư dân thành phố sống cách xa vùng nông nghiệp ngày nay. Ngược lại, những cư dân ở vùng trồng lúa mì phương Bắc lại có xu hướng độc lập hơn.
Ông Talhelm nhấn mạnh: Ý tưởng đằng sau nghiên cứu xuất phát từ sự khác biệt trong phương thức canh tác cây trồng giữa các vùng miền. Những nông dân trồng lúa theo kiểu truyền thống từ phía Nam Trung Quốc phải chia sẻ lao động và phối hợp tưới tiêu, do đó đã tạo ra giữa họ mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và các luồng quan hệ xã hội nhiều hơn. Còn nông dân trồng lúa mì phía Bắc làm việc tự do, độc lập, không bị phụ thuộc vào những người hàng xóm như những đồng hương ở phương Nam.
“Tôi nghĩ người dân Trung Quốc từ lâu đã có cảm giác rằng những người miền Bắc cư xử khác với những người miền Nam. Nghiên cứu này cho thấy một lý do – đó là phương thức canh tác trồng trọt giữa các vùng miền khác nhau dẫn đến cách hành xử khác nhau”, ông Talhelm cho biết.
Ở nghiên cứu thứ hai, những chiếc ghế trong quán cà phê được đặt lại gần nhau để chặn một phần lối đi. Quan sát hành vi ứng xử với tình huống này, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng: Người dân ở phía Bắc đã di chuyển ghế ra khỏi lối đi, điều này trùng khớp với phát hiện về những người theo chủ nghĩa cá nhân, họ thường cố gắng kiểm soát môi trường xung quanh.
Còn người dân ở phía Nam có khả năng thích nghi hơn với môi trường xung quanh, thể hiện qua việc họ đi lách qua những chiếc ghế trong quán cà phê.
Từ hai nghiên cứu này, họ đã đưa ra kết luận: Người dân từ vùng trồng lúa thể hiện hành vi tương trợ lẫn nhau, như thường ngồi trong nhóm hoặc lách mình qua những chiếc ghế chật hẹp, trong khi đó người đến từ vùng trồng lúa mì thường thể hiện cách ứng xử theo chủ nghĩa cá nhân, như ngồi một mình hoặc chủ động di chuyển những chiếc ghế đang chặn đường đi của họ.
Talhelm trở nên hứng thú với nghiên cứu về sự khác biệt văn hóa giữa phía Nam và phía Bắc Trung Quốc khi ông sống ở Quảng Châu, phía Nam nước này.
“Tôi đã chú ý tới những điều nhỏ nhặt trong hành vi của người miền Nam, họ tỏ ra căng thẳng nếu họ bất ngờ va vào tôi trong cửa hiệu tạp hóa. Họ có vẻ dè dặt kín đáo, cố gắng tránh mâu thuẫn. Sau đó tôi chuyển đến sống ở Bắc Kinh và phía Bắc, tôi nhanh chóng nhận thấy rằng sự dè dặt, kín đáo không phải là phong cách ứng xử của người dân Bắc Kinh”.
PGS Talhelm kết luận: Ngay cả ở các thành phố hiện đại nhất của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải, sự khác biệt về mô hình canh tác lúa và lúa mì vẫn ảnh hưởng nhiều mặt đến hành vi ứng xử của họ, biểu hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày ở thời đại này.
(Tỷ lệ đất canh tác dành cho các cánh đồng lúa ở các tỉnh trên khắp Trung Quốc, phía Nam có truyền thống trồng lúa, trong khi phía Bắc trồng lúa mì và các loại cây trồng khô khác như kê).
Mặc dù rất nhiều người nói về sự phân cách giữa đô thị và nông thôn ở Trung Quốc, nhưng những phát hiện trong nghiên cứu này cho thấy sự khác biệt nằm ngay giữa các thành phố lớn nhất của nước này. Điều đó chỉ ra rằng có những khác biệt to lớn về văn hóa ở Trung Quốc vượt trên cả sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn.
Theo Visiontimes
Ngọc Ni biên dịch