Thư pháp – Loại hình nghệ thuật truyền thống có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại thực sự là một phương pháp rèn luyện nâng cao cảnh giới tinh thần và mở rộng kiến thức về nhân sinh quan trong vũ trụ.

Thư pháp khởi nguồn từ nền văn hóa Thần truyền 5.000 năm của Trung Hoa – mảnh đất Thần Châu màu mỡ với ý nghĩa rằng Thần và con người đã cùng tồn tại. Người ta tin Thần đã truyền cho con người một nền văn hóa phong phú. Trải qua hàng ngàn năm phát triển, Phật gia, Đạo gia, Nho gia là cốt lõi của xã hội. Thư pháp, âm nhạc, y dược, trang phục v.v…được coi là do Thần truyền xuống nhân gian. Và cũng từ nơi tinh hoa của Đất Trời hội tụ mà truyền xuất đi khắp các nẻo trên thế giới.

Thư pháp bắt nguồn từ Trung Hoa và được lan truyền sang các nước phương Đông khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Tại Nhật Bản, nghệ thuật viết chữ được gọi là Thư đạo, Hàn Quốc được gọi là Nghệ thư và Việt Nam gọi là Thư pháp.

Người Hàn Quốc gọi nghệ thuật viết chữ là nghệ thư.

Cũng giống như Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc có một nền văn hóa truyền thống chịu ảnh hưởng lớn từ nền văn hóa cổ đại của người Trung Hoa xưa, một trong số đó là thư pháp hay còn được gọi là nghệ thư ở Hàn Quốc – một loại hình nghệ thuật vẽ chữ giàu biểu cảm, mang nội hàm sâu sắc.

Viết chữ là họa tranh trong lòng

Trong khi, nghệ thuật viết chữ của người phương Tây chú trọng vào hình thức, chữ cái được xem như chủ thể của vẻ đẹp mang tính thẩm mỹ, người viết sẽ tập trung vào việc tạo các dạng chữ cái trên trang viết thật rõ và đẹp mắt thì thư pháp phương Đông trong đó bao gồm cả nghệ thư của người Hàn Quốc hoàn toàn đối nghịch.

Để trở thành thư pháp gia chân chính, người học cần có một kiến thức uyên sâu và óc thẩm mỹ vững vàng.

Trong văn hóa phương Đông, thư pháp không chỉ là bài tập kỹ thuật viết chữ mà còn là một hoạt động rèn luyện kỷ luật của trí óc, là nghệ thuật vẽ chữ giàu biểu cảm thể hiện tài trí và tâm hồn của người viết. Nghệ thuật viết thư pháp của người phương Đông vốn coi trọng nhân phẩm, thư pháp và tu thân dưỡng tính là hai điều không thể tách rời. Cũng như vậy, nghệ thư Hàn Quốc là một loại hình thái trang nhã mang nội hàm sâu sắc, trong đó mỗi nét chữ được ví như bức họa thể hiện nội tâm của người viết.

Để trở thành một thư pháp gia chân chính, người học không chỉ là rèn luyện kỹ pháp viết nét mà còn cần cả một quá trình rèn luyện nội tâm và trau dồi tri thức. Luyện tập thư pháp cũng chính là cách giúp con người cảm ngộ được đạo lý sống, hiểu về thư pháp có thể gợi mở về nhân sinh quan sâu rộng.

Nghệ thuật thư pháp sử dụng bút lông, giấy họa, mực tàu và nghiên mực hay còn được gọi là “văn phong tứ bảo” để biểu đạt tâm tình của người viết.

Văn phong tứ bảo của Hàn Quốc được gọi là “Munbangsawoo” là bốn vật dụng thường thấy trong thư phòng của những ngôi nhà Hàn cổ.

Giấy thư họa: Để viết nghệ thư của người Hàn Quốc chọn giấy truyền thống Hanji – một loại giấy được làm từ cây dâu, đặc biệt thấm mực và có khả năng làm ánh lên màu mực.

Bút lông: Cần là loại bút thẳng, đầu bút nhọn làm từ lông động vật và dài bằng nhau. Sau khi dùng, người ta phải rửa sạch bút rồi mới cất đi.

Thỏi mực: Thỏi mực được làm bằng cách trộn lẫn muội than và hồ. Thỏi mực tốt là loại có những hạt nhỏ mịn và cứng.

Nghiên mực: Của người Hàn hình tròn, được làm ngọc bích hoặc loại đá cứng không hút nước.

Ngoài văn phong tứ bảo, 4 dụng cụ cơ bản cần thiết đối với bất kỳ bức thư pháp nào thì nghệ thư của người Hàn Quốc còn dùng đến những vật dụng khác như là yeojeok – vật đựng nước mài mực, boot tong – ống cắm bút, munjin – vật chặn giấy dài và phẳng và một bát đựng nước rửa bút.

Nghệ thư – Thưởng thức bằng mắt và khắc ghi trong tâm

Nghệ thư truyền tải vẻ đẹp của các chữ tiếng Hán hoặc tiếng Hàn thông qua nét bút lông trên nền giấy trắng. Tính thẩm mỹ của mỗi bức nghệ thư phụ thuộc vào thành phần hợp thành của nó. Ví dụ: Sự cân đối giữa dấu và dòng – lớn nhỏ, dài ngắn – với vị trí của khoảng trống. Nó còn phụ thuộc vào nhịp điệu và dòng chữ – đậm nhạt, chắc thanh – sự đẹp đẽ của chuyển động mà nó tạo ra. Chuyển động này và vô số sắc thái của màu mực đen khác nhau truyền tải tâm ý của người viết. Tất cả những sắc thái này kết hợp lại – khoảng trống đầy tính thẩm mỹ được tạo ra bởi màu mực, vị trí của các kí tự và dòng chuyển đẹp đẽ của chữ viết – khiến cho nhân cách người viết tỏa sáng trong toàn bộ tác phẩm. 

Trái ngược với thư pháp bằng chữ tượng hình tiếng Hán với rất nhiều kiểu chữ được phát triển qua lịch sử văn hóa truyền thống 5.000 năm Trung Hoa, nghệ thư Hàn Quốc chỉ mới phát triển cách đây khoảng 500 năm lịch sử. Dù có lịch sử tương đối ngắn, nhưng cách viết nghệ thư Hàn Quốc được rất nhiều người yêu mến vì sự bình dị, mộc mạc và vẻ đẹp của nội lực tiềm ẩn đáng ngạc nhiên.

Một tác phẩm thư pháp của nghệ sĩ thư pháp hiện đại Kim Sung-tae. Trên đó viết: “Núi, cao xanh,” một dòng trong bài thơ Cheongsando của nhà thơ Park Du Sin.

Nghệ thư Hàn Quốc đang phát triển không ngừng với hy vọng nhiều người hơn nữa được tiếp xúc với nghệ thuật nâng cao cảnh giới thông qua hình thức này. Nhiều nơi ở Hàn Quốc mở lớp dạy thư pháp cho người nước ngoài và được rất nhiều người quan tâm trong đó có cả những nhân viên làm việc trong các đại sứ quán các nước tại Hàn Quốc. Hy vọng sẽ có nhiều người hơn nữa biết đến loại hình nghệ thuật mang tính tri thức lành mạnh này.

Hình ảnh của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc và Cơ quan Di sản Văn hoá Hàn Quốc.

Xuân Dung