Siêu bão Meranti hoành hành đảo quốc Đài Loan đúng dịp Trung thu. Rất nhiều nhà hàng phải đóng cửa trong những ngày bão quét, nhưng một số dịch vụ vẫn phải làm việc bình thường. Vì vậy mà xảy ra những câu chuyện “dở khóc dở cười”. Dưới đây là một câu chuyện như thế.
Chuyện xảy ra tại cửa hàng đồ uống ở Đài Loan. Một nữ y tá ở bệnh viện gần đó gọi đồ uống và yêu cầu được giao tận nơi, mặc dù nhân viên đã thông báo là sẽ không giao hàng, nhưng y tá ở đầu dây bên kia vẫn tỏ ra cứng rắn…
“Này! Giao hàng đến nơi nhé, cao ốc bệnh viện X…”
Anh mềm dẻo thông báo rằng hôm nay không phục vụ giao hàng, y tá lại nói: “Bão gió tôi không muốn đi ra ngoài mua đồ uống, tôi muốn uống một ly chanh leo…” Anh đành phải nhấn mạnh lần nữa: “Xin lỗi, thật sự cửa hàng ngừng giao hàng vì thời tiết xấu.”
Lúc này, đầu dây bên kia cũng thay đổi giọng, y tá nói: “Thế anh còn muốn kinh doanh nữa không?” Anh cảm thấy khó chịu trả lời: “Tôi không muốn làm bạn phật lòng…”. Y tá lập tức nói: “Số điện thoại khiếu nại của khách hàng là bao nhiêu?” Anh cũng tỏ ra cứng rắn, nói cô lên mạng mà xem…
Y tá nổi giận mắng: “Anh có thái độ gì thế hả?” Lúc này, anh bèn dịu giọng, liền nói: “Cao ốc bệnh viện X ở đâu, quý khách muốn đồ uống gì?” Y tá nghe được thái độ mềm mỏng của anh, không khách khí nói: “Tôi uống một ly chanh leo nửa đường ít đá, bảo cửa hàng trưởng tự mình mang đến”. Nói xong cô cũng cúp điện thoại.
Anh cố nén tức giận trong lòng, bèn làm một ly chanh leo rồi mang đến bệnh viện giữa trời bão gió. Vừa đến nơi, anh hỏi thăm y tá ở quầy tiếp tân: “Xin hỏi, cô X có ở đây không ạ? Tôi ở cửa hàng đồ uống X.”
Nữ y tá ở quầy tiếp tân kinh ngạc nói: “Ồ, anh thật sự đến giao hàng à?”. Lúc này, cô y tá gọi điện đặt hàng chậm rãi đi tới, đắc ý nói: “Chị thấy không, chúng chỉ sợ làm căng thôi!” Sau đó mới đi đến trước mặt anh, ném ra 40 đài tệ (khoảng 28 nghìn đồng) lên trên bàn.
Anh chợt mỉm cười, lấy ống hút cắm vào ly nước, đứng trước mặt các khách hàng và bắt đầu uống. Hai cô y tá kinh ngạc nhìn anh, anh bình tĩnh quay trở lại nói: “Tôi xin lỗi, hôm nay không có giao hàng, tôi chỉ là đến đây với tư cách cá nhân gặp mặt cô y tá thô lỗ ấy mà thôi!” Nói xong anh liền bỏ đi.
Sau khi chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng, anh nói: “Bài viết này đơn giản chỉ là cảm thấy mọi người nên giúp đỡ lẫn nhau, người không tôn trọng người khác khó lòng khiến người khác tôn trọng mình.”
Anh cũng giải thích rằng, cao ốc bệnh viện ở ngay gần cửa hàng, và các nhân viên luôn phục vụ chu đáo, tận tình. Thế nhưng chúng tôi làm kinh doanh cũng có những quy định về hoàn cảnh đặc biệt cần ngừng cung cấp dịch vụ. Nếu như mọi người đều không thể đặt mình vào vị trí người khác, vậy xin vui lòng làm thử công việc phục vụ sẽ biết được những gì gọi là “đồng cảm”.
Là một khách hàng, có lẽ bạn sẽ không hẳn đồng tình với cách hành xử của người nhân viên ấy. Nhưng dẫu sao, hãy lắng nghe chia sẻ của anh để thấy rằng, phục vụ cũng là lao động chân chính và cần được tôn trọng. Biết trân trọng người khác cũng là biết trân trọng chính mình…
Huy Hoàng
Xem thêm: