Valerie Luu ngồi trong quán cà phê nhỏ của mình, đôi mắt dõi theo những đôi giày, một trong những niềm đam mê bất tận của cô. Luu  mới chuyển tới Chinatown, “ốc đảo nổi tiếng của người châu Á” ở San Francisco này chỉ vài tháng. Nhưng những buổi sáng ngắm nhìn người qua đường đã cho cô một cảm nhận rõ nét: Những cụ già ở khu phố này thật “Sành điệu”.

Không giống như những gì người ta thường tưởng tượng khi nghe nhắc tới cụm từ “người cao tuổi”, ở Chinatown dường như không có những tính từ “chậm chạp”, “cô đơn”, ” không có việc làm”, cư dân và đặc biệt là những cư dân lớn tuổi của khu phố này rất năng động. Họ còn mang dáng vẻ rất vui tươi. Chú ý quan sát một chút, bạn sẽ thấy mình như ở trong một sàn diễn thời trang khổng lồ. Nhất là với những ai là tín đồ của thời trang Vintage, Luu chắc chắn sẽ khuyên bạn ghé qua đây một lần, nếu có cơ hội tới Mỹ.

Hơn ai hết, những cụ già “có gu” của khu phố này sẽ cho bạn những gợi ý, những minh họa tuyệt vời cho cách phục sức theo tinh thần của thời trang thập niên 70, 80, 90 – những năm tháng rực rỡ nhất của thời trang mới.

Luu là một phụ nữ hiện đại với phong cách ăn mặc hiện đại lấy tông đen làm chủ đạo, “tôi dường như luôn mặc đồng phục, một bộ đồ đen từ trên xuống dưới, thậm chí, những chiếc tất của tôi cũng đen”. Cô đã rất quen thuộc với kiểu cách ăn mặc thịnh hành này. Tuy nhiên, các lão niên ở khu phố Chinatown này đã khiến cô gái mê mẩn. Trước mắt cô là một cảnh tượng hoàn toàn khác.

Màu sắc tràn ngập khắp mọi nơi, những họa tiết in hoa, những màu sắc nóng ấm. Trang sức bằng ngọc và vàng xuất hiện ở khắp các phố phường. Các trang phục ở đây có tính ứng dụng cao, những quần áo, túi xách làm bằng tay, không thể thiếu những chiếc mũ để chống lại cái lạnh và tiếng ồn. Nhưng không vì thế mà nó mất đi tính thời trang, thậm chí, bạn sẽ còn phát hiện ra không ít những xu hướng thời thượng nhất ở khu phố này.

Dự án “Pretty ChinaTown”

Đó là lý do tại sao, Luu quyết định cùng cô bạn thân của mình, đồng thời cũng là một nhiếp ảnh gia thực hiện một chuyến phiêu lưu vào mỗi cuối tuần. Họ rong ruổi khắp nơi trong Chinatown để xin chụp ảnh những cụ già “phong cách”, những lão niên mà trang phục của họ thể hiện một cách thật tự nhiên “chất” bên trong con người họ.

Chuyến phiêu lưu không hề dễ dàng, Luu và Lo, bạn đồng hành của cô đã phải nhận rất nhiều lời từ chối từ những “nhân vật” đặc biệt này trước khi có những tấm hình đầu tiên. Tuy nhiên, niềm đam mê thời trang đã giúp hai cô gái không nản chí. Cuối cùng, họ cũng có được những tấm hình của mình.

Những “người mẫu cao niên” này thực sự không làm Luu và Lo thất vọng. Một khi đồng ý, các ông bà đều rất tự nhiên trước ống kính máy ảnh của Lo. Họ không hề biết thế nào là thời trang, nhưng các cụ đều rất tuyệt khi mỉm cười, và thậm chí là cười thật tươi.

Không ít lần Luu và Lo bật cười thích thú khi phát hiện ra một “hot trend” (xu hướng đang thịnh hành) trên mạng trong trang phục của những người châu Á cao tuổi ở khu phố này. Những chiếc áo len màu sắc, những bộ đồ in họa tiết nổi bật, hay bộ đồ tông xuyệt tông màu nâu đất, những chiếc kính chuồn chuồn.

Không hề phải cố gắng, các lão niên vẫn đẹp rạng ngời trong những trang phục của họ. Chỉn chu và rực rỡ là hai tính từ có thể miêu tả trọn vẹn phong cách và thần thái của những người mẫu đặc biệt này.

Ấn tượng nhất với Luu và Lo chính là lần gặp gỡ Man Ta, một cụ bà với đôi giày màu xanh ngọc có đính ngọc lấp lánh.

Đôi giày thực sự khiến Luu ấn tượng. Bà mặc nó với một bộ đồ in hoa và một chiếc áo khoác rộng rãi. Man Ta thực sự là “Cô bé Lọ Lem” của hai người phụ nữ trẻ. “Chúng tôi nhìn xuống chân bà và vô cùng ngạc nhiên, chúng tôi đã nói với bà rằng: ‘Ôi Chúa ơi, bà chính là người truyền cảm hứng cho dự án này của chúng con'”.

Sau những buổi chụp hình đầu tiên, Luu và Lo đã viết một bài báo để giới thiệu về góc nhìn của mình trên một trang báo địa phương. Dự án “Pretty Chinatown” của cả hai nhanh chóng được đón nhận nồng nhiệt. Điều đó khiến cả hai rất hứng khởi, và hiện giờ hai người bạn đồng hành đã cùng nhau xây dựng một trang blog, lấy tên của chính dự án, để lưu lại những hình ảnh và những câu chuyện quý mà họ thu nhặt được trong những ngày tháng rong ruổi ở Chinatown.

Không chỉ có thời trang

Là những người gốc Á nhưng sinh ra và lớn lên trong một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt với gốc gác của mình, cuộc “phiêu lưu” này rất có ý nghĩa với Luu và Lo. Những cuộc gặp gỡ, trò chuyện đã giúp họ có thể kết nối với không chỉ lịch sử của khu phố Tàu Chinatown này. Sâu hơn, nó giúp hai cô gái chạm được đến phần nào đó văn hóa Á Đông, nguồn cội thực sự của chính họ.

Những cuộc hành trình cuối tuần còn khiến Luu và Lo học được những bài học nhỏ nhưng cũng rất đáng suy ngẫm. Rất đông trong số những người phụ nữ họ gặp gỡ đều đã từng là công nhân trong các nhà máy may khi họ chuyển tới San Francisco. Đồng thời họ cũng là những bậc thầy trong việc sửa chữa và may vá trang phục cho chính mình. Ở thời đại mà một chiếc váy H&M khó có thể trụ vững sau những lần giặt đầu tiên, Luu và Lo thực sự ấn tượng với cách mà những lão niên ở Chinatown giữ gìn trang phục của họ qua hàng thập kỷ.

Nhưng ấn tượng nhất với hai cô gái có lẽ vẫn là “sắc màu” và “thần thái” của những người cao tuổi.

Đặc biệt là Luu, cô đã thú nhận rằng sau khi thực hiện dự án này, cô đã cảm nhận thật rõ ràng màu sắc trang phục của mình có thể ảnh hưởng thế nào đến tâm trạng những người xung quanh. Quần áo không chỉ đem lại sự thoải mái cho riêng bạn, mà nó có thể khiến những người khác cảm thấy thích thú và vui vẻ. Bởi vậy, trong tủ đồ của Luu, bên cạnh những “bộ đồng phục đen”, đã bắt đầu xuất hiện một vài chiếc áo với họa tiết đặc trưng của các lão niên.

Mời bạn cùng tham khảo thêm những cách phối đồ của các lão niên tại Chinatown, để cảm nhận được tinh thần thời trang nơi đây:

“Dù bạn mặc gì, quan trọng nhất vẫn là ở thần thái của bạn!”. Nói cách khác “Phong cách không là gì ngoài việc để những bộ đồ nói lên những điều đẹp nhất bên trong bạn. Đó chính là món tuyệt vời bạn có thể tặng cho những người nhìn thấy mình mỗi ngày”.

Nguồn ảnh: Pretty Chinatown blog

Hy Văn